Hướng dẫn phòng chống dịch khi dạy học trực tiếp của Bộ Y tế "lệch pha" với TPHCM

22/02/2022 - 17:47

PNO - Hướng dẫn công tác phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp của Bộ Y tế ban hành ngày 21/2 vẫn tồn tại nhiều bất cập với TPHCM.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp F0 trong cơ sở giáo dục, yêu cầu: Đối với lớp học có F0 thì tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ học sinh trong lớp đó. Đồng thời, xác định các trường hợp F1 theo công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế.

Vẫn tồn tại bất cập trong hướng dẫn phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp với TP.HCM
Vẫn tồn tại bất cập trong hướng dẫn phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp tại TPHCM

Nếu học sinh không phải F1 và kết quả xét nghiệm âm tính sẽ đi học bình thường.

Nếu là F1 đã tiêm 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 5. Nếu âm tính được đi học trực tiếp và tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong 5 ngày kế tiếp.

Với F1 chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được cách ly, theo dõi sức khỏe 7 ngày, được xét nghiệm vào ngày thứ 7. Nếu có kết quả âm tính sẽ trở lại trường học trực tiếp, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo.

Đối với trường hợp F0 phát hiện tại nhà, học sinh sẽ nghỉ học, đồng thời Bộ Y tế quy định nhà trường, y tế cấp xã truy vết học sinh F1 liên quan, xử lý F1 như trên.

Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) đánh giá, dù quy định mới này đã thoáng và “dễ chịu” hơn rất nhiều so với các quy định của ngành y tế và Bộ GD-ĐT trước đây song vẫn tồn tại nhiều bất cập, “lệch pha” so với các quy định xử trí F0, F1 trong trường học mà TPHCM đã áp dụng từ trước đến nay.

“Đã có các quy định rất rõ về F1 vậy tại sao lại bắt buộc tất cả học sinh trong lớp có F0 phải xét nghiệm. Rõ ràng quy định này chưa nêu bật được việc học sinh đã tiêm 2 mũi vắc xin và học sinh chưa tiêm vắc xin vì vẫn yêu cầu xét nghiệm hết cả lớp, áp dụng cả học sinh đã tiêm đủ liều vắc xin và học sinh chưa tiêm. Quy định xét nghiệm cả lớp là không phù hợp”, ông Huỳnh Thanh Phú nêu.

Ngoài ra, ông cho rằng đã quy định F1 khi hết thời gian cách ly được trở lại trường nhưng vẫn yêu cầu theo dõi thêm là chưa hợp lý, chưa kể Bộ không nói rõ theo dõi thêm cụ thể là như thế nào.

Hiệu trưởng này cho rằng, quy định dù đã thoáng hơn nhưng không linh hoạt với vùng xanh TPHCM. Hiện nay, tỷ lệ người dân thành phố tiêm đủ 3 mũi vắc xin rất cao, học sinh thành phố từ 12 - dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng gần như 100%.

Do vậy, quy định xét nghiệm toàn bộ lớp học khi có F0, F1 hết thời gian cách ly còn phải theo dõi thêm là cứng nhắc, tiếp tục gây khó cho nhà trường khi dạy học trực tiếp, lâu dài sẽ không đủ nguồn lực để xét nghiệm cả lớp.

Cạnh đó, với quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại nhà thì tiến hành truy vết F1, ông băn khoăn vậy học sinh cả lớp đó có phải xét nghiệm hay không hay chỉ áp dụng đối với riêng F1. Đồng thời, nếu F0 xuất hiện trong tối thứ 6 thì cách thức xử lý cụ thể sẽ thế nào.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường TH tại Q.12 nhận định, quy định mới này vẫn rất “rối rắm”.

TP.HCM sẽ cập nhật phương án kiểm soát dịch bệnh trong trường học để phù hợp với đặc thù TPHCM
TPHCM sẽ cập nhật phương án kiểm soát dịch bệnh trong trường học để phù hợp với đặc thù TPHCM

Từ thực tế dạy và học trực tiếp tại đơn vị trong hơn tuần qua, vị này cho biết việc xét nghiệm cho học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, 2 khi trong lớp xuất hiện F0 là cực kỳ khó. Phải được sự đồng thuận của phụ huynh và nếu làm không cẩn thận có thể sẽ bị phụ huynh kiện.

“Ngoại trừ những học sinh F1 tiếp xúc gần phải xét nghiệm, việc yêu cầu tất cả học sinh trong lớp xét nghiệm khi có F0 là khó khả thi, không phù hợp, không cẩn thận có thể gây sang chấn tâm lý học sinh, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi”, vị này thẳng thắn.

Trước quy định mới của Bộ Y tế, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết TPHCM đã triển khai đến các trường.

Tới đây, Sở GD- ĐT và Sở Y tế sẽ có tờ trình với UBND TPHCM, cập nhật phương án kiểm soát dịch bệnh trong trường học để phù hợp với đặc thù TPHCM. Trong đó, sẽ đưa ra quy định xử lý F0, F1 linh hoạt, phù hợp nhất.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI