PNO - Thời điểm này, học sinh nên lựa chọn phương pháp học tập phù hợp, xây dựng thời gian biểu hợp lý để ôn tập với tâm thế tự tin nhất. Dưới đây là hướng dẫn ôn tập hiệu quả từ các thầy cô giảng dạy môn: vật lý, hóa học, địa lý.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, tôi cho rằng việc nắm chắc lý thuyết rất quan trọng. Vì câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 40% điểm và luôn là những câu “ăn điểm” nên khá dễ làm, thời gian làm rất nhanh. Muốn học lý thuyết hiệu quả, các em có thể ôn lại trong sách giáo khoa theo các chủ đề và chọn thời gian thoải mái nhất trong ngày để học.
Đề thi luôn có những mức độ khác nhau trong đó có những câu dễ lấy điểm, học sinh cố gắng ôn luyện để đạt 7 - 8 điểm. Ngoài ra, nên kết hợp việc luyện đề chuẩn cấu trúc với việc tổng ôn kiến thức theo chuyên đề, tư duy logic là yếu tố quan trọng giúp các thí sinh nhận biết đề bài. Học lý thuyết và luyện đề phải song hành với nhau. Khi luyện đề, ngoài việc rèn kỹ năng, tốc độ, tâm lý làm bài, học sinh cũng sẽ biết được phần nội dung kiến thức nào mình hay quên, có lỗ hổng nào về kiến thức thì ngay lập tức bổ sung. Về cách ôn tập, học sinh phải nắm đủ kiến thức ở những chuyên đề như: Phần mạch dao động, giao thoa ánh sáng, lượng tử ánh sáng, hạt nhân. Đó là bốn phần lý thuyết đơn giản, bài tập vận dụng bình thường, căn bản, mức vận dụng thấp nên dễ lấy điểm, thí sinh tuyệt đối không bỏ qua.
Chiến thuật ở thời điểm hiện nay là áp dụng phương thức “hai ôn tập, một kiểm tra”, tức là hai buổi ôn tập tất cả lý thuyết căn bản và những câu thuộc dạng nhận biết tránh sai lầm, những câu vận dụng nắm chắc kiến thức từ lý thuyết. Sau đó, lấy một đề để giải. Điều này sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức và kỹ năng làm bài hiệu quả hơn là làm đề tràn lan. Khi luyện đề, học sinh nên quan tâm đến chất lượng hơn số lượng, không nên chạy đua làm nhiều đề thi nhưng lại không đọng lại được nhiều kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) đang ôn thi tốt nghiệp THPT môn địa lý - Ảnh: Trần Huy
Với những học sinh đặt mục tiêu điểm trên 8, tức là phải làm tốt những câu hỏi mang tính phân loại thí sinh. Phần này, thí sinh phải có tư duy tổng hợp kiến thức toán học và vật lý. Thực tế, có nhiều bạn giỏi lý nhưng không có kỹ năng thì không giải quyết được. Khi làm bài tập vật lý, học sinh hãy dùng máy tính để tính toán cho nhanh và chuẩn. Đặc biệt, khi luyện đề thì không nên ôm đồm kiến thức, hãy ôn chắc những phần cơ bản (khoảng 32 câu hỏi), làm kiểm tra chắc chắn trong 40 phút đầu luyện đề, 10 phút sau là dành cho những câu khó.
Thầy Vũ Xuân Trung, giáo viên vật lý Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội)
Hóa học: Nắm chắc lý thuyết để giải quyết vấn đề Về kiến thức, các em cần nắm vững phần lý thuyết: các định nghĩa, các định luật, các quy luật, các mối liên hệ với đời sống… Tập trung nhiều ở kiến thức lớp 12 và những phần liên quan với lớp 10, 11. Khi học bài, các em cần biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau, lập sơ đồ tư duy sự chuyển hóa giữa các chất… Phần bài tập nên tự mình phân loại các dạng toán và biết cách sử dụng các định luật trong hóa học để giải quyết (định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn điện tích, bảo toàn electron…). Khi làm bài lưu ý: Các câu hỏi lý thuyết (khoảng 30 câu) chủ yếu là lý thuyết có lý luận, học sinh cần nắm chắc và vận dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề này. Học sinh không được hấp tấp khi đọc đề, mà phải đọc thật kỹ đề để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Các bài toán (khoảng 12 câu) gồm có: dạng toán cơ bản, mức độ giải quyết khoảng 1 phút/câu (bốn câu), bài toán có suy luận (bốn câu) và dạng toán khó (bốn câu). Muốn giải quyết phần toán khó này, học sinh phải làm bài tập thật nhiều để nhận dạng vì với thời lượng quy định, học sinh không thể mày mò được. Để giải tốt các bài toán, các em phải biết cách giải theo phương trình phản ứng hóa học và giải theo các định luật. Các bài toán dù khó nhưng cũng chỉ được giải trong thời gian 2 - 3 phút, nên cách giải mất nhiều thời gian sẽ không phù hợp, mà phải tìm cách giải ngắn hơn. Đề thi sẽ có tính phân hóa rất cao. Học sinh phải tự xác định trình độ mình và thi vào trường nào để làm bài hiệu quả, đạt số điểm cần thiết để xét tuyển. Việc học kỹ bài chưa đủ để làm bài tốt, mà đòi hỏi học sinh phải làm bài tập nhiều và thật cẩn thận để tránh những sai sót khi làm bài. Để đạt điểm như mong muốn, trước tiên các em chọn những câu dễ làm trước (dành điểm xét tốt nghiệp THPT). Sau đó mới dành thời gian làm các câu khó dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Những câu cực khó chỉ dành cho các học sinh dự thi vào các trường đại học thuộc top đầu. Đề thi có thể có nhiều câu hỏi lý thuyết. Các em cần dành nhiều thời gian để học kỹ lý thuyết.
Thầy Trần Tiến Vượng, giáo viên môn hóa học Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM)
Địa lý: Cần thêm kiến thức từ thực tiễn
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa, học sinh cần tham khảo để xác định trọng tâm và có chiến lược ôn tập hợp lý ở giai đoạn này. Để có được kết quả thi tốt, các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông, có cập nhật các vấn đề thực tiễn, thành thạo các kỹ năng địa lý và có phương pháp ôn thi hiệu quả. Do đặc thù của môn địa lý, trong đề thi không chỉ có các kiến thức lý thuyết mà còn đánh giá các kỹ năng: sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu, tính toán, hay xác định dạng biểu đồ từ bảng số liệu đã cho. Do vậy, học sinh cần ôn tập như sau:
- Nắm chắc phần kiến thức kỹ năng: Các câu hỏi khai thác Atlat có 15 câu (37,5%) nằm dàn trải ở các trang 4 - 29. Hầu hết câu hỏi đều ở mức độ nhận biết nên rất đơn giản, học sinh cần xác định đúng đối tượng (thông qua bảng chú giải) là có thể lựa chọn được đáp án đúng. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên luyện tập để sử dụng thành thạo Atlat, những câu hỏi này dễ gây mất thời gian của học sinh.
Biểu đồ và bảng số liệu có bốn câu (10%) nên trong quá trình ôn luyện ở nhà, học sinh phải xác định đúng dạng biểu đồ và chức năng của từng dạng để chọn được đáp án cho các câu hỏi. Muốn vậy, học sinh phải xác định đúng từ khóa. Ví dụ: từ khóa là “quy mô và cơ cấu” thì chọn dạng biểu đồ tròn, “tốc độ tăng trưởng” chọn biểu đồ đường
Nắm được một số công thức tính đơn giản của dân số như tính mật độ dân số, tỷ lệ gia tăng tự nhiên, tỷ lệ dân thành thị, hay các công thức của nông nghiệp như năng suất, bình quân lương thực đầu người… Ôn tốt phần kỹ năng, học sinh đã đạt 4,75 điểm.
- Về phần kiến thức lý thuyết: Học sinh nên ôn tập theo từng chủ đề, chú ý đến mức độ của câu hỏi đã được công bố ở đề thi minh họa để có chiến lược ôn cho hiệu quả. Do các câu hỏi trắc nghiệm có độ phủ chương trình rộng, nên học sinh cần xác định rõ mục tiêu để có hướng ôn tập phù hợp.
Phần địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và địa lý các ngành kinh tế hầu hết câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu nên những học sinh có lực học yếu và trung bình nên tập trung ôn vào nội dung này để kiếm điểm.
Phần địa lý vùng kinh tế là nội dung quan trọng vì có số lượng câu hỏi khá lớn (20%), các câu hỏi đều có tính phân loại cao nên cần được ôn tập kỹ. Nội dung câu hỏi của phần kiến thức này hầu hết ở phần vận dụng và vận dụng cao, do vậy học sinh cần có sự linh hoạt trong việc sử dụng các kiến thức tổng hợp để tìm ra các đáp án đúng. Các câu hỏi vào phần kiến thức này hầu hết đều yêu cầu học sinh tìm ra được nguyên nhân/giải pháp/ý nghĩa chủ yếu… Do vậy, để có được đáp án đúng, học sinh cần nắm rất chắc kiến thức cơ bản và có thêm những kiến thức từ thực tiễn cuộc sống…
Cô Nguyễn Thị Lệ Phương, giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.