Tháng Ba - mùa hoa bưởi thơm nồng nàn khiến ai nấy một lần thưởng hoa đều ít nhiều thổn thức “hương bưởi thơm cho lòng bối rối”(*). Mùa này, phố phường Hà Nội được ướp hương hoa bởi những gánh hoa bưởi tinh khôi từ vườn nhà mang ra khắp nẻo.
|
Hoa bưởi - món quà tinh khôi của tháng Ba |
Sài Gòn cũng có hoa bưởi
Thật ra Sài Gòn cũng có hoa bưởi. Nguồn cung trái cây của Sài Gòn chủ yếu từ miền Tây đưa lên, Biên Hòa chở xuống. Những vùng này lại không mặn mà thú chơi hoa bưởi, nên nhà vườn ít xuất đi. Hoa bưởi để ngắm thường được cắt từ những giống bưởi chua, vốn đang khan hiếm dần ở phương Nam, thay vào đó là giống bưởi da xanh ruột hồng cao giá hơn.
Hơn nữa, hoa bưởi tươi lại không dễ bảo quản; hay giập, rụng khi để chung các loại trái cây khác nên việc vận chuyển về các chợ đầu mối khá khó khăn.
Các chợ Sài Gòn thỉnh thoảng cũng có vài thúng hoa bưởi, đa phần là hoa dạt, được tỉa bớt để dưỡng những chùm hoa có khả năng đậu trái tốt hơn. Những nhà vườn nho nhỏ vùng ven Sài Gòn thi thoảng cũng cắt cành hoa bưởi bán nhưng không nhiều.
Để gặp hoa bưởi giữa Sài Gòn, hẳn bạn phải là một người cực kỳ hữu duyên. Tôi đã từng bỏ công đi rảo nhiều chợ, có khi kiếm mớ mít non, ít rau choại, rau ráng, đọt khổ qua, mớ bình bát, bần dốt… Các thứ đó giờ là hàng hiếm nhưng không phải không có.
Còn hoa bưởi thì khác, cực hiếm. Mùa hoa bưởi cũng qua đi rất nhanh, nhanh đến mức thứ hoa tinh khôi chỉ kịp lưu hương trong thoáng chốc. Thế nhưng, hương thơm thanh khiết, ngan ngát đó vẫn còn trong ký ức những người có tình với chúng.
Mùi ký ức
Nếu nói mùi hương hoa bưởi với nhiều người là mùi ký ức cũng không ngoa. Lứa 7X, 8X còn gần gũi với thứ mùi ấy nhiều hơn nữa. Khi bất chợt nghe hương bưởi thoáng qua, nhiều người liền nhớ ngay món mía ướp hoa bưởi thơm lừng, mát lạnh.
Món quà vặt tuổi thơ thời khốn khó đó đơn giản vậy mà hồi đó chỉ những đứa nhà kha khá, có tủ lạnh, có tiền cha mẹ cho ăn hàng nhỉnh hơn bọn bạn mới có thể hiên ngang ra chợ mua một cây mía về ướp hoa bưởi vừa ăn vừa ngửi đã đời.
|
Sắn dây ướp hoa bưởi |
Hồi đó không có giống mía huyết màu tím bầm bụ bẫm như bây giờ mà chỉ có giống mía thon dài, lóng nào cũng vàng ươm, thân mía mềm, xốp nên chẳng cần đến dao rọc vỏ. Sau khi dùng răng xước vỏ mía, bạn tôi cắt mía thành từng khúc cỡ 5, 10 phân.
Hoa bưởi lựa cái nào còn nguyên, không giập, hoa bung đều và hương nồng nàn, để cùng với mía rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh chừng hai tiếng đồng hồ là tha hồ vừa nhai mía vừa ngửi hương hoa.
Hồi đó, nhà tôi không có hoa bưởi, cũng chẳng có tiền mua mía. Nhưng mỗi lần tôi hay người trong nhà cảm lạnh mà ngay mùa hoa bưởi thì thể nào cũng được hàng xóm hào phóng cắt cho vài cành hoa bưởi về nấu nước xông, cùng mớ lá khuynh diệp, nhúm lá sả, đọt ổi và những cọng bồ bồ mọc hoang dưới ruộng.
Cái thứ cảm mạo đó gặp khắc tinh hoa bưởi là lui ngay bởi hoa bưởi có tính kháng viêm cao, hỗ trợ chữa ho và các triệu chứng cảm rất hiệu quả, lành tính. Mùi của nồi lá xông hoa bưởi hít vô mũi là hết ngay chứng nghẹt mũi, chỉ còn cảm giác khoan khoái.
Nhà nào ẩm mốc, chỉ cần nấu một nồi nước xông như vậy, để giữa nhà, mở bung nắp ra. Mùi ẩm mốc không còn, chỉ có thứ mùi the the, cay cay lan tỏa khắp nhà, dễ chịu vô cùng.
Hoa bưởi còn được dùng hãm trà cùng đường phèn cho trẻ nhỏ uống chữa tật nấc cụt, ngáp vặt, táo bón. Món trà này cũng giúp đánh tan chứng đầy bụng, hỗ trợ chữa đau dạ dày rất hay. Người xưa còn dùng hoa bưởi ướp trà mạn cho các vị cao niên đàm đạo mỗi tinh mơ và khi chiều tà, thơm mát thanh tao chẳng kém trà sen.
Mà kể ra cả cây bưởi không có thứ gì là bỏ đi.
Lá bưởi với mùi the hơi nồng lại là thứ được các chị ưa dùng kèm với vỏ bưởi, trái bồ kết nấu nước cho ra tinh dầu để gội đầu, kích thích mọc tóc, trị gàu, vừa thơm vừa sạch. Lá bưởi còn được người Hoa sử dụng trong việc xua đuổi những luồng khí xấu dịp cuối năm. Vỏ bưởi cũng được tận dụng làm mứt ăn rất lạ miệng hoặc phơi khô đốt lên đuổi muỗi rất hiệu quả.
Sau lớp vỏ, cùi bưởi trắng tinh đem cắt dạng quân cờ nấu cùng đậu xanh cho ra thứ chè bưởi hấp dẫn. Múi bưởi nếu không ăn tươi thì có thể ép lấy nước uống. Gai bưởi tỏ rõ công dụng trong việc… lể ốc, thời tăm tre xiên nĩa chưa lên ngôi.
Hồi đó, hễ ngày nào má ra ruộng bắt được mớ ốc đắng là tôi nhảy tót qua nhà hàng xóm xin mấy cái gai bưởi để sẵn. Gai bưởi nhọn, lại dẻo, dai nên không có kiểu vừa cắm vô con ốc đã gãy đôi như tăm tre.
Lưu hương hoa bưởi trong món ăn
Hoa bưởi mỗi năm chỉ có một mùa, trong vòng nửa tháng đổ lại. Một mùa hoa vội vàng khiến người ta ngẩn ngơ tiếc nuối. Vì vậy, từ xa xưa, ông bà mình đã nghĩ ra cách để lưu giữ hương hoa rất hay: ướp đường hoa bưởi.
Kỹ thuật ướp đường đơn giản và đã có từ lâu đời. Dường như đường chính là chất bảo quản tốt nhất cho những thứ hoa trái. Thứ gì cho vào đường ướp một thời gian đều thành một món ngon và giữ được rất lâu. Hoa bưởi cũng vậy.
|
Mía ướp hoa bưởi - món ăn tuổi thơ thơm ngon |
Công thức ướp đường hoa bưởi cực kỳ đơn giản: 1kg hoa bưởi + 1kg đường cát trắng. Hoa bưởi lựa hoa tươi không giập, rải một lớp hoa dưới đáy lọ thủy tinh sạch, sau đó rắc một lớp đường phủ lên trên. Cứ vậy tuần tự xếp một lớp hoa một lớp đường, đậy kín nắp, chừng 10 đến 15 ngày lọc bỏ bã hoa là ta đã có thứ nước đường hoa bưởi thơm lừng.
Nước đường hoa bưởi chan vào chén tào phớ, khiến món tào phớ mềm mịn thơm ngon một cách lạ kỳ. Nước đường hoa bưởi cũng được dùng nấu chè bưởi, chè hoa cau, làm bánh hoặc đơn giản cho thêm vào ly sương sa hột lựu, sương sáo hạt é, thơm dịu hơn mùi dầu chuối công nghiệp rất nhiều.
Nước đường hoa bưởi cũng được dùng làm bánh trung thu, bánh dẻo rất ngon và thơm mùi đặc trưng. Nhưng chỉ những ai làm thủ công, có điều kiện mới có thể trữ nước đường hoa bưởi cho những mẻ bánh trung thu đặc biệt đó. Đơn giản vì giá thành món này khá “chát”. Một ký hoa bưởi tươi tầm 250.000 - 300.000 đồng và không phải lúc nào người ta cũng mua được số lượng lớn.
Ngoài nước đường, người ta còn ướp hoa bưởi với bột sắn dây. Mẹ tôi thường cho hoa bưởi vào bọc bột sắn, cột kín lại, hôm sau lấy thứ bột đó khuấy thành nước uống, thơm ngon vô cùng. Hoặc muốn thanh cảnh hơn, có thể làm món mía lau chưng hoa bưởi, ra một thứ nước uống giải nhiệt thơm lành.
Mía lau chọn khúc giữa, róc vỏ, cắt khúc khoảng lóng tay, chẻ đôi, xếp vào thố, cho hoa bưởi vào xen kẽ, đổ nước lưng chừng thố, đậy kín nắp chưng trên lửa liu riu cho mía và hoa bưởi ra hết tinh chất. Mía chưng chừng nửa tiếng, mở nắp ra là hương bay ngào ngạt. Món này chỉ ngon khi dùng nguội, sau thời gian “hãm mía”, nước sẽ có hậu ngọt và mùi thơm thanh khiết.
Vậy đó, thứ hoa “hữu xạ tự nhiên hương” dẫu chỉ đến trong một thời khắc nhất định vẫn khiến người ta tha thiết kiếm tìm.
Trần Huyền Trang
(*): Lời thơ của Phan Thị Thanh Nhàn.
Hiện nay, rất khó tìm hoa bưởi tươi ở Sài Gòn. Bạn có thể ngược về làng bưởi Tân Triều (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), họa may sẽ mua được hoa bưởi từ nhà vườn. Ở Sài Gòn thì có nước đường hoa bưởi dạng tinh chất, bán nhiều ở các tiệm nguyên phụ liệu làm bánh, như tiệm bột Sanh Ký (136 Lương Nhữ Học, P.11, Q.5).