Huyện Khoái Châu nằm ở phía tây tỉnh Hưng Yên, trên bờ tả ngạn sông Hồng, cách thành phố Hưng Yên khoảng 30km và cách trung tâm Hà Nội khoảng 42km. Tiếng là đến Hưng Yên nhưng vì nhà cô bạn tôi ở Khoái Châu nên chúng tôi chỉ đi loanh quanh trong vòng bán kính chừng hơn 40km tính từ Hà Nội.
Từ Hà Nội đến Hưng Yên theo tỉnh lộ 179, đoạn qua Văn Giang, người ta bán bánh tẻ dọc đường khá nhiều. Hơn 20 năm tôi chưa ăn lại bánh này nên quên mất mùi vị của nó ra sao. Cô bạn bảo rằng sẽ đưa chúng tôi đến một “làng nghề” chuyên làm bánh tẻ.
Bánh tẻ chín
2 bên đường có rất nhiều nhà vườn trồng cây bán tết. Văn Giang và Khoái Châu là 2 huyện có diện tích trồng hoa và cây cảnh khá lớn. Khoái Châu có địa hình phức tạp, cao thấp xen kẽ. Vùng ngoài bãi có địa hình bán lòng chảo dốc dần từ dải đất cao bồi tụ xuống vùng đất trũng ven đê. Từ trên đường đê nhìn xuống bên dưới, chúng tôi thấy khá nhiều nhà vườn trồng các loại hoa tết đủ màu sắc, tạo nên nét duyên cho vùng quê thanh bình. Những tấm bảng lớn bên đường ghi tên nhà vườn cho biết đây là vùng trồng hoa kiểng chuyên nghiệp cung cấp không chỉ cho vùng mà còn nhiều nơi khác. Đặc biệt là bưởi cảnh. Những chậu bưởi thân to, thế đẹp hay bưởi cổ thụ thật lớn có giá vài chục đến trăm triệu đồng. Nhà vườn có thể chở chúng vào tận miền Nam khi có khách mua. Mọi hy vọng nhà vườn đặt hết vào đó cho dịp tết Nguyên đán.
Theo chân bạn, tôi vào một làng chuyên làm bánh tẻ. Bánh tẻ ăn giống như bánh giò nhưng dai hơn, nhân là thịt băm xào với nấm mèo, vị vừa ăn. Có loại bánh tẻ nhân đậu xanh xay nhuyễn xào cũng khá ngon. Nhờ gói bằng lá dong nên sau khi luộc, bóc vỏ ra, bánh có màu xanh nhẹ. Ở đây, người ta bán cả bánh sống và bánh chín.
Bữa trưa hôm ấy, cô bạn đưa chúng tôi về nhà ba mẹ cô cách trung tâm Khoái Châu khoảng 8km. 2 bên đường dẫn vào làng cơ man nhãn. Những vườn nhãn cổ thụ không phải mùa hoa trái nên xanh um lá. Bạn tôi kể, ngày xưa vườn nhà bố mẹ bạn có đôi chục cây nhãn.
Vườn nhãn cổ ở đền Hóa Dạ Trạch
Có những cây nhãn tuổi đời vài chục năm, tán rộng cho trái nhiều và ngon. Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng với mùi thơm đượm, dày cơm, giòn, ngọt, ăn không ngán. Có nhiều loại nhãn như nhãn đường phèn (nhãn tiến vua), nhãn cùi, nhãn thóc, nhãn siêu ngọt... Mỗi loại nhãn cho hoa có mùi thơm khác nhau. Sau khi thu hoạch (khoảng tháng Sáu), nhà vườn cho cắt tỉa, bón phân... Cuối năm, cây nhãn chuẩn bị lên mầm, lá sẽ đanh lại. Đặc biệt, mùa quả cho hoa xen kẽ, nếu năm ngoái cây cho trái nhiều thì năm nay cây sẽ ra hoa ít lại.
Đến đây mới biết nhãn nhiều thế nào. Nhãn trồng bên đường, trên lối đi, trong làng, xóm... Có những vườn nhãn thân cây to, tán xòe rộng; mỗi cây như vậy một mùa có thể cho 2,3 tạ trái. Nhiều đến mức cảm giác như ở đây, nhãn là một loại cây đường phố. Hưng Yên là vùng đất mà ngày xưa nổi tiếng nhờ có giống nhãn tiến vua. Ngày trước, nhà bạn tôi có vài cây nhãn loại này, trái bóc ra tay không dính ướt, cùi dày, bóng, giòn, thơm, hạt nhỏ. Bây giờ, người ta còn trồng nhãn không hột nhưng bạn chỉ thích ăn nhãn từ những cây nhãn cổ và đây là một loại cây đã được đưa vào danh mục bảo tồn.
Bánh cuốn Mễ Sở
Một món ngon mà chúng tôi được thết đãi trưa hôm đó là bánh cuốn Mễ Sở. Những cái bánh được cuốn tròn nhỏ thuôn dài. Bánh làm bằng gạo tám xoan, có thể để được từ sáng đến tối mà vẫn giữ nguyên hương vị. Sau khi tráng, lá bánh được xếp lên nhau thành các tầng, đặt vào các thúng, bên trên che bằng tàu lá chuối hoặc lá sen, khi có người mua mới gỡ ra cuốn với nhân.
Cái bánh được tráng dày hơn bánh cuốn bình thường, nhưng không bị khô mà dẻo, hơi dai, bên trong có ít nhân thịt nạc băm và nấm. Bánh ăn với nước chấm chua ngọt, trong nước chấm có thịt băm.
Điểm cuối cùng của hành trình là đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (còn gọi là đền Hóa Dạ Trạch). Đền nằm ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu; cạnh đầm Dạ Trạch xưa. Nơi đây thờ 3 nhân vật trong truyền thuyết gồm Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là công chúa Tiên Dung và công chúa Hồng Vân (công chúa Tây Sa). Từ ngoài vào trong có gác chuông, hồ bán nguyệt, qua một khoảnh sân rộng là đến điện thờ.
Theo các tài liệu, đền được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX. Chử Đồng Tử là một trong 4 vị thánh tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung được xem như biểu tượng cho tình yêu, đạo vợ chồng son sắt thủy chung.
Đền Hóa Dạ Trạch
Một khung cảnh làng quê Bắc Bộ quá yên bình, chỉ có tiếng bước chân chúng tôi giẫm trên lá và tiếng rì rầm xoay quanh câu chuyện tình giữa nàng công chúa lá ngọc cành vàng và chàng trai nghèo khó được chép trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Bạn tôi cho biết có tuyến du lịch 1 ngày xuôi theo sông Hồng đưa khách đi từ bến ở Hà Nội ghé đến các điểm như đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử và làng gốm Bát Tràng. Cô nói vui khi chúng tôi rời đền Hóa Dạ Trạch: “Em sẽ đưa các chị đi ăn gà Đông Tảo nữa mới đủ “combo” du lịch Hưng Yên”.
Nghe tiếng gà Đông Tảo từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết cái ngon của món gà này. Nhìn cái chân gà mập ú, tôi hơi sợ nhưng ăn rồi mới thấy ngon. Nói chuyện với chị chủ quán, tôi được biết có người vào quán chỉ ăn 2 cái chân gà là no và không ăn gì khác nữa. Thậm chí có người ghiền chân gà Đông Tảo bởi đó là phần ngon nhất của con gà: da dày, giòn thơm, không béo. Thịt gà Đông Tảo ở trạng thái dai mềm vừa ăn. Dù biết da gà kỵ với người bị cholesterol cao nhưng thật khó kìm lòng khi thưởng thức cái ngon độc đáo của món đặc sản này ở trạng thái giòn, không ngấy.
Chậu cảnh “khổng lồ”
Lại một lần nữa, chúng tôi được ngắm làng hoa, cây cảnh Văn Giang chuẩn bị cho mùa tết trên đường về.
Người tài xế taxi tâm sự: “10 năm trước, không ai nghĩ đây là vùng trồng hoa tết nổi tiếng của vùng khi xung quanh toàn lúa. Giờ đây, hơn một nửa diện tích dành cho hoa và cây cảnh, kinh tế địa phương nhờ đó khởi sắc hơn nhiều. Không chỉ tết Nguyên đán mà hoa cảnh ở đây được bán quanh năm. Nếu các chị đến đây vào dịp cận tết sẽ thấy cảnh người đi mua hoa đông như trẩy hội. Từ các loại hoa thông thường như hồng, cúc, đèn lồng, thược dược, trạng nguyên, đào, đỗ quyên... đến các loài hoa quý hiếm như hồng cổ Sapa, hồng đổi màu, hồng trứng, hồng đào... chúng tôi đều có. Hưng Yên giờ có cả những loại hoa, cây cảnh đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp nhưng hiệu quả kinh tế cao”.