Khi những chiếc xe container khổng lồ từ dốc cầu ầm ầm lao xuống là lúc những chiếc xe máy nhỏ bé sợ hãi lướt vội qua. Chỉ cần sơ sẩy một chút, tai nạn chết người sẽ xảy ra. Đây là cảnh tượng chúng tôi ghi nhận được ở khu vực cầu vượt Trạm 2 (Q.9. TP.HCM) - một trong rất nhiều điểm giao cắt nguy hiểm giữa xe container và xe máy trên địa bàn TP.HCM.
Nguy hiểm chực chờ
Trong vài phút, đứng trước điểm giao cắt dưới chân cầu vượt Trạm 2, chúng tôi ghi nhận có hơn 5 xe container, từ Xa lộ Đại Hàn, theo dốc cầu, rẽ vào Xa lộ Hà Nội để lưu thông về hướng Q.2, tạo ra điểm giao cắt nguy hiểm với làn đường xe máy lưu thông cùng chiều. Dù mật độ xe container và xe máy lưu thông dày đặc, ở điểm giao cắt này không hề có hệ thống đèn giao thông hay biển cảnh báo nguy hiểm. Nếu những người chạy xe máy hoặc container thiếu cẩn thận, tai nạn rất dễ xảy ra.
|
Những điểm giao nhau nguy hiểm giữa xe container và xe máy ở cửa ngõ phía tây TP.HCM |
Anh Huy - người thường xuyên chạy xe máy đi làm qua Xa lộ Hà Nội, dù tự đánh giá là rất thông thuộc đường, mỗi khi qua điểm giao cắt trên, anh vẫn cảm thấy bất an: “Sợ nhất là ban đêm, đường không đủ ánh sáng, rất dễ xảy ra va chạm. Mà va chạm với xe container thì chỉ có chết. Đáng lẽ điểm giao cắt này lên lắp đặt hệ thống đèn giao thông hoặc lắp biển cảnh báo nguy hiểm từ xa”.
Trên tuyến xa lộ Hà Nội có rất nhiều điểm giao cắt giữa xe container và xe máy, tiềm ẩn rủi ro chết người; đặc biệt là ở những nơi xe container rẽ vào các khu vực cảng, nhà máy. Do không có đèn tín hiệu, khi xe container rẽ ngang, người đi xe máy thường bị bất ngờ, không phản xạ kịp.
Một trong những điểm nguy hiểm như thế là lối rẽ vào cảng I.C.D (Q.9). Anh Bửu (nhà ở Q. 9), hay lưu thông qua khu vực này, phản ánh: “Phía trước lối rẽ vào cảng có con lươn chia làn đường xe máy với xe tải nên người đi xe máy thường chủ quan, ít quan sát làn đường bên kia. Do đó, khi vừa hết đoạn có con lươn, tài xế ôm vô-lăng rẽ phải vào cảng thì người đi xe máy bị bất ngờ, khó xử lý kịp”.
Thiếu tấm chắn, xe container dễ thành hung thần
Theo nhiều chuyên gia về giao thông, dù ở Việt Nam, tình trạng xe container lưu thông chưa có đường riêng, thậm chí nhiều nơi xe container còn chạy sát làn xe máy, ta lại không có phương án phòng ngừa sự cố. Cụ thể, phần lớn xe container không có tấm chắn bên hông nên xe máy rất dễ bị cuốn vào gầm, gây tai nạn thương tâm. “Tôi đi nhiều nước phát triển, nhận thấy các xe container lưu thông trên đường thường có tấm chắn kín dọc thân xe. Với hệ thống hạ tầng giao thông chưa đảm bảo như Việt Nam, nên có quy định bắt buộc xe container trang bị tấm chắn dọc thân xe, để tránh tình trạng hút xe máy vào gầm; nhất là đối với xe hay đi qua những khu vực đông dân cư như TP.HCM” - một chuyên gia bày tỏ.
|
Tại cửa ngõ phía Tây thành phố, trưa 3/1, khi chúng tôi vừa đến vòng xoay công viên Phú Lâm (Q.6) thì bất ngờ xuất hiện chiếc xe container mang BKS 51E - 054.40 chạy ầm ầm từ hướng đường An Dương Vương về hướng vòng xoay An Lạc. Khi chiếc container đánh lái ôm vòng xoay, nhiều xe máy đang lưu thông sát bên bánh xe, khiến nhiều người đi đường ớn lạnh. Vì phải thắng gấp, nhường đường cho “ông lớn”, một thanh niên bực dọc quát: “Container chạy giờ này có chết người ta không chứ”. Tiếng than của người thanh niên lọt thỏm giữa đám đông dù ngay vị trí trên, 2 chiếc xe của lực lượng cảnh sát giao thông đang tuần tra, nhưng chiếc container vẫn hiên ngang trên đường.
Đứng ở khu vực vòng xoay An Lạc chưa đầy 10 phút, chúng tôi nhẩm đếm có hơn 40 lượt xe container chạy qua. Điều khiến nhiều người lo lắng nhất là mặt đường khu vực này rất xấu, trong khi xe container, ô tô và xe máy lại lưu thông san sát nhau. Chỉ cần một sự cố nhỏ như xe bị sụp ổ gà, mất lái, rất có thể sẽ dẫn đến tai nạn thảm khốc. Cách đây không lâu, ngay tại khu vực này, đã xảy ra vụ va chạm giữa xe tải nặng mang biển số tỉnh Cần Thơ và xe đạp do một phụ nữ điều khiển. Vụ tai nạn khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ.
Do khu vực vòng xoay An Lạc là nơi quốc lộ 1 chạy qua nên lượng xe lưu thông qua khu vực này mỗi ngày rất lớn; đặc biệt là xe container, xe tải nặng chở hàng về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Thế nhưng, đoạn đường từ vòng xoay An Lạc về cầu vượt Nguyễn Văn Linh đang xuống cấp, không có dải phân cách giữa làn dành cho ô tô và xe máy, rất dễ xảy ra tai nạn. Ghi nhận của chúng tôi trưa 3/1, trên trục đường này, nhiều người điều khiển xe máy chạy vào làn xe ô tô để tránh kẹt xe.
Hạ tầng bất cập, mối lo vẫn còn
Trục đường Nguyễn Văn Linh cũng là một “điểm đen” khiến nhiều người khiếp vía với mức độ các vụ tai nạn thảm khốc mà xe container gây ra. Hồi tháng Chín vừa qua, vụ va chạm giữa xe container và xe máy đã cướp đi sinh mạng một thiếu nữ 19 tuổi, ngay gần sát ngày cô về nhà chồng. Giờ tan tầm, lượng xe máy lưu thông trên tuyến đường này dày đặc. Tình trạng xe máy lưu thông trên cùng làn đường với xe container rất phổ biến. Tại vòng xoay đường Nguyễn Văn Linh, xe container từ hướng đường Nguyễn Văn Linh, cao tốc Trung Lương và Long An cùng đổ về, tiềm ẩn bao rủi ro cho người điều khiển xe máy qua khu vực này.
|
Xe container chạy vào đường có trường học, thường xuyên kẹt xe ở P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Nhiên
|
Anh Nguyễn Bá Duy (quê Long An) chia sẻ: “Tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người do xe máy lưu thông gần xe container. Khi hai xe máy va quệt, người điều khiển xe máy thường bị ngã vào gầm xe container và bị cán chết. Chưa kể, người đi xe máy thiếu ý thức, trong cảnh kẹt xe, thường len lỏi vào “điểm mù” xe container. Khi bẻ cua, tài xế container không nhìn thấy nên gây tai nạn”.
Khi qua khu vực cầu Phú Mỹ (Q.7), chúng tôi bắt gặp cảnh hàng trăm xe container nối hàng dài chạy về khu vực cảng Cát Lái. Ở nhiều đoạn đường, lái xe ngang nhiên lấn sang làn đường dành cho xe máy. Tại ngã 3 gần cầu Kỳ Hà 2, giờ cao điểm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều người điều khiển xe máy liều mạng chen vào khoảng trống giữa 2 xe container hoặc đánh lái cúp đầu xe container để vượt lên trên. Kiểu lái xe bất chấp tính mạng này cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây tai nạn giữa container và xe máy.
Một cảnh sát giao thông nhiều năm công tác ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM cho biết, Xa lộ Hà Nội là nơi có mật độ xe container lưu thông nhiều nhất ở TP.HCM, nhưng nhiều đoạn chưa có làn đường riêng cho loại phương tiện đặc biệt này, nên nguy cơ va chạm với các phương tiện khác, nhất là với xe máy, rất cao. “Xe container rất nặng nên tài xế thường ít khi thắng gấp, do sợ lật xe. Vì thế, khi xảy ra va chạm ở khoảng cách ngắn, tài xế xe container sẽ không xử lý kịp. Đó là chưa nói đến tình huống xe máy rơi vào điểm mù, tài xế xe container không quan sát được khi chuyển làn đường, dễ dẫn đến tai nạn chết người” - vị này giải thích thêm.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, còn rất nhiều tuyến đường mà xe máy và xe container lưu thông chung, không có làn đường riêng. Trong đó, có nhiều tuyến đường nhỏ, xe máy lưu thông đông như khu vực có trường học, chợ búa, cảng hàng hóa, nhà kho. Đây cũng là một trong những mối lo của người dân, đặc biệt sau vụ tai nạn thảm khốc do xe container gây ra ở Long An. “Không hiểu sao đoạn đường hẹp, chạy qua khu vực có nhiều trường học, phía sau Trường trung cấp Điện (P.Thạnh Lộc, Q.12) lại cho cả xe container, xe tải chạy vào. Chỉ tính riêng lượng xe máy ở đoạn đường này thôi là đã quá tải. Nếu có tai nạn ở khu vực này thì hậu quả thật khó lường” - anh Phong, hay chở con đi học qua đoạn đường này, lo lắng.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết: “Ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, việc phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Nhiều tuyến đường có xe container thường xuyên lưu thông với mật độ dày đặc, nhưng đường quá hẹp, lại không phân làn. Các xe chạy như vậy rất dễ xảy ra tai nạn. Đây cũng là vấn đề nhức nhối cho tài xế”. Theo ông Quản, khu vực cửa ngõ phía Tây thành phố, cách đây 10 năm, lượng xe container qua đây không quá nhiều. Vài năm gần đây, lượng xe tăng lên rất rõ, song hạ tầng thì vẫn như cũ.
Tài xế Nguyễn Văn Hậu (58 tuổi, quê Tiền Giang), 20 năm kinh nghiệm lái xe đường dài:
Những điều tối kỵ của tài xế container
Chở hàng nông sản từ các tỉnh miền Tây đi Trung Quốc, trong 50 tiếng đồng hồ, chúng tôi phải cho xe chạy quãng đường dài 2.000km, đối mặt hàng loạt sự cố. Bài học đầu tiên mà cánh tài xế container phải thuộc lòng, khi chạy xe vận tốc trên 40km/giờ là nếu thắng gấp, xe vẫn trượt dài một đoạn từ 5-10m. Như vậy, trước khi đến giao lộ, cách khoảng 200m, tài xế container phải đưa xe về số thấp nhất hoặc phải rà thắng.
Khi ngồi sau vô-lăng, lái xe phải đối mặt 6 “điểm mù”, ở trước, sau và bên hông xe. Nếu xe ô tô 4 chỗ hay xe máy đi vào các điểm mù này, tài xế container sẽ không nhìn thấy, rất dễ tai nạn. Để bảo đảm an toàn, những phương tiện lưu thông cùng chiều với xe container hoặc xe tải lớn nên chạy vượt qua khỏi đầu xe hoặc chạy phía sau. Kinh nghiệm lái xe, không ai có thể nói mình giỏi, bởi mỗi chuyến đi là một cuộc chiến với tử thần. Để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, người lái xe luôn phải quan sát kỹ, chạy xe đúng tốc độ.
Sau khi xem đoạn video ghi lại cảnh tài xế gây tai nạn tại H.Bến Lức (tỉnh Long An), tôi nhận thấy kinh nghiệm xử lý tai nạn của tài xế này rất kém. Hiện nay, phần lớn tài xế, khi phát hiện xe bị sự cố, thường phản xạ bằng cách đánh lái sang phải - như cách của tài xế gây tai nạn thảm khốc vừa rồi. Thực tế, kết cấu của xe container và những xe ô tô bình thường, bộ khung sắt bảo vệ tài xế rất bảo đảm. Nếu gặp sự cố, lái xe cần mượn lực cản từ một xe tải phía trước để hạ tốc độ. Khi tông, chắc chắn hậu quả về người sẽ giảm đáng kể.
Mỗi khi xe container thắng gấp hoặc phải mở khóa thắng hơi mất rất nhiều thời gian và tốn nhiên liệu. Vì vậy, khi vào khu vực dân cư, cánh tài xế thường cho xe container chạy rất chậm, mục đích dùng số nhỏ để dễ xử lý tình huống dừng đèn đỏ, nơi đông người.
|
Hoàng Nhiên - Sơn Vinh - Lê Nguyễn