Hứng sóng, “ship” bài thời COVID

27/09/2021 - 18:00

PNO - COVID-19 khiến hàng triệu đứa trẻ phải thích ứng với học online, đút chân dưới gầm bàn có khi đến 8 tiếng/ngày. Lũ trẻ thành phố khổ kiểu thành phố, lũ trẻ nông thôn khổ kiểu nông thôn, lũ trẻ miền núi khổ kiểu miền núi. Tiếp cận con chữ chưa khi nào nhọc nhằn đến thế. Việc học chưa khi nào vất vả đến thế.

COVID-19 thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta. Trước, cha mẹ sẽ quát mắng con nếu nó cắm mặt vào điện thoại, máy tính, không chịu ra ngoài chạy nhảy, chơi đùa. Nay, con cái mà đòi ra đường, không chịu ngồi yên trước màn hình máy tính, cha mẹ hẳn sẽ cáu giận. COVID-19 khiến hàng triệu đứa trẻ phải thích ứng với học online, đút chân dưới gầm bàn có khi đến 8 tiếng/ngày. Lũ trẻ thành phố khổ kiểu thành phố, lũ trẻ nông thôn khổ kiểu nông thôn, lũ trẻ miền núi khổ kiểu miền núi. Tiếp cận con chữ chưa khi nào nhọc nhằn đến thế. Việc học chưa khi nào vất vả đến thế. 

Trước cứ nghĩ, học online sẽ giúp lũ trẻ mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, nhà có xa trường đến mấy cũng thành gần xịt. Trước cứ nghĩ, học online sẽ xóa nhòa ranh giới giữa học sinh nông thôn với học sinh thành thị, bình đẳng, công bằng trong việc tiếp nhận kiến thức giữa đứa trẻ miền xuôi với đứa trẻ miền ngược. Nhưng qua gần hai năm qua, học online vẫn hằn vệt ranh giới. Trẻ nông thôn vẫn thiệt thòi, trẻ miền núi vẫn vất vả. Hóa ra, internet chưa khi nào là thế giới phẳng như trước đây chúng ta vẫn ca tụng. 

Sóng không ổn định, một số học sinh ở Nghệ An phải liên tục di chuyển địa điểm để tìm sóng 3G
Sóng không ổn định, một số học sinh ở Nghệ An phải liên tục di chuyển địa điểm để tìm sóng 3G

Những đứa trẻ nông thôn và lũ trẻ miền núi không có đủ máy tính, điện thoại thông minh để học online. Trung thu vừa rồi, cộng đồng mạng, mạnh thường quân kêu gọi mua lại, xin lại máy tính cũ, điện thoại cũ để làm quà Trung thu cho lũ trẻ nông thôn và miền núi. Rồi chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, nhiều báo, quỹ cũng mở ra rất nhiều chương trình kêu gọi.

Nhưng dường như vẫn chưa đủ. Những chiếc điện thoại cũ, máy tính cũ dăm bữa nửa tháng lại chập cheng. Có điện thoại, có máy tính thì sóng wifi, mạng 3G, 4G không phải chỗ nào cũng phủ khắp. Lũ trẻ miền núi vẫn phải đi bộ hàng cây số để… hứng sóng. Đến cả lũ trẻ thành phố, đường truyền internet còn tậm tịt, nhiều gia đình phải nâng cấp gói mạng, bỏ tiền mua dung lượng 3G, 4G, thì lũ trẻ nông thôn, miền núi mong gì một buổi học online suôn sẻ? 

Lũ trẻ nông thôn và trẻ miền núi nhọc nhằn con chữ bao nhiêu thì thầy cô ở những nơi đó cũng nhọc nhằn bấy nhiêu. Những buổi mất điện, mất mạng hay những đứa trẻ không có điện thoại, máy tính, thầy cô vẫn phải “ship” bài không khác gì “cõng chữ lên non” thuở trước. Bởi COVID-19, những phiếu bài tập ngoài việc chuyển đi sao cho đến đúng nhà còn phải xịt khuẩn, nhét vào những chai nhựa. Nhọc nhằn là vậy. Gian nan là thế. Vì con chữ, cả thầy và trò đều phải nỗ lực hơn rất nhiều lần so với thời chưa COVID.

Tôi vẫn nghĩ đến viễn cảnh xã hội 4.0, một ngày nào đó, sau COVID-19. Là chương trình gom điện thoại cũ, máy tính cũ được làm thường xuyên hơn với đội ngũ thợ sửa điện thoại, máy tính chuyên nghiệp. Là có những chiến lược dài hơi hơn trong việc trang bị máy tính, điện thoại giá rẻ đến cho nhiều người hơn nữa. Là internet Việt Nam chủ động coi việc phủ sóng không chỉ là mở rộng kinh doanh mà còn là chiến lược quốc gia. Là kiến thức, giáo án được “đóng gói quy chuẩn” và “ship” để giúp không chỉ học sinh tiếp cận với kiến thức mà còn cả giáo viên được cập nhật chuyên môn. 

Vi-rút SARS-CoV-2 không thể kiểm soát chúng ta, bắt chúng ta phải nhìn nó mà sống theo nó. Nó không thể bắt chúng ta phải thay đổi theo nó, nếu chúng ta nhìn nó như một cơ hội để thay đổi chính mình một cách tốt hơn. 

Hoàng Anh Tú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI