Hừng đông trên phá Tam Giang

04/07/2020 - 18:08

PNO - Với khách phương xa, cái tên Sịa, vùng Tam Giang của Sịa còn rất mới và còn nhiều điều tuyệt vời ẩn giấu.

Vùng đầm phá được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á trải dài theo xứ Huế yêu kiều. Cũng ngần ấy nước lợ, bờ bãi, mây trời nhưng mỗi chốn ở phá Tam Giang lại là một cõi riêng. Khách dừng chân nhiều ở Tam Giang nhưng những câu chuyện khi về kể cho nhau nghe lại vô cùng khác biệt. Và chuyện của tôi là Tam Giang ở Sịa (thuộc huyện Quảng Điền) - một cái tên với người Huế chẳng lạ lùng chi, như câu “Nhất Huế nhì Sịa”.

Cảnh sinh hoạt đời thường ở vùng đầm phá
Cảnh sinh hoạt đời thường ở vùng đầm phá

Lặng im vui chào rạng đông

Phong phú ẩm thực cửa biển

Đến với vùng đất trù phú sản vật như phá Tam Giang, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm khám phá ẩm thực. Đặc sản độc đáo của vùng là món bánh xèo (bánh khoái) cá kình. 

Bánh xèo ở Tam Giang cũng như các nơi khác của miền Trung được đổ từ bột gạo, nhỏ chừng một bàn tay xòe ra; thú vị ở chỗ phần nhân bánh là cá kình - đặc sản của vùng đầm phá này. 

Cá kình trung bình cỡ ba ngón tay. Sau khi làm sạch, loại bỏ xương, cá kình được dùng làm nhân. Lúc đổ bánh xong, người làm bếp cho thêm chút giá và rau thơm ngay trên bánh trông thật bắt mắt. Món này dùng kèm với loại nước chấm được pha chế độc đáo. 

Lệch (gần giống con lươn) cũng là một đặc sản nổi bật của vùng nước lợ cửa biển, thường được om chua. Tôm đất chiên giòn với sả cây và lá chanh, hay cá nâu hấp mồng tơi cũng là các món ngon mà khách phương xa không nên bỏ qua

Từ giã thành phố Huế đang còn mơ màng ngủ, dọc theo tỉnh lộ 10 chừng hơn 30 phút là tôi đã về đến Sịa. Điểm đến của tôi chính là chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh tại xã Quảng Lợi. Có thể nói đây là ngôi chợ nổi độc đáo và gần như duy nhất của dải đất miền Trung nắng gió.

Những tia nắng bắt đầu lóe lên từ phía đông. Tôi dần nhìn rõ hơn những chuyến thuyền đang xuôi mái chèo trên sóng nước. Đó cũng là lúc tôi được chiêm ngưỡng thời khắc thật đẹp - Tam Giang lúc hừng đông. Mặt trời nhô lên đỏ rực trên nền trời vừa rạng rỡ, soi thành vệt sáng lung linh trên mặt nước tĩnh lặng.Nhờ một người quen đặt lịch trước đó, tôi lên một chuyến đò nhỏ xuyên màn đêm, hướng về phía vùng mênh mông nước không rõ ảnh hình trước mặt. Đồng hồ vừa chỉ 4g sáng. Trong màn đêm đen kịt trước hừng đông, tầm nhìn của tôi chỉ cách chừng đôi ba thước. Chỉ khi những chiếc thuyền nan lặng lờ trôi qua trước mắt thì mới rõ cảnh. Những ánh lửa lập lòe thấp thoáng. Có tiếng thuyền máy chạy, tiếng khua chèo róc rách. Tôi hồi hộp diện kiến ngôi chợ cứ như đang lạc vào phiên chợ âm phủ huyền bí nào đó.

Có khi là một con thuyền nhỏ khua mái chèo chậm rãi như muốn tắm những giọt nắng đầu ngày. Có lúc là chiếc thuyền máy cong vút như vầng trăng khuyết, êm êm lướt đi. Tôi thôi chụp ảnh, chỉ lặng lẽ hướng về phía mặt trời để thu trọn thời khắc tuyệt vời của Tam Giang. 

Chợ nổi độc đáo nhất miền Trung

Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh họp từ 4g sáng đến khoảng gần 7g thì tan. Sản vật ở chợ là những mớ tôm, cá tươi rói được người dân đánh bắt sau một đêm thức trắng trên phá Tam Giang. Chiếc thuyền của tôi nhẹ rẽ sóng đi về phía xa. Rồi dần hiện lên rõ ràng nhiều chiếc thuyền đủ loại, đủ kích thước.

Một góc chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh
Một góc chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh

Khu đầm yên ả đang chuyển mình hăm hở, các đầu thuyền áp sát vào nhau. Quanh một chiếc thuyền lớn là nhiều chiếc thuyền nhỏ của thương lái, tiểu thương ở chợ bám vào. Thành quả sau một đêm quăng chài, thả lưới, đặt nò sáo của người dân là cá bống, cá dìa, cá ong, tôm rằn, tôm gân, cua, lươn... 

Theo lời người dân, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh đã có lịch sử hàng trăm năm. Từ địa điểm mua bán cá của một làng nhỏ, dần dần nơi đây trở thành điểm họp chợ cho cả vùng đầm phá huyện Phong Điền hội tụ về. Đến chợ nổi, khách không chỉ được tận mắt chứng kiến một lối mua bán độc đáo mà còn được ngắm nhìn nhịp sống bình yên của người dân địa phương giữa sóng nước mênh mông.

Trên những chiếc thuyền ngư dân là những “ngôi nhà” được trang bị tối giản. Những gương mặt chất phác, ánh mắt trẻ thơ trên phá Tam Giang khiến lữ khách không thể nào quên. Ngắm những rổ rá, những ngư cụ và cả những chiếc cân sắt cũ kỹ tưởng chừng như cuộc sống hiện đại vẫn chưa thể chạm đến đây.

Thú vị là cảnh mua bán trên ghe dưới thuyền này vẫn mang một không khí rất Huế. Bao trùm mọi thứ là một nền âm thanh lặng lẽ. Dù là cảnh chợ búa tấp nập người bán kẻ mua mà vẫn có chút e dè, giữ kẽ của người dân bản địa, khác xa với chợ nổi miền Tây đầy sắc màu rộn ràng hay chợ cá Cửa Đại náo nhiệt. Tay chèo cứ thong thả, hỏi han từ tốn, biết chờ đến lượt.

Có lẽ, chợ ở Huế cũng nên thơ, yên tĩnh hơn xứ khác. Ngay cả lý do hình thành cái chợ nổi vào lúc tảng sáng này nghe ra cũng rất cầu kỳ. Ngư dân phải đi từ tối khuya thu hoạch để cá lúc dính lưới khi chưa kịp ăn sình nên bụng sạch sẽ, tinh khiết hơn; rồi mang thẳng ra đây để thương lái kịp buổi chợ sớm. Khi ấy, cá tôm đến mâm cơm gia đình mới đảm bảo tươi ngon, không phí phạm sản vật quê hương.  

Vẻ đẹp bình yên giữamênh mông sóng nước

Khi mặt trời lên cao, cả vùng biển trời của phá Tam Giang hiện ra thật rõ hình hài. Thuyền tôi tiếp tục tiến ra phía chân trời mênh mông nước để khám phá những điều thú vị của vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Giữa không gian lấp loáng nước bỗng xuất hiện một điểm nhấn xanh mướt. Đó như một khu rừng với những cây bần xanh um được trồng cách đây hơn 3 năm. Cư dân vùng này gọi đây là lạch cây bần.

Mẹt cá khô ở Tam Giang
Mẹt cá khô ở Tam Giang

Cây bần còn được người nơi đây gọi theo cách xưa là thủy liễu vì lá rủ xuống mặt nước như liễu. Thuyền tôi len theo một lối giữa khu rừng. Đây là một trong những khu rừng bần đẹp nhất vùng Tam Giang nên thu hút khá nhiều du khách và thường được đưa vào tour du lịch. 

Chuyến đò quê hương

Bến đò Cồn Tộc không chỉ là điểm giao thương quan trọng của phá Tam Giang mà còn mang đậm vẻ đẹp của miền quê Việt Nam. Đây là điểm đang được nhiều du khách rỉ tai nhau tìm đến để có những bức ảnh đẹp hay làm một chuyến khám phá sông nước ngắn ngủi trên phá. Trong cảnh tờ mờ sáng, chuyến đò ngang rẽ nước hình cánh quạt tựa một bức tranh đen trắng cuốn hút. 

Đò ngang cập bến, những gương mặt chất phác, hiền lành dần hiện rõ. Gánh mưu sinh trĩu nặng trên vai. Những mớ cá khô, hải sản từ đây tỏa đi mọi nẻo. Những quang gánh, nia thúng, cách bày hàng của các cô các chị vùng này dường như cũng thanh cảnh, nhẹ nhàng hơn nơi khác. Cảnh nhộn nhịp lên xuống diễn ra chóng vánh; chẳng mấy chốc, bến đò Cồn Tộc lại chìm vào vẻ tĩnh lặng.

Cảnh tượng cả khu đầm phá rộng lớn đắm chìm trong ánh nắng rực rỡ khiến ai từng đến đây đều say mê khôn xiết. Dưới ánh mặt trời, phá Tam Giang như phơi bày hết nét đẹp hoang sơ, vắng lặng, bình yên khó diễn tả bằng lời. Có lẽ khi nói đến vẻ đẹp Tam Giang, phải liên tưởng đến những bức tranh thủy mặc xa xưa.

Giữa nền sóng nước yên ả tráng bạc bởi ánh mặt trời trải dài như vô tận, bỗng chấm phá những nét thơ mộng bởi những dáng thuyền nan. Rồi bức tranh thủy mặc chuyển sang nét buồn bởi bóng người áo nâu che nghiêng nón lá như trầm mình giữa làn nước biếc. Một đời bám nước, bám bờ bãi như gợi lên niềm thương cảm trong lòng lữ khách. 

Sau khi no mắt với cảnh, tôi lang thang tìm hiểu hệ thống nò sáo của ngư dân vùng đầm phá. Cách đánh bắt này được ví von như những ma trận độc đáo được sắp xếp công phu giữa mênh mông trời nước. Đây là nghề truyền thống ra đời từ vài trăm năm trước. Thuyền tôi men theo những cọc tre, lưới giăng để chứng kiến cảnh đổ nò - cách thu hoạch đặc trưng của ngư dân phá Tam Giang. Tôi lại bắt gặp các loại cá quen thuộc trong phiên chợ sáng. 

Ngày nay, vùng đầm phá Tam Giang càng trở nên hấp dẫn du khách hơn với sự xuất hiện của làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh. Ngôi làng bình dị cạnh đầm phá bao đời, nay bỗng được thổi hồn bằng những bức tranh sinh động, gần gũi mô phỏng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đầm phá Tam Giang, cảnh sinh hoạt giản dị, tôn vinh vẻ đẹp ngư dân gắn với sông, với biển… Những tác phẩm trên do các họa sĩ và tình nguyện viên Trường đại học nghệ thuật và Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế thực hiện.

Dạo quanh làng ngắm bích họa, khách còn có cơ hội tìm hiểu nghề thủ công đan nò sáo. Ngư cụ truyền thống này nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại là tinh hoa của vùng đầm phá. Các công đoạn thực hiện đòi hỏi sự khéo tay và kiên nhẫn. 

Một thoáng nhộn nhịp ở bến đò Cồn Tộc
Một thoáng nhộn nhịp ở bến đò Cồn Tộc

Một ngày lênh đênh trên phá Tam Giang đủ cho tôi yêu Huế, muốn trở lại đây hơn bất kỳ chốn nào khác. Càng yêu tôi càng thấy tiếc khi Tam Giang của Sịa còn kín tiếng quá đỗi. Trên chuyến bay trở về, tôi nhìn ngắm trời biển quê hương, lòng còn nghe văng vẳng câu ca của anh lái đò hiền hậu: 
“Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa với tôi thì về
Ðất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn
”. 

Bài và ảnh: Phạm Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI