PNO - Trên sân khấu đại bang Dạ Lý Hương, cả Hùng Cường và Bạch Tuyết đều có sự thăng hoa trong nghề nghiệp nhưng cả hai chỉ thực sự đạt tới đỉnh cao khi kết hợp cùng nhau. Báo giới và khán giả mệnh danh họ là “cặp sóng thần” – ngụ ý về làn sóng khán giả dồn dập đổ về rạp Quốc Thanh – đại bản doanh của đoàn Dạ Lý Hương một thời – để xem đào Bạch Tuyết sánh đôi bên kép Hùng Cường.
Với nhiều khán giả, một trong những sức hút đặc biệt của nghệ thuật biểu diễn chính là sự kết hợp ăn ý của những người bạn diễn. Trên sân khấu cải lương, sức hút này thể hiện rõ nhất với những liên danh mà thời gian trôi qua bao lâu vẫn còn được nhắc nhở, như: Hùng Cường - Bạch Tuyết, Thành Được - Út Bạch Lan, Thanh Nga - Thanh Sang, Minh Phụng - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy… và sau này có Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, Linh Tâm - Cẩm Thu…
Nhiều khán giả chỉ bỏ tiền mua vé khi cặp đào - kép ưng ý của mình có mặt. Các đoàn hát thường cạnh tranh nhau bằng tên tuổi của cặp đào kép. Ngược lại, người nghệ sĩ muốn vươn tới đỉnh cao phải tìm được bạn diễn ăn ý. Mà sự “ăn ý” này cũng rất vô chừng, khó lý giải, chỉ biết khi “bắt cặp” trúng người sẽ tạo được làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt mà dù nghệ sĩ kết hợp với một bạn diễn khác tài năng không kém cũng khó tạo được hiệu ứng bùng nổ như liên danh đã định trong lòng công chúng.
Mời bạn đọc cùng PNO điểm lại những cặp “tình nhân sân khấu” của sân khấu cải lương qua nhiều thời kỳ.
“Cặp sóng thần” huyền thoại
Với sự tinh nhạy trong “nắm bắt thị trường”, thị hiếu của công chúng và khả năng kết hợp của các nghệ sĩ, của ông bầu Xuân đã "kết đôi" cho anh kép Hùng Cường và cô đào Bạch Tuyết. Hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Dạ Lý Hương trở thành đại bang ăn khách hàng đầu đưa Hùng Cường - Bạch Tuyết trở thành “cặp sóng thần” huyền thoại trong lòng công chúng.
Nét hào hoa lãng tử của Hùng Cường kết hợp với sự đằm thắm dịu dàng của Bạch Tuyết tạo nên một trong những đôi "tình nhân sân khấu" huyền thoại của sân khấu cải lương.
So với các đôi bạn diễn khác có thời gian gắn bó đến hàng thập kỷ thì liên danh Hùng Cường - Bạch Tuyết khá ngắn ngủi khi chỉ kéo dài hơn 5 năm nhưng để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm mà chính NSND Bạch Tuyết chia sẻ là dù đã qua hơn nửa thế kỷ mà đi đến bất kỳ nơi đâu khán giả vẫn nhắc “thấy Bạch Tuyết là nhớ Hùng Cường”.
Trước khi rẽ hướng sang cải lương, Hùng Cường là cái tên lừng lẫy của làng tân nhạc miền Nam.
Dấu ấn này có lẽ bắt đầu từ cơ duyên lạ của cả hai đối với nghệ thuật cải lương. Trước khi đến với cải lương, Hùng Cường đã có một sự nghiệp tân nhạc lẫy lừng, nổi tiếng với các nhạc phẩm Ông lái đò, Sơn nữ ca, Vọng ngày xanh… được thu đĩa và đạt số bán kỷ lục tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Hùng Cường cùng với Duy Khánh, Nhật Trường, Chế Linh được xem là “tứ trụ nhạc vàng” của âm nhạc miền Nam trước năm 1975.
Tuy nhiên thập niên 50 - 60 thế kỷ XX vẫn là “thời của cải lương”. Dù có là ngôi sao tân nhạc, Hùng Cường vẫn là “tay ngang” khi rẽ sang cải lương vào năm 1959, mà lại nhảy thẳng lên vai trò kép chính ở lần ra mắt đầu tiên trên sân khấu đoàn Ngọc Kiều với vở Mộng đẹp đêm trăng – vị trí mà một nghệ sĩ tài năng thực sự phải học hỏi, rèn luyện, lăn lộn ít nhất 3 - 5 năm để đạt được.
Bạch Tuyết cũng có thời gian hát tân nhạc và nhờ đó kết hợp nhuần nhuyễn với Hùng Cường trong các bài tân cổ cũng như phát huy thêm chất liệu âm nhạc cho các vở tuồng.
Tương tự, Bạch Tuyết cũng bước lên sân khấu ở vị trí đào chính khi thế vai cô lái đò Lệ Chi của tuồng Lá thắm chỉ hồng trong một lần cô đào chính đến trễ khi mới chân ướt chân ráo theo đoàn Kiên Giang.
Cùng xuất phát điểm hơn người, thời điểm kết hợp thành liên danh vào năm 1966 cũng là giai đoạn cả hai trên đà tên tuổi lên cao khi Hùng Cường đã khẳng định được sức hút trên sàn diễn cải lương và Bạch Tuyết đã nhận được sự công nhận cao nhất với giải Triển vọng lẫn Xuất sắc giải thưởng Thanh Tâm danh giá dành cho nghệ sĩ cải lương. Hậu thuẫn cho 2 ngôi sao sáng là một ê-kíp hùng hậu những soạn giả tài danh Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Viễn Châu…, cùng sự hỗ trợ của các đào kép thượng hạng Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Sang…, thêm sự tinh nhạy “nắm bắt thị trường” của ông bầu Xuân. Hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Dạ Lý Hương trở thành đại bang ăn khách hàng đầu đưa Hùng Cường - Bạch Tuyết trở thành “cặp sóng thần” huyền thoại trong lòng công chúng.
Hùng Cường và Bạch Tuyết trên sân khấu đoàn Dạ Lý Hương.
Tuy nhiên, nhìn lại, dường như cả hai không có mấy điểm chung. Hùng Cường có chất giọng trời phú, gương mặt sáng sân khấu, luôn lộ vẻ hào hoa, quyến rũ. Ngược lại, trong các cô đào tài danh, Bạch Tuyết không nổi bật ở cả giọng ca lẫn sắc vóc nhưng nét duyên dáng trong từng cử chỉ, sự tỉ mỉ, tinh tế trong diễn xuất lại mang sức hút khó tả. Ngoài đời, chính NSND Bạch Tuyết cho biết cả hai cũng có phần “khắc khẩu” vì mình vẫn còn trẻ con, bướng bỉnh bên một Hùng Cường đầy chững chạc, trưởng thành. Thế nhưng cá tính mạnh mẽ bùng nổ của Hùng Cường lại dễ dàng hòa quyện với sự đằm thắm duyên dáng của Bạch Tuyết trên sân khấu, tạo nên những cung bậc cảm xúc đa dạng, phức tạp mà lại ngọt ngào rất khó quên.
Sánh đôi bên nhau qua các vở diễn: Tuyệt tình ca, Yêu người điên, Yêu người say, Tiền rừng bạc biển, Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Cho trọn cuộc tình… đã định vị danh xưng “cặp sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết trong lòng khán giả mộ điệu bao năm qua.
Năm 1971, đôi bạn diễn tách ra khỏi đoàn Dạ Lý Hương tự lập gánh hát riêng mang tên Bạch Tuyết - Hùng Cường. Tuy nhiên chỉ hơn 1 năm thì rã gánh vì cả 2 vốn dĩ là những nghệ sĩ trời sinh, không quen chi li với những con số như những ông bà bầu chuyên nghiệp.
Sau năm 1975, Bạch Tuyết viết tiếp những trang rực rỡ trong sự nghiệp của mình và đến nay ở tuổi U80 vẫn là cái tên “tiên phong” trong nỗ lực giữ gìn nghệ thuật cải lương giữa dòng chảy thời đại. Hùng Cường sang Mỹ định cư và theo đuổi âm nhạc. Năm 1996, Hùng Cường qua đời ở Mỹ, sau đó hài cốt được mang về an táng tại quê nhà Bến Tre. “Cặp sóng thần” ngày nào không có cơ hội tái hợp để lại sự tiếc nuối trong lòng công chúng cũng như nỗi nhớ khôn nguôi cho người ở lại.
Với Bạch Tuyết, Hùng Cường là người bạn diễn tri kỷ không thể thay thế được. NSND Bạch Tuyết từng từ chối quay hình vở Tuyệt tình ca vì "đã không còn Hùng Cường...".
Khác các cặp bạn diễn khác, chỉ duy nhất một Bạch Tuyết – người được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” – lại hướng về người bạn diễn tri kỷ với một lòng ngưỡng mộ sâu sắc, không ngại khẳng định vai trò của Hùng Cường chiếm đến 60% sự thành công của chính mình. Lúc hát chung dù đã gặt hái thành công rực rỡ với giải Thanh Tâm nhưng Bạch Tuyết cho rằng mình chỉ là một cô đào trẻ mới vài năm theo nghề, vẫn thấy “khớp” bên một Hùng Cường lẫy lừng của làng tân nhạc.
NSND Bạch Tuyết không ít lần tâm sự mình ngưỡng mộ đàn anh không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, một bạn diễn tâm đắc mà còn là tấm gương, động lực cho chính mình không ngừng tiến bộ. Đó là cảm xúc kính phục xen chút xấu hổ, ân hận, day dứt khi vô tình thấy được tâm huyết của người nghệ sĩ tài hoa qua cuốn sổ ghi chép tập tuồng: “chỗ này tay mặt đặt lên vai Bạch Tuyết, tay trái vuốt tóc nhưng mắt không nhìn thẳng vào mắt BT mà chỉ nhìn lướt qua trán”, “chỗ này quay hẳn người đi, quỳ xuống nhưng tay trái vẫn nắm chặt cái khăn choàng đã rớt xuống phân nửa vai BT”…
NSND Bạch Tuyết hát lại những vai diễn kỷ niệm của cả hai bên mộ Hùng Cường.
Những tình cảm trân trọng đó, NSND Bạch Tuyết vẫn lưu giữ đến hôm nay. Mỗi năm, NSND Bạch Tuyết đều về Bến Tre thăm mộ Hùng Cường, tâm sự cùng đàn anh và cầu anh “phù hộ cho cải lương”…