Người cùng góp vốn vào các hợp tác xã (HTX), cùng nhau đề ra tiêu chí và quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ quy trình đó và nhận lại “lợi tức” là rau, thịt sạch từ HTX của mình.
Góp tiền trồng rau
Chị Tạ Thanh, nhân viên kế toán tại Công ty kiểm toán Vaco kể, từ trước đến nay, chị chưa từng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, mà chỉ quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn để dùng hàng ngày. Tuy nhiên, chị cũng chỉ có thể dựa trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất công bố chứ không thể biết chính xác người trồng có thực sự làm theo đúng các tiêu chuẩn an toàn hay không.
Trong khi đó, báo chí và lực lượng chức năng đã phanh phui rất nhiều vụ mua bán, tự phong các chứng nhận này khiến chị và nhiều bà nội trợ khác mất niềm tin vào những nguồn hàng tương tự, “trừ phi đích thân mình tham gia vào quá trình sản xuất nguồn hàng”. Đem theo suy nghĩ này, chị Thanh quyết định góp vốn vào HTX Thỏ Việt (H.Củ Chi, TP.HCM), với vai trò là cổ đông tham gia điều hành, sản xuất và phân phối sản phẩm, để biết chính xác sản phẩm của mình như thế nào.
Không chỉ chị Tạ Thanh, tại HTX Thỏ Việt, còn có nhiều cổ đông là dân văn phòng, marketing, người làm kế toán… nhưng có chung sự quan tâm là nguồn rau sạch nên bỏ tiền ra trồng rau. Một “HTX kiểu mới” cũng được một nhóm thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tại TP.HCM lập ra gần đây với tên gọi “Góp vốn trồng rau - Trang trại 7A”.
|
Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền về tận ruộng để biết sản phẩm mình ăn có an toàn hay không |
Những người tham gia là dân văn phòng, công nhân, giám đốc doanh nghiệp, vốn góp có thể là tiền (10.000 đồng/ cổ phiếu), phân bón, con giống và “cổ tức” chi trả có thể tính bằng rau, thịt từ chính trang trại mà cổ đông lập ra. Cổ đông sẽ trực tiếp giám sát quá trình canh tác, thu hoạch sản phẩm (được tiến hành theo hướng thuần hữu cơ).
Nguồn thực phẩm sạch mà trang trại này cung cấp ra thị trường dựa trên những sản phẩm được tiêu dùng phổ biến hàng ngày ở mỗi hộ gia đình, chẳng hạn như các loại rau, thịt gia súc, gia cầm, trái cây…
Theo anh Vũ Nam Thái, người khởi xướng mô hình trang trại 7A này, hiện có khoảng 30 cổ đông góp vốn, khoảng 30% trong số đó là khách hàng tiêu thụ trực tiếp, còn lại là các cửa hàng thực phẩm sạch, đơn vị cung ứng phân bón, giống…
Dự án này ban đầu dự định xây dựng trang trại tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), nhưng sau khi khảo sát chất lượng nguồn đất, nước thì không đáp ứng được nhu cầu để sản xuất theo hướng hữu cơ nên được dời đến một khu đất rộng khoảng 10ha, nằm trong rừng tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). “Sản phẩm đầu tiên từ trang trại này có thể ra thị trường vào cuối năm nay”, anh Thái cho biết.
Bên cạnh những mô hình góp vốn để trực tiếp sản xuất, còn có những nhóm góp tiền để được tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch. Ông Lê Thành, Giám đốc Công ty cổ phẩn Organic Life chia sẻ, ông có một nhóm đồng nghiệp, bạn bè cùng chung mối quan tâm thực phẩm sạch nhưng không có điều kiện thẩm định nên đã lập ra câu lạc bộ.
Để có được nguồn thực phẩm sạch, mỗi thành viên phải đóng 50 triệu đồng như hình thức ký quỹ để đảm bảo cân đối nguồn tài chính duy trì nguồn hàng.
Chia cổ tức bằng... rau, thịt sạch
Hầu hết những người tham gia mô hình này khi được hỏi đều thừa nhận, cả người góp vốn lẫn đơn vị được góp vốn đều có lợi. Những HTX, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thì có nguồn tài chính, lại tận dụng được “chất xám” của các cổ đông để phát triển thị trường, trong khi những người “tay ngang” góp vốn thì có được nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, vì bản thân họ trực tiếp giám sát quá trình sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt cho biết, trước đây HTX gặp một số khó khăn nhất định nên nguồn cung hàng ra thị trường bị gián đoạn suốt một năm qua. Tuy nhiên, sau khi được cổ đông góp vốn, HTX có thể tính toán những kế hoạch quy mô hơn. “Những cổ đông biết về thị trường, marketing, tài chính có thể giải quyết được đầu ra cho sản phẩm của HTX”, chị Ngọc nói.
Phía cổ đông, theo chị Tạ Thanh, chưa dám nói đến chuyện kiếm lời từ việc góp vốn, cái được đầu tiên là nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và người thân.
Theo anh Vũ Nam Thái, cổ đông tham gia Trang trại 7A dưới nhiều hình thức khiến chi phí tổ chức có nhiều lợi thế hơn; chẳng hạn người góp vốn bằng công trình xây dựng, phân bón sẽ giúp tiết kiệm chi phí do giá công, vật liệu đều “giá gốc”, rẻ hơn giá thị trường.
Cửa hàng phân phối, bán lẻ tham gia dự án sẽ không phải mất kinh phí xây dựng chuỗi cung ứng. Sáng lập viên này tính toán, chỉ cần bốn - năm cửa hàng thực phẩm sạch tham gia dự án này, trang trại sẽ có ngay nguồn khách hàng tiêu dùng sẵn có của các cửa hàng (khoảng 400 - 500 khách hàng), cộng với những người tiêu dùng trực tiếp tham gia dự án và bạn bè, người thân.
Nhu cầu tới đâu, thu hái tại trang trại tới đó, cung cầu hàng ngày được chính các cổ đông nắm rõ nhất nên hạn chế phần sản phẩm hỏng do tồn kho. Tiêu chí sản xuất cũng được cổ đông thống nhất ngay từ đầu, chẳng hạn sản phẩm không dùng phân hóa học, không dùng giống biến đổi gen, không phun thuốc diệt cỏ, không dùng chất kích thích, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất bảo quản; thậm chí với nhiều sản phẩm như rau xanh, có thể dùng lá chuối gói thay bao ni lông…
Một số người tham gia các mô hình này còn chia sẻ thêm, hiện thực phẩm thuần hữu cơ đang là phân khúc có mức giá cao nhất của thị trường thực phẩm. Ở Việt Nam, nguồn hàng này còn rất hạn chế.
Để có những sản phẩ m được cấp chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức nước ngoài, mỗi héc-ta sản xuất phải gánh thêm chi phí ít nhất 70 - 80 triệu đồng/ năm, khiến giá thành sản phẩm cao hơn gấp hàng chục lần giá sản phẩm thông thường, dẫn đến lượng người tiêu dùng có thể tiếp cận nguồn thực phẩm hữu cơ không nhiều. Trong khi đó, vẫn không thể có được sự tin cậy tuyệt đối vì có thể có những hành vi gian lận, đội lốt sản phẩm.
Với mô hình HTX, những người tham gia sẽ trực tiếp xác định phương thức sản xuất, và chính họ là người tiêu dùng nên có thể không cần đến những chứng nhận từ các đơn vị độc lập hay các tổ chức quốc tế.
Đăng Thư