Huế Symphony hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch mới về đêm của Huế

20/10/2024 - 07:21

PNO - Tối 19/10, tại Nhà hát Sông Hương, TP Huế, gần 1.000 khán giả đã được hòa mình thưởng thức một đêm nhạc mang tên “Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố đô”.

Huế Symphony là một đêm đối thoại âm nhạc độc đáo giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Đây là đêm nhạc tiếp theo trong chuỗi sự kiện BamBoo Concerto, mang đến cho khán giả một trải nghiệm âm nhạc đầy cảm xúc. Khán giả và du khách tại Huế được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của thế giới; những làn điệu Huế, Nhã Nhạc và nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sự kiện âm nhạc quy tụ các nghệ sĩ tài năng và nổi tiếng, bao gồm Saxophonist Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ sáo trúc Trần Khánh Tường, ca sĩ Đức Tuấn, Ngọc Khuê, Đào Mác, Bạch Trà, Xuân Định K.Y và DJ Huy Ngô. Đặc biệt, đêm nhạc còn có sự góp mặt của nghệ sĩ quốc tế: Akari Nakatani - “nàng thơ” trong bộ phim “Em và Trịnh”.

Ca sĩ Đức Tuấn tahr hồn trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ca sĩ Đức Tuấn thả hồn trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Điểm nhấn của Huế Symphony là sự kết hợp độc đáo giữa dàn nhạc giao hưởng và các nhạc cụ dân tộc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Dustin Tiêu cùng các bản phối của nhà soạn nhạc hàng đầu Trần Mạnh Hùng. Các tác phẩm được trình diễn là sự phối hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là những giai điệu đặc trưng của xứ Huế.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cháy hết mình với những ca khúc của nhạc Trịnh Công Sơn
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cháy hết mình với những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn-Ảnh: BTC

Trên sân khấu, các nghệ sĩ đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc, thông qua kịch bản được dàn dựng với 4 chương, gồm: Chương 1 - Cuộc hội ngộ giữa Đông và Tây. Đêm nhạc mở màn với một màn trình diễn hoành tráng và đầy cảm xúc, kết hợp giữa dàn Nhã nhạc Cung đình Huế, dàn nhạc IPO và Học viện Âm nhạc Huế.

Đây là một cuộc đối thoại âm nhạc độc đáo giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc. Chương 2 là khúc hào hùng Bình Trị Thiên, mang đến cho khán giả những ca khúc mang âm hưởng bi tráng về vùng đất anh hùng.

Chương ba của đêm nhạc mang tên "Bản Giao Hưởng Cố Đô", mở đầu bằng một câu hò Huế đầy dịu dàng, như một lời chào mời khán giả bước vào thế giới âm nhạc truyền thống của xứ Huế. Bạch Trà một lần nữa xuất hiện trên sân khấu, nhưng lần này cô không chỉ hát mà còn thể hiện nghệ thuật múa chén truyền thống trong khi trình bày ca khúc "Lý Ngựa Ô".

Sự kết hợp giữa giọng hát trong trẻo và động tác múa uyển chuyển của cô đã tạo nên một màn trình diễn đặc sắc, khiến khán giả không thể rời mắt. Tiếp theo đó, nghệ sĩ sáo trúc nổi tiếng Trần Khánh Tường xuất hiện với bản "Mưa Trên Phố Huế". Tiếng sáo du dương, trầm bổng như những hạt mưa rơi nhẹ nhàng trên phố cổ, khiến không ít khán giả bồi hồi nhớ về những kỷ niệm đẹp tại thành phố mộng mơ này.

nàng thơ” Akari thể hiện tuyệt Diễm Xưa bằng tiếng Nhật
"Nàng thơ” Akari thể hiện tuyệt đỉnh ca khúc Diễm Xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Nhật-Ảnh: BTC

Điểm nhấn của chương này là phần trình diễn của dàn nhạc giao hưởng hiện đại. Họ đã khiến khán giả bất ngờ và thích thú khi sử dụng các nhạc cụ phương Tây để thể hiện các bản nhạc đậm chất phương Đông như "Lý Mười Thương" và bộ tứ "Lưu Thủy - Kim Tiền - Xuân Phong - Long Hổ". Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của các nghệ sĩ mà còn là một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Đông - Tây.

Ban tổ chức tặng khoa cho các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc mang tên “Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố đô”.
Ban tổ chức tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc mang tên “Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố đô”- Ảnh: BTC

Chương cuối cùng của đêm nhạc mang tên "Huế và Trịnh", dành riêng để tôn vinh những tuyệt phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người con tài hoa của xứ Huế. Những giọng ca đẳng cấp hàng đầu của làng nhạc Việt lần lượt xuất hiện, mang đến những phiên bản độc đáo của các ca khúc nhạc Trịnh. Ngọc Khuê mở đầu với "Biết Đâu Nguồn Cội", giọng hát trong trẻo của cô như dòng nước mát lành chảy qua tâm hồn người nghe. Tiếp theo là Đức Tuấn với "Gọi Tên Bốn Mùa" và "Đóa Hoa Vô Thường", giọng hát nội lực và đầy cảm xúc của anh khiến cả khán phòng như chìm đắm trong thế giới nhạc Trịnh đầy thi vị.

Một khoảnh khắc đáng nhớ của đêm nhạc là khi nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn xuất hiện với "Hạ Trắng". Tiếng kèn của anh mang đến một phiên bản không lời đầy nỗi niềm của ca khúc này, khiến cả nhà hát lặng người trong xúc động. Bất ngờ lớn đến từ Akari Nakatani - "nàng thơ" Nhật Bản trong tác phẩm điện ảnh "Em Và Trịnh". Cô mang đến một làn gió mới với tuyệt phẩm "Diễm Xưa" được hát bằng tiếng Nhật. Giọng hát trong trẻo của Akari, cùng với cách phát âm tiếng Nhật mềm mại, đã tạo nên một phiên bản "Diễm Xưa" vô cùng độc đáo và mới mẻ.

Sự kết hợp giữa Orchestra Imagine Philharmonic và Học Viện Âm Nhạc Huế đã tạo nên những màn trình diễn đẳng cấ
Sự kết hợp giữa Orchestra Imagine Philharmonic và Học Viện Âm Nhạc Huế đã tạo nên những màn trình diễn đẳng cấp - Ảnh: BTC

Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố Đô không chỉ là một đêm nhạc thành công mà còn hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch mới về đêm của Huế, thu hút du khách khi đến với thành phố này. Đêm nhạc đã khẳng định vị thế của Huế không chỉ là một thành phố di sản, mà còn là một điểm đến văn hóa - nghệ thuật sôi động và đầy sức sống.

Giám đốc sản xuất Châu Lê chia sẻ: "Huế Symphony không chỉ là một đêm nhạc thông thường, mà còn là một hành trình khám phá âm nhạc và văn hóa. Chúng tôi muốn tạo ra một trải nghiệm độc đáo, nơi khán giả có thể cảm nhận được sự giao thoa giữa các nền văn hóa âm nhạc, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Huế. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy du lịch âm nhạc, làm đa dạng hóa các mảng dịch vụ du lịch của Huế - vốn đã là một trung tâm du lịch lớn của khu vực."

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI