Huế mùa đẹp nhất

26/05/2023 - 20:00

PNO - Nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác. Huế luôn là điều bí ẩn, không chỉ cảnh đẹp, con người…

Đứng trên đài quan sát ở Rú Chá nhìn bao quát phá Tam Giang mới thấm câu ca dao xưa: “Yêu em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Truông Nhà Hồ tôi chưa hình dung được chứ phá Tam Giang tôi đang ngắm quả thật mênh mông. Tất nhiên giờ đây, mọi thứ không như ngày xưa - giao thông không thuận tiện và phá Tam Giang được ví von như một trở ngại cho tình yêu đôi lứa. 

Phá Tam Giang
Phá Tam Giang

1. Cảnh đẹp đã khiến tôi choáng ngợp. Thảm cây xanh dày mát mắt được giới hạn bởi “vành đai” phá Tam Giang trông nên thơ nhưng mạnh mẽ. Rú Chá ở Huế là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn tồn tại trong hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. 

Con đường dẫn vào Đại Nội đang mùa hoa sứ đẹp và thơm một cách thanh khiết. Những vệt nắng lúc đậm, lúc nhạt chập chờn trên bãi cỏ xanh. Những con đường nhỏ có 2 hàng cây chụm đầu vào nhau rì rầm; cổ thành bí ẩn; dòng sông Hương lặng lờ trôi êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều… 

Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác. Huế luôn là điều bí ẩn, không chỉ cảnh đẹp, con người…

Hoa ngô đồng
Hoa ngô đồng

Tôi trở lại nơi này lần thứ tư. 3 lần trước tôi đi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” với người thân, đồng nghiệp. Lần nào về, tôi cũng nhủ thầm mình sẽ trở lại đây lần nữa, đi một mình, thật chậm để khám phá hết, ngắm kỹ mà không sợ ai giục giã. Điều đơn giản vậy mà mãi đến hơn 10 năm sau tôi mới thực hiện được.   

Bạn đừng vội vào cổng sau khi mua vé mà hãy tận hưởng bằng hết vẻ đẹp bên ngoài Đại Nội. Phía trước là di tích cột cờ. Qua thời gian, con người có thể quên nhưng nếu biết nói, bức tường thành kia sẽ kể cho bạn tường tận chuyện bên ngoài và bên trong cung cấm. Con đường xanh lá, quảng trường im trong nắng, cổng thành trầm mặc nhưng nhẹ nhàng đều là cảnh làm nên những tấm hình đẹp. 

Ngọ Môn
Ngọ Môn

Để tham quan Đại Nội, bạn nên đi chậm từ ngoài vào trong và không quay trở ra theo lối cũ. Nếu không có thời gian, bạn hãy chọn những nơi chính cần tham quan như Điện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Thế Miếu, vườn ngự uyển… 

Tôi dừng lại hơi lâu dưới 1 gốc ngô đồng còn sót lại ít hoa cuối mùa. Ánh nắng chiều khiến màu hồng ửng lên rất đẹp. Sau 1 ngày rã cẳng trong Đại Nội, coi lại sơ đồ, tôi thấy còn bỏ sót vài chỗ. Đành hẹn một dịp nào đó quay lại. 

Hôm sau, từ rú Chá, tôi về biển Hải Dương. Trên nền cát trắng mịn, nước trong vắt, chúng tôi lội nước, cười đùa như trẻ thơ. Nơi chúng tôi đang đứng, sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ. Thế nhưng ngoài xa kia, lại có tiếng sóng khác vừa mạnh mẽ vừa dịu êm, cảm giác như vừa mơn trớn nhẹ nhàng lại vừa suồng sã, phóng khoáng. 2 đợt tiếng sóng biển chen nhau làm nên sự thú vị cho vùng biển vắng. 

Biển Hải Dương
Biển Hải Dương

Khoảng 30km từ Hải Dương về đồi Vọng Cảnh. Trên đồi gió mát, khách phương xa thêm ngỡ ngàng khi nhìn xuống sông Hương. Dòng nước uốn lượn mềm mại bên dưới thỉnh thoảng lại điểm xuyết vài chiếc thuyền trôi qua thật chậm, đẹp như tranh vẽ. Sau đó, tôi còn trở lại đồi Vọng Cảnh vào buổi chiều chỉ vì muốn xem vẻ đẹp sông Hương sáng và chiều có gì khác nhau. 

Từ đồi Vọng Cảnh, tôi đi đến hồ Thủy Tiên. Tôi đã đến đây vào 2 năm trước. Hoàng hôn bên hồ thật tuyệt. Mặt trời xuống chậm trên thảm thực vật xanh dày. Chúng tôi rời hồ Thủy Tiên trong tâm trạng thật luyến tiếc. Thật tình, tôi muốn ngồi lại nơi đây lâu hơn, chờ mặt trời xuống hết và tận hưởng sự bình yên hiếm có trong không gian nhẹ nhàng, êm ái và thật thanh bình này. 

Tôi chào tạm biệt Huế bằng một trạng thái trên trang Facebook của mình: “Giữ lại chút gì rất Huế” với những hình ảnh kiến trúc Pháp thật đẹp và lãng mạn đan xen những hàng cây xanh cùng lốm đốm bóng nắng giữa trưa. Chưa rời Huế mà tôi biết mình sẽ nhớ Huế để rồi nôn nao trở lại nơi này lần nữa không xa.

Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh
Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh

2. Thật ra, dù mưa hay nắng, Huế đều có khách đến thăm. Khách sạn ở Huế rất nhiều, đa phần tập trung phía bờ Nam sông Hương - người dân địa phương còn gọi là khu Tây ba lô. Bạn có thể dễ dàng kiếm một phòng đôi có giá từ 300.000 đồng trở lên (phòng máy lạnh, tiện nghi vừa đủ). 

Những con đường nhỏ đủ làm bạn mỏi chân khi trở về chốn cũ. Bạn có thể chậm rãi đi qua cầu Trường Tiền vào buổi chiều, rẽ phải đến chợ Đông Ba tìm một vài món ăn địa phương: bánh bèo, nậm, lọc, bún, chè đủ loại… hay rẽ trái về hướng thành nội, có Đại Nội là điểm tham quan tiện lợi nhất cho du khách khi đến Huế. 

Ở các khách sạn đều có tour tham quan các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Minh Mạng, Khải Định, chùa Thiên Mụ… Du khách cũng có thể dễ dàng thuê xe tự khám phá các nơi này. Bất kỳ người dân nào cũng sẽ chỉ vẽ tận tình đường đến các lăng. Huế có rất nhiều lăng tẩm. Để tham quan hết, tìm hiểu một cách tường tận thì không bao giờ xuể. Đa phần khách tham quan lướt qua, có thể đi khoảng 3 lăng trong 1 buổi chiều. 

Cơm hến là món đặc trưng của Huế. Muốn ăn cơm hến thì đi về hướng Vĩ Dạ, qua cồn Hến. Ngoài ra, nơi này còn có chè bắp là “cặp bài trùng” của cơm hến.

Món ăn đặc biệt nữa của Huế là bánh ướt cuốn thịt. Kim Long là nơi nổi tiếng với món ăn này. Sau khi tham quan chùa Thiên Mụ, trên đường về, bạn ghé qua Kim Long, quán nào cũng ngon. Du khách đến Huế thích ăn quà rong mà người địa phương thường gọi là hàng gánh. Hàng rong ở Huế khá nhiều, buổi sáng có đủ các loại bún, tầm 8g có đậu hũ, trái cây...; trưa trưa có đủ các loại chè; xê xế có bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng…

Nói chung, đã đến Huế, khách không phải băn khoăn lo lắng vì không tìm được hàng ăn ngon. 

Hàng rong ở Huế
Hàng rong ở Huế

Buổi sáng, bạn đừng nên ngủ nướng mà hãy thức dậy khoảng 5g30 và thuê xe đạp hay xe máy rồi lang thang khắp các con đường ở Huế, vừa ngắm thành phố buổi sáng, vừa tập thể dục.

Bạn có thể dừng lại ngắm mặt trời bên dòng sông Hương hay đạp xe khắp thành nội, vòng quanh khu vực hoàng cung, qua những con đường nhỏ, ngắm những ngôi nhà đặc trưng của Huế với những hàng rào dâm bụt được xén tỉa thẳng tắp.

Vòng ra cửa Đông Ba, bạn sẽ gặp dòng sông uốn lượn theo con đường. Phóng tầm mắt về phía bờ bên kia, nhìn cảnh giặt giũ dưới sông, đôi lúc khách lại giật mình, có cảm giác như đang trong một thành phố nào đó của miền Tây. 

Bạn có thể khám phá một Huế thật khác với những con đường rộng lớn bên này cầu Trường Tiền. Nét dịu dàng cổ kính phía bên kia thành nội sẽ nhường chỗ cho nhà cao tầng xen lẫn biệt thự… Trường đại học, thư viện, ký túc xá, cơ quan nhà nước, các nhà thờ lớn… hầu như tập trung hết ở đây. 

Để khám phá Huế người ta phải mất nhiều năm, thậm chí có khi cả đời vẫn không hết nhưng chỉ cần vài ngày lang thang ở Huế, bạn cũng kịp biết Huế và bắt đầu yêu Huế. 

Bài và ảnh: Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI