Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 diễn ra trong 3 ngày từ 18- 20/11 với chủ đề Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn.
|
Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL tặng hoa cho các giám khảo tại liên hoan phim |
Có 40 đơn vị đem đến liên hoan 127 phim ở 4 thể loại: phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 được đánh giá phong phú về thể loại, đề tài, hình thức thể hiện, phản ánh đa diện góc nhìn cuộc sống của các nhà làm phim, hướng tới xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và nhân văn.
Đây cũng là dịp để tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục quảng bá hình ảnh của một vùng đất có bề dày văn hóa, nhiều di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh nổi tiếng và đặc biệt Huế là thành phố di sản, thành phố Festival...
|
Lễ khai mạc liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 bắt đầu bằng điệu múa "Lục cúng hoa đăng" |
Liên hoan phim năm nay, kinh phí cho từng hạng mục giải thưởng tăng so với trước đây. Phần thưởng cho Bông sen Vàng phim truyện là 60 triệu đồng; Bông sen Vàng cho các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình là 30 triệu đồng.
Trailer Gái già lắm chiêu V - một trong những phim tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam 22:
Ngoài cúp bông sen và tiền thưởng, các tác giả giải thưởng sẽ được Bộ VH-TT-DL mời tham dự các sự kiện liên hoan phim quốc tế, các hoạt động điện ảnh, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, Liên hoan phim năm nay có thêm 2 giải thưởng mới là Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc và Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc.
Đặc biệt, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi UBND TP. Huế, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan về việc vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân mặc áo dài trong suốt thời gian diễn ra LHP Việt Nam lần thứ 22.
Hoạt động này nhằm thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của Huế nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời tăng cường quảng bá áo dài truyền thống Huế, hướng tới xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.
Kỳ vọng phát triển du lịch nhờ điện ảnh
Mặc dù một số chương trình cộng đồng trong khuôn khổ LHP đã được tạm dừng và điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn dịch, song các sự kiện còn lại bên lề cũng hứa hẹn đưa lại những dấu ấn tích cực trong lòng các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên tham dự.
|
Liên hoan phim quy tụ nhiều diễn viên, đạo diễn và nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin: Ngoài triển lãm ảnh Di sản và bạn, Sở Du lịch cũng sẽ tổ chức 2 chương trình tour khám phá, trải nghiệm khép kín dành cho các đại biểu với những điểm đến ấn tượng, đặc sắc từng là bối cảnh phim trường. Đây được xem là cơ hội quảng bá vùng đất, thắng cảnh, con người và văn hóa đến với các đoàn làm phim.
“Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng và phát triển 2 đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam và Huế - Kinh đô Ẩm thực, nên LHP lần này cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá các đề án này. Trong đó, chương trình du lịch sẽ mang đến trải nghiệm với áo dài ngũ thân; đồng thời, hướng dẫn các khách sạn xây dựng chương trình ẩm thực Huế để giới thiệu đến các đại biểu lưu trú. Ngoài ra, chương trình dạ tiệc cũng chọn lựa các món ăn đặc trưng nhất của Huế để chiêu đãi”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.
|
Một góc Bạch Trà Viên ở An Định Cung, Huế - nơi thực hiện nhiều cảnh quay phim Gái già lắm chiêu V |
Thừa Thiên - Huế đang tích cực quảng bá nhằm hướng đến xây dựng một phim trường, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. LHP lần này sẽ mở ra cơ hội cho Huế khi nhiều nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng sẽ tham dự.
Không chỉ những “bom tấn” của Việt Nam gần đây đã chọn Huế làm bối cảnh chính, như: Gái già lắm chiêu, Kiều, Mắt biếc… mà từ nhiều năm trước đã có những bộ phim nổi tiếng quay tại Huế. Có thể kể đến Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh - giải Bông sen Bạc và Bông sen Vàng cho nữ diễn viên chính tại LHP năm 1988; Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - Cánh diều Bạc năm 2008 cho phim và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Hồng Ánh; Em còn nhớ hay em đã quên (1992) của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn… Trong khuôn khổ LHP lần này, BTC cũng sẽ trình chiếu lại những bộ phim nói trên.
|
Một cảnh quay nổi tiếng ở phố cổ Bao Vinh TP. Huế trong bộ phim Mắt biếc nay đã trở thành cà phê Mắt Biếc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé đến |
“Thừa Thiên - Huế có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành phim trường, bởi Huế không chỉ là vùng đất bề dày về lịch sử văn hóa, mà còn có núi, có sông, có biển, có thành thị xen lẫn các công trình kiến trúc cổ kính, cung điện, đền đài… Đây là nơi hội tụ nhiều nội dung, yếu tố để khai thác cho phim ảnh”, đạo diễn phim Gái già lắm chiêu V, Trần Nguyễn Bảo Nhân nhận xét.
Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thanh Hải cũng nhấn mạnh: "Sau sự kiện này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá về những hình ảnh đẹp, bối cảnh đẹp của Huế, ngoài việc xây dựng bối cảnh để làm phim thì còn hướng đến việc xây dựng một phim trường ở Huế từ các nhà đầu tư lớn".
|
Sau phim Mắt biếc, rất nhiều giới trẻ đến check in tại "cây cô đơn" - một trong những bối cảnh của phim |
Để Thừa Thiên - Huế là điểm đến không thể bỏ qua khi làm phim tại Việt Nam, thời gian tới theo TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên- Huế - ngành văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá những hình ảnh đẹp và giá trị văn hóa của Huế đến công chúng cũng như nhà làm phim. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng cho các đoàn làm phim khi đến quay tại địa phương; thu hút các nhà đầu tư để ngoài bối cảnh sẵn có của “phim trường tự nhiên”, đầu tư xây dựng phim trường hiện đại để đem lại giá trị bền vững hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; nhằm tạo điều kiện khai thác tốt hơn ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt ở khía cạnh văn hóa điện ảnh.
Thuận Hóa