Giấc ngủ sớm của một nửa TP. Huế
Sông Hương chảy qua TP. Huế, chia đô thị này thành hai bờ Bắc - Nam. Ở bờ Bắc sông Hương, một buổi tối giữa tháng 4/2021, khi đợt dịch lần thứ tư chưa ập đến, khá yên ả. “Bánh mì không em?” - bà chủ xe bánh mì ngồi tréo chân trên chiếc ghế nhựa, vẫy tay mời khách rồi thở dài.
Chủ xe bánh mì là bà Phan Thị Điền, 56 tuổi, đã có 16 năm bán loại thức ăn này. Điểm bà Điền đặt xe bánh mì là chỗ giao thương của phố Trần Hưng Đạo và Phan Đăng Lưu, đối diện là chợ Đông Ba nổi tiếng - khu vực sôi động bật nhất của bờ Bắc vào ban ngày, nhưng về đêm khung cảnh cũng hẩm hiu. Gần đó, những gánh hàng rong với chè, bún, hủ tíu, trứng vịt lộn… của cư dân cũng xuất hiện. Cả tuyến phố Trần Hưng Đạo thênh thang với nhà cao tầng san sát, đèn đường sáng trưng, biển hiệu nhấp nháy, nhưng… vắng người. Cạnh đó, bên sông Hương, một siêu thị lớn, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em, người cũng thưa thớt.
|
Sức sống khá tẻ nhạt của bờ Bắc sông Hương khiến việc mưu sinh về đêm của người dân Huế cũng trở nên buồn bã |
Trái ngược với bờ Bắc, ở bên kia sông, nơi ngự trị của những trường đại học, các khách sạn hạng sang, nhà cao tầng… không gian nhộn nhịp và sôi động hơn hẳn. “Bên kia có những quán bar, quán nhậu, các điểm vui chơi công cộng nên người dân qua đó hết” - bà Điền lý giải nguyên do bờ bên này rơi vào cảnh đìu hiu khi đêm xuống.
Phía bờ Bắc, dọc sông Hương, chính quyền đã đầu tư hạ tầng với các tuyến đi bộ, cải tạo các công viên, nhưng sức hút vẫn không bằng phía bờ đối diện. Phía trong Thành nội, đêm xuống càng vắng lặng. Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ đài Huế và các di tích, thành quách được trang trí bằng đèn chiếu sáng nhiều màu sắc, nhưng cũng không lôi cuốn được du khách.
Có đến năm di sản được UNESCO công nhận cùng với biển, sông, đầm phá… nhưng Huế lại chưa biết cách thu hút và níu chân du khách.
Bao lần “đánh thức”
Từ tháng 4/2017, chương trình mở cửa Đại nội Huế về đêm đã được kích hoạt. Sau năm tháng mở cửa, chương trình đón 80.000 khách, nhưng hơn một nửa trong số đó là khách địa phương được miễn phí tuần đầu, số lượng khách mua vé tham quan chỉ hơn 28.500 lượt. Doanh thu từ sản phẩm này, theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chỉ đủ bù chi… bồi dưỡng.
Mở cửa Đại nội Huế về đêm quả là một chương trình không có sức hút, không mới lạ. Trước khi mở cửa Đại nội Huế, để xóa bỏ cái tiếng “Huế - thành phố đi ngủ sớm”, chính quyền đã thiết lập một tuyến phố đi bộ trên nền tảng phố Tây cũ vào ba ngày cuối tuần, qua các tuyến Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu. Tuyến phố này nằm ở bờ Nam sông Hương, đã thu hút được khá đông dân thành phố và du khách đổ đến vui chơi. Nhưng do những thiết chế không rõ ràng nên phố đi bộ dần biến thành phố nhậu.
Phát triển các loại hình dịch vụ để Huế sôi động, nhộn nhịp về đêm quả là bài toán khó khiến cho lãnh đạo thành phố đau đầu bấy lâu. Nhiều chương trình, dự án đã ra đời nhưng không có cái nào đi đúng hướng. Cuối năm 2020, TP. Huế quyết định phê duyệt đề cương hoàn thiện đề án phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ “phát triển kinh tế ban đêm”, dự định sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm, các chương trình sẽ diễn ra từ 18g đến 6g sáng hôm sau với hy vọng để Huế sinh động hơn về đêm.
Thêm một phố đi bộ…
Bốn tuyến đường Đoàn Thị Điểm - Lê Huân - 23/8 - Đặng Thái Thân bao quanh Đại nội sẽ được kết nối cùng với phố Trần Hưng Đạo - chợ Đông Ba nhằm “thúc đẩy phát triển kinh tế đêm”, theo kế hoạch của chính quyền TP. Huế.
|
Quán nước mía của anh Trương Trọng Đức mới mở nhằm “đón đầu” phố đi bộ sẽ mở quanh khu Đại nội kết nối với phố Trần Hưng Đạo và chợ Đông Ba |
Anh Trương Trọng Đức, 38 tuổi, ở đường Đặng Thái Thân, đối diện Lầu Tứ Phương Vô Sự - một công trình lớn trong quần thể di tích Huế, cho biết mấy mươi năm qua anh chưa bao giờ thấy khu vực này sôi sộng, vui tươi. Nhà rộng, lại nằm ở mặt tiền đường, nhưng vì ít người qua lại nên lâu nay anh không đầu tư kinh doanh gì cả. Nghe tin các tuyến phố quanh Đại nội sẽ trở thành phố đi bộ, anh Đức mua xe nước mía, bàn ghế mở hàng giải khát đón đầu. Tuy nhiên, phố đi bộ vẫn còn nằm trên giấy nên mỗi ngày anh chỉ bán được hơn chục ly nước mía với giá 7.000 đồng/ly. “Huế mình mà, giá chừng đó là hợp rồi, bán giá cao ai uống cho” - anh Đức nói.
Chính quyền hy vọng, với sự táo bạo trong phát triển kinh tế đêm, sức sống bờ Bắc sông Hương và cả thành phố sẽ nhộn nhịp hơn, sẽ thu hút và giữ được chân du khách. Còn những người dân như anh Đức cũng có niềm tin, khi mở thêm tuyến phố đi bộ mới, đêm xuống, khu vực cũng sẽ sôi động dần lên như phía bờ Nam, sẽ có nhiều người đến chơi, và khi họ mỏi chân sẽ ghé vào quán anh uống nước.
Nguyễn Đắc Thành