Huế: Dân khổ vì đào đường mùa mưa lũ

07/11/2023 - 05:59

PNO - Thời gian qua, nhiều tuyến đường ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị đào bới để thi công công trình thoát nước. Việc thi công kéo dài, rơi trúng mùa mưa lũ, gây nhiều nguy hiểm cho người đi đường và cản trở việc làm ăn của bà con.

“Bẫy nước” giữa đường

Sau hơn 4 năm thực hiện dự án cải thiện môi trường nước, TP Huế đã bị biến thành “đại công trường”, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Anh Ngô Tất Vinh (ở hẻm 163, đường Nguyễn Lộ Trạch) cho biết, do ảnh hưởng từ việc thi công dự án nên gần 1 tháng qua, việc buôn bán của các cửa hàng kinh doanh và cuộc sống của người dân sinh sống 2 bên đường Nguyễn Lộ Trạch gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi UBND phường Xuân Phú và đơn vị chủ đầu tư dự án để yêu cầu họ sớm hoàn thiện thi công, hoàn trả mặt đường. Mỗi tháng chúng tôi bỏ ra số tiền lớn thuê mặt bằng để kinh doanh, nhưng hơn 1 tháng nay đường bị khoan, cắt, đào bới ngổn ngang khiến buôn bán ế ẩm” - anh Vinh nói.

Trên đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế - nơi đang thi công gói thầu thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế,  các “bẫy” nguy hiểm luôn chực chờ người đi đường
Trên đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế - nơi đang thi công gói thầu thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế, các “bẫy” nguy hiểm luôn chực chờ người đi đường

Còn ông Lê Bá Lưu Nhân (làng Xuân Hòa, phường Thủy Vân) thắc mắc: “Vì sao mùa nắng không làm, lại làm vào mùa mưa? 2 hôm trước, trên đường chở con đi học về, đến đường Nguyễn Lộ Trạch cả 2 cha con bị rớt xuống cống nước đang làm, may mà có người ứng cứu kịp thời”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều nhà thầu chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án nên việc xử lý các vướng mắc phát sinh không kịp thời. Đặc biệt, năng lực nhà thầu chính chưa đáp ứng yêu cầu. Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà thầu đang thi công dự án cho biết: “Đơn vị đã cử người gặp bà con sống dọc tuyến đường để mong bà con thông cảm, chia sẻ với “nỗi khổ thời tiết”, chứ không phải đơn vị làm chậm”.

Nhiều tuyến đường, tuyến hẻm ở phường Phú Hội, Thủy Vân cũng đang được thi công, mưa gió, bùn sình, đi lại khó khăn khiến người dân “méo mặt”. Tại các tuyến khác, mặc dù thi công đã xong nhưng mặt đường vẫn còn “bầy nhầy”, như đường Bùi Thị Xuân. “Hằng ngày tôi vẫn phải đưa đón con đi học qua con đường này, vì chẳng còn đường nào khác. Trời mưa ngập trong bùn lầy, ổ gà nhiều lắm, rất dễ trượt ngã nếu không vững tay lái” - chị Nguyễn Thị H. (sinh sống ở đường Bùi Thị Xuân) nói.

Mỗi tháng gửi gần 100 văn bản đốc thúc, công trình vẫn ì ạch

Ngày 16/8 vừa qua, khi kiểm tra tiến độ các gói thầu thuộc chương trình Phát triển các đô thị loại II và dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế, ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - yêu cầu, từ nay đến cuối tháng 9/2023 nhà thầu phải tăng ca, tăng kíp, thậm chí làm đêm để đẩy nhanh tiến độ. Cần “mạnh tay” với các nhà thầu cố tình làm chậm tiến độ thi công, gây ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án. Nếu cần thì chấm dứt hợp đồng.

Đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế thi công trúng mùa mưa lũ, ngập nước khiến người dân khổ sở
Đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế thi công trúng mùa mưa lũ, ngập nước khiến người dân khổ sở

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh - Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế - cho biết: hiện dự án còn khoảng 10% khối công việc, nhưng đều là những hạng mục khó thi công, mất nhiều thời gian.

Lý do chậm, theo giải thích của ban quản lý dự án, là do đơn vị trúng thầu đều là những công ty “rất lớn, rất oai”, nhưng các bộ phận thi công ở dưới năng lực không tốt hoặc không quen thi công với địa chất, thời tiết ở Huế. Các nhà thầu chính bị phân tán nguồn lực tài chính, không còn nguồn tài chính dồi dào như cam kết ban đầu, dẫn đến chậm thi công.

Kế đến là, khi đấu thầu, để trúng thầu, nhà thầu thường bỏ giá thấp. Đến khi thi công phải tìm nguyên liệu, thiết bị giống như hồ sơ đấu thầu để triển khai thì giá thành lại cao, khó đáp ứng, nên chậm. Việc phối hợp giữa nhà thầu với chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi thực hiện dự án chưa tốt. Ngoài ra cũng có những nguyên nhân khách quan như thời tiết diễn biến phức tạp, Huế mưa nhiều.

Trung bình mỗi tháng cơ quan chức năng phát hành gần 100 văn bản điều hành, yêu cầu tăng ca, bổ sung nhân lực, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh nói: “Chúng tôi đã phạt tại chỗ đối với những nhà thầu vi phạm với số tiền hơn 1 tỉ đồng (trung bình 10-15 triệu đồng/lần phạt).

Ngoài ra, Công an TP Huế cũng đã xử phạt 63 trường hợp với số tiền hơn 180 triệu đồng đối với các nhà thầu, chủ yếu là các lỗi: không bố trí biển báo, rào chắn, không bố trí người hướng dẫn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động”. 

Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế với tổng kinh phí 24,8 tỉ yên (tương đương khoảng 5.052 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, thực hiện từ tháng 8/2015. Dự án triển khai trên địa bàn 11 phường phía nam TP Huế với 7 gói thầu gồm hệ thống đường ống thoát nước, 7 trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải tại đô thị Đông Nam Thủy An (9,5ha). Dự án nhằm mục tiêu xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía nam TP Huế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, xử lý và chống ngập úng cho thành phố…

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI