Ông Đỗ Xuân Cẩm - chuyên gia cây xanh đô thị, nguyên giảng viên Trường đại học Nông Lâm Huế - nói với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM:
- Khi bão lốc đi qua, cây xanh ngã, đổ là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng hậu quả của cơn bão số 5 (đổ bộ sáng 18/9) đối với hệ thống cây xanh ở Huế là chuyện đáng suy ngẫm.
Phóng viên: Theo ông, vì sao cơn bão vừa rồi chỉ ngang cấp số 8 mà số cây lại gãy, đổ ở mức kỷ lục?
Ông Đỗ Xuân Cẩm: Ý thức của cộng đồng và một vài hạn chế của công tác quản lý, bảo vệ cây xanh cũng là nguyên nhân sâu xa góp phần vào hệ quả tồi tệ ngày hôm nay. Trong thực tế, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã tác động tiêu cực triền miên vào hệ thống cây xanh, gây tổn thương cho cây, làm cho cây mất sức sống, bị thương tật rồi dần dần bộng (rỗng) ruột, thối gốc, trong khi các cơ quan quản lý chưa có những chế tài hữu hiệu.
Chính vì thế, theo tôi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nên chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình ngoại khóa về quản lý cây xanh cho học sinh các trường phổ thông; các đoàn thể nên tổ chức định kỳ các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý cây xanh, kiểm tra, phát hiện các tác động tiêu cực lên cây xanh để giải tỏa (nếu được) hoặc cảnh báo cho cơ quan quản lý nhằm có biện pháp ứng phó.
|
Ông Đỗ Xuân Cẩm - chuyên gia cây xanh đô thị, nguyên giảng viên Trường đại học Nông Lâm Huế |
* Hình như ông từng nói, việc cắt tỉa cành trước mỗi mùa bão đang có vấn đề và Huế chưa có bác sĩ khám, chữa bệnh cho cây xanh đúng nghĩa?
- Hằng năm, cứ trước mùa mưa bão, Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế đều ra quân cắt tỉa cành nhánh cây xanh trên các vỉa hè. Tuy nhiên, công việc này còn mang tính đối phó, kỹ thuật cắt tỉa chưa thật sự hoàn thiện, chưa quan tâm cắt tỉa tạo tán gọn, cân đối để vừa giúp cây chống gió bão, vừa tạo vẻ mỹ quan, ít chú ý độ nghiêng của vết cắt. Nhiều trường hợp vết cắt nằm ngang, lại không được trám bít nên dần dần ngấm nước mưa, thối mục, tạo điều kiện cho các loài vi sinh vật xâm nhập khiến lâu ngày cây thối thân, bộng ruột.
Vì vậy, cơ quan quản lý cây xanh cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên thăm khám để phát hiện những tổn thương hoặc những nguy cơ đe dọa sự sinh trưởng của cây xanh nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời. Đây được ví như những bác sĩ cây xanh thực thụ, do đó, cần phải nâng cao tay nghề cho đội ngũ này, đặc biệt là phải có chế độ ưu đãi đối với họ.
Không riêng gì ở Huế, những người thực hiện nhiệm vụ cắt tỉa cành cây ở những địa phương khác cũng cần phải được đào tạo bài bản, biết cắt tỉa tạo tán định kỳ cho phù hợp, chọn thời điểm cắt tỉa phù hợp, cụ thể là từ cuối mùa đông sang mùa xuân để cây nhanh chóng đâm chồi, nảy lộc chứ không phải chỉ đi cắt tỉa để đối phó với gió bão; cắt tỉa tạo tán phải đúng kỹ thuật, cắt tỉa xong phải trám bít vết cắt bằng vật liệu thích hợp để tránh gây thối vết cắt, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại (vi nấm, vi khuẩn, rêu, tảo) xâm nhập gây thối cành, hỏng thân, rỗng ruột.
Đối với những cây cổ thụ, cần phải hạ chiều cao, thu gọn tán, mở họng cho gốc, cắt tỉa rễ nổi, thay đất, bón thúc phân, đậy hố gốc cây bằng những tấm vật liệu thấm nước, thông khí, giúp gốc cây không bị tấp rác, đồng thời để nước mưa dễ thấm vào rễ cây và rễ cây dễ hấp thu không khí từ bên trên lan tỏa xuống một cách tự nhiên, làm tăng diện tích bề mặt vỉa hè, từ đó vỉa hè cũng thông thoáng, sạch sẽ hơn. Tuyệt đối không để việc thi công lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm gây tổn thương gốc cây hoặc hủy hoại hệ thống rễ cây. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tình trạng cây xanh ngã, đổ do bão.
* Ông có những đề xuất nào để tăng tính bền vững cho hệ thống cây xanh tại các đô thị?
- Theo tôi, không nên vì nôn nóng mà trồng cây quá lớn, đồng thời phải giữ được hệ rễ cọc. Hố trồng phải được mở rộng, đào sâu để thay đất giàu dinh dưỡng vào trước khi đặt cây xuống. Tại TP. Huế, khi chỉnh trang vỉa hè, nếu cố tình hay vô ý cắt rễ hoặc làm trầy xước rễ thì phải xử lý vết thương trước khi lát nền, bó vỉa.
Trên những tuyến đường ở TP. Huế, không nên trồng tràn lan các loài cây có thân, cành bộp, giòn, đặc biệt là loài lim xẹt cánh (phượng vàng); những tuyến đường, công viên có cây lim xẹt cánh đổ gãy thì nên trồng thay thế bằng loài khác thích hợp, có khả năng chống chịu tốt hơn. Đặc biệt, cần tăng cường vận động cư dân đô thị không tác động tiêu cực vào cây xanh và có biện pháp chế tài nghiêm đối với người cố tình xâm hại cây xanh. Cần mở đường dây nóng và vận động người dân phản ánh khi phát hiện cây xanh bị xâm hại.
Chính quyền các cấp cần vào cuộc để thúc đẩy, giám sát cơ quan chức năng trong việc quản lý cây xanh; các cơ quan chức năng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để có một cuộc cách mạng quản lý cây xanh đô thị tốt hơn. Sau cùng là, nhân dân trong thành phố, nhất là cư dân sống hoặc buôn bán ven các đường phố cần nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh.
* Xin cảm ơn ông.
Hồ Ngọc Minh