Huawei tung ‘sức mạnh mềm’ hòng thu phục nhân tâm toàn cầu

16/02/2019 - 06:00

PNO - Đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp tục triển khai các nỗ lực quan hệ công chúng trên toàn thế giới, bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế về an ninh mạng.

Huawei tung ‘suc manh mem’ hong thu phuc nhan tam toan cau
Đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei đang thực hiện chiến dịch toàn cầu nhằm thu hút khách hàng và đánh bóng thương hiệu - Ảnh: AP

Ở Canada, logo hình cánh quạt đỏ tươi của Huawei xuất hiện áp đảo trên trường quay chương trình Hockey Night in Canada. Những người dẫn chương trình cũng không quên thường xuyên nhắc nhở 1,8 triệu khán giả hàng tuần rằng nhiều phân đoạn của chương trình “được giới thiệu bởi các điện thoại thông minh Huawei”.

Thông điệp vui vẻ mà doanh nghiệp này phán đi dường như trái ngược với những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái. Tiếp đó, Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada và có kế hoạch xử nặng một người khác.

Hợp tác truyền hình nói trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về những việc Huawei đang làm trên toàn cầu để thu hút khách hàng và đánh bóng thương hiệu. Hãng này tài trợ giải rugby ở Australia, đài thọ nghiên cứu khoa học ở các trường đại học trên toàn thế giới, đưa sinh viên quốc tế đến Trung Quốc để đào tạo kỹ thuật. Huawei còn làm mạnh thường quân cho nhiều buổi hòa nhạc cổ điển ở châu Âu và tặng đàn piano cho các trường học ở New Zealand.

Nhưng giữa lúc căng thẳng gia tăng với Canada, các nỗ lực thân thiện đó không khỏi bị nghi ngờ. Điều này có vẻ liên quan đến hàng loạt hợp đồng cung cấp mạng điện thoại 5G siêu nhanh của Huawei. Phía Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại, rằng doanh nghiệp này có thể cho bên thứ ba khai thác từ các mạng điện thoại của mình, trong trường hợp mạng 5G là một lượng khổng lồ dữ liệu người dùng trên toàn thế giới.

Huawei không đưa ra phản hồi nào trước chuyện này, cũng như trước đây đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc. Chính quyền Trung Quốc lên tiếng nói rằng những chỉ trích nhắm vào Huawei là bịa đặt, thêu dệt. 

Dù chưa ai chỉ ra được bằng chứng nào về ý đồ đằng sau các chiến dịch marketing của Huawei, vì chúng chẳng khác gì việc mà các công ty đa quốc gia phương Tây vẫn làm từ trước đến nay, nhưng rõ ràng là với các công ty Trung Quốc lâu nay vẫn trầy trật khi ra thương trường toàn cầu, những gì Huawei đang làm là mạnh mẽ khác thường.

Rogers Communications, hãng phát sóng chương trình Hockey in Night in Canada đồng thời bán điện thoại thông minh của Huawei, cho biết không có ý định đổi nhà tài trợ đã hợp tác từ năm 2017 và sẽ hết hợp đồng năm 2020.

Ở Australia, đội rugby Canberra Raiders tỏ ý muốn ký tiếp hợp đồng tài trợ với Huawei trong năm nay, bất chấp việc chính phủ ra lệnh cấm sử dụng các thiết bị mạng 5G của hãng này.

Huawei còn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cao cấp khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điện thoại thông minh để hoàn thành các đoạn soạn dở trong bản giao hưởng số 8 của nhà soạn nhạc người Đức Franz Schubert, còn được còn là Bản giao hưởng dang dở. Tháng này, họ vừa tổ chức một buổi hòa nhạc ở London để biểu diễn tác phẩm đã hoàn thiện.

Huawei cũng xây dựng mạng lưới quan hệ rộng khắp với các trường đại học trên toàn thế giới thông qua các học bổng và chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học. Điển hình là một dự án nghiên cứu chung trị giá 25 triệu bảng Anh (32 triệu USD) tại ĐH Cambridge của Anh.

Tuy vậy, một số trường đã bắt đầu xem xét lại việc cộng tác. Tháng trước, ĐH Oxford cũng của Anh đã ngừng nhận tiền tài trợ của Huawei. ĐH Stanford của Mỹ nối gót sau khi các công tố viên Mỹ công bố hàng chục cáo buộc đối với công ty này, ĐH California cũng huỷ bỏ một hội nghị trực tuyến do Huawei đài thọ, sau khi nhận được khuyến cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bất chấp những vấp váp đó, Huawei càng nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động quan hệ công chúng. Ngài chủ tịch vốn khá kín tiếng của Huawei - ông Nhậm Chính Phi tháng trước đã mở 3 cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi từ phóng viên phương Tây, Nhật Bản và Trung Quốc.

Công ty này cũng sẽ tung toàn lực tại Hội nghị thế giới di động (Mobile World Congress), sự kiện lớn của ngành công nghiệp viễn thông tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha tháng này. Tại đây, Huawei dự định công bố dòng điện thoại di động mới nhất - một thiết bị 5G màn hình gập. Các lãnh đạo của họ cũng sẽ xuất hiện để giới thiệu sản phẩm và diễn thuyết về công nghệ 5G.

Do Huawei là nhà tài trợ sự kiện, ông Nhậm được cho là cũng sẽ góp mặt để thúc đẩy ký kết các hợp đồng làm ăn, trong khi phía Mỹ cũng được cho là đang chuẩn bị nhiều động thái nhằm vào Huawei.

Tuần trước họ đã tổ chức một buổi lễ mừng tết âm lịch hoành tráng ở Brussels dành cho cộng đồng ngoại giao của Liên minh châu Âu, có sự chủ trì của đích thân Vua Bỉ Leopold đệ Nhị. Châu Âu là thị trường lớn thứ hai của Huawei hiện nay, chỉ sau quê nhà Trung Quốc. Huawei dự định tháng tới mở một trung tâm an ninh mạng ở Brussels.

Để thu hút nhân tài, Huawei còn thực hiện chương trình “Hạt giống tương lai”, đưa sinh viên từ hơn 100 nước đến Trung Quốc học tiếng Trung và đào tạo kỹ thuật ở các trụ sở của công ty.

Xem ra dù Huawei có dính dáng đến chính quyền hay không, hay chỉ đơn giản là muốn vươn lên trên thương trường, các cuộc tranh cãi sẽ không dừng lại, khi mà các cường quốc đang nhìn nhận công nghệ là tiền tuyến mới trong cuộc chiến chi phối kinh tế toàn cầu, cuộc chiến không có quân đội và xe tăng, trong đó sức mạnh mềm là vũ khí quan trọng nhất.

Đại An (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI