Huawei tin tưởng luật pháp Canada sẽ ‘chứng minh sự vô tội’ của bà Mạnh Vãn Chu

21/01/2020 - 15:20

PNO - Hôm 20/1, Tòa án Canada bắt đầu xét xử vụ án của giám đốc điều hành cấp cao Huawei về việc dẫn độ sang Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Chu (Wan Wanzhou) không đưa ra bình luận nào khi đến tòa án ở Vancouver hôm thứ Hai, 20/1, để điều trần theo lịch trình. Mỹ muốn đưa bà Mạnh ra xét xử về các cáo buộc bao gồm gian lận liên quan đến vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh phủ nhận mọi hành vi sai trái kể từ lúc bị bắt tại sân bay vào cuối năm 2018 ở Canada.

Vụ việc liên quan đến giám đốc tài chính của Huawei đang được theo dõi chặt chẽ ở Canada, Mỹ và Trung Quốc.

Vụ bắt giữ người thừa kế tập đoàn Huawei đã tạo ra sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Canada. Hôm thứ Hai, Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi Canada trả tự do cho bà Mạnh.

Huawei cho biết tập đoàn luôn đứng về phía bà Mạnh và khẳng định rằng bà vô tội.
Huawei cho biết tập đoàn luôn đứng về phía bà Mạnh và khẳng định rằng bà vô tội

Trong khi đó, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cho biết họ luôn đứng về phía bà Mạnh để "theo đuổi công lý và tự do".

Trong một tuyên bố được phát hành trên các nền tảng truyền thông xã hội giữa lúc phiên điều trần đang diễn ra, Huawei cho biết họ tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Canada và hy vọng phiên tòa "sẽ chứng minh sự vô tội của bà Mạnh".

Giai đoạn điều trần đầu tiên này dự kiến ​​diễn ra từ ngày 20 – 24/1 tại tòa án tối cao British Columbia ở Vancouver.

Tòa án sẽ nghe các tranh luận về việc khả năng bà Mạnh bị buộc tội ở Mỹ có được coi là một tội ác ở Canada hay không. 

Luật sư bào chữa hàng đầu của bà Mạnh - Richard Peck - tranh luận tại tòa vào thứ Hai rằng Canada thực sự được yêu cầu "thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ" và “các biện pháp trừng phạt đã bẻ lái trường hợp này”.

"Vụ án này được thành lập dựa trên các cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, mà Canada đã bác bỏ. Mỹ tuyên bố bà Mạnh có hành vi gian lận đối với ngân hàng. Đây là một lời buộc tội giả tạo".

Bộ Tư pháp Canada cho biết họ có thể hợp pháp hóa việc dẫn độ bằng cách lập luận rằng các cáo buộc của Mỹ đối với bà Mạnh vẫn bị coi là tội ác ở Canada, nếu chúng xảy ra ở nước này.

Bà Mạnh Vãn Chu tiến vào phiên tòa hôm 20/1 với phong thái khá tự tin.
Bà Mạnh Vãn Chu tiến vào phiên tòa hôm 20/1 với phong thái khá tự tin

Sức ép từ phía sau

Bà Mạnh là giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei và là con gái của người sáng Ren Zhengfei.

Bà đã được tại ngoại nhưng bị quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver, kể từ ngay sau khi bị bắt giữ vào tháng 12/2018.

Không lâu sau khi bà bị bắt, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada - Michael Kovrig, một cựu nhà ngoại giao và Michael Spavor, một doanh nhân, buộc tội cả hai là gián điệp.

Động thái của Bắc Kinh được nhiều người xem là "ngoại giao con tin" - một chiến thuật nhằm gây áp lực lên Canada để trả tự do cho giám đốc điều hành Huawei. Việc bắt giữ bị Canada và các đồng minh gọi là "tùy tiện".

Yếu tố chính trị xung quanh vấn đề

Mặc một chiếc váy đen chấm bi dài, cùng áo khoác đen, với giày cao gót của nhà thiết kế riêng, bà Mạnh Vãn Chu bước vào tòa án cùng vòng đeo theo dõi ở mắt cá chân.

Bà vẫy tay với đám đông bên ngoài tòa án khi tiến vào. Phong thái đó dường như là một phần trong chiến lược của đội pháp lý nhằm cho thấy tranh luận trường hợp này hoàn toàn là về chính trị chứ không phải hoạt động tội phạm.

Trong quá trình tố tụng, các luật sư kiến ​​nghị thẩm phán để bà Mạnh chuyển từ vị trí của tù nhân đến bàn của họ, để dễ trò chuyện cùng người phiên dịch.

Ông Ren Zhengfei ho rằng con gái mình đã chịu nhiều áp lực kể từ khi bị bắt vào cuối năm 2018.
Ông Ren Zhengfei ho rằng con gái mình đã chịu nhiều áp lực kể từ khi bị bắt vào cuối năm 2018

Trong khi đó, Hội đồng tố tụng của Canada đã cố gắng tập trung vào cáo buộc gian lận ngân hàng và lèo lái các cuộc tranh luận khỏi vấn đề chính trị xung quanh các lệnh trừng phạt Iran và mối quan hệ Mỹ-Trung.

Nhưng tránh xa các vấn đề chính trị sẽ là một trận chiến khó khăn bởi vụ việc đã kéo Canada vào tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Với quyết định cuối cùng còn ở tương lai, sự chú ý chính trị đó có thể kéo dài trong nhiều tháng tới.

Vụ bắt giữ bà Mạnh cũng dẫn đến rào cản thương mại giữa Canada và Trung Quốc, với Trung Quốc ngăn chặn hàng chục triệu USD cải dầu xuất khẩu.

Washington đã vận động các đồng minh của mình - bao gồm cả Vương quốc Anh - không sử dụng các dịch vụ công nghệ 5G của Huawei trong cơ sở hạ tầng truyền thông quan trọng, cho rằng đây có thể là mối đe dọa an ninh.

Quá trình dẫn độ hoạt động ra sao?

Nếu một thẩm phán đồng ý với các bằng chứng được đưa ra, vị này sẽ cho phép cá nhân đó được cam kết dẫn độ. Nếu không, lời buộc tội sẽ bị xóa bỏ và bị cáo được thả ra khỏi nơi giam giữ.

Ngay cả khi thẩm phán đề nghị dẫn độ, chính bộ trưởng tư pháp liên bang là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Mỹ yêu cầu các đồng minh không hợp tác với Huawei về vấn đề phát triển mạng 5G vì lý do an ninh.
Mỹ yêu cầu các đồng minh không hợp tác với Huawei về vấn đề phát triển mạng 5G vì lý do an ninh

Một phiên điều trần ​thứ hai, tập trung vào các cáo buộc lạm dụng quy trình bắt giữ và liệu các quan chức Canada có tuân thủ luật pháp trong khi bắt giữ bà Mạnh hay không, dự kiến sẽ được xét xử vào tháng 6/2020.

Rất có khả năng vụ án tổng thể sẽ kéo dài, bởi bà Mạnh luôn có những cách để kháng cáo trong suốt quá trình và một số trường hợp xét xử khả năng dẫn độ trước đây đã kéo dài trong nhiều năm.

Tấn Vĩ (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI