Dù gây không ít nhiều lo lắng cho cổ động viên nhà, cuối cùng đoàn quân của HLV Troussier cũng vào bán kết với 10 điểm, bằng với Thái Lan (Việt Nam đứng nhì bảng vì kém hiệu số bàn thắng bại).
Văn Tùng (áo đỏ) trong trận Việt Nam thắng Indonesia 3-0 tại vòng bảng SEA Games 31 ngày 6/5/2022 trên sân Việt Trì, Phú Thọ - Ảnh: Giang Huy/ VnExpress
Hòa với kình địch Thái Lan ở trận cuối vòng bảng với tỉ số 1-1, có phần do kém may mắn, HLV Troussier đã chứng tỏ rằng triết lý chơi kiểm soát bóng, chủ động tấn công, ghi bàn nhiều hơn đối thủ không phải lời nói suông, và cũng không phải là nhiệm vụ bất khả thi của các cầu thủ trẻ Việt Nam. Bằng đội hình 2 với 8 cầu thủ thường xuyên không được đá chính (trong đó có Ngọc Thắng và Huy Hoàng lần đầu tiên được ra sân) U22 Việt Nam thi đấu sòng phẳng với U22 Thái Lan.
Và hơn thế nữa trong hiệp 2, U22 Việt Nam còn dồn ép đối phương bằng những đường tấn công liên tục. Họ đã làm cho các đồng nghiệp phía Thái Lan không thể ung dung kiểm soát bóng như cách chơi thường thấy của Thái Lan, thậm chí còn làm cho “đoàn voi chiến” phải chơi tiểu xảo, chơi rắn để hạn chế những đòn hiểm của các “chiến binh rồng vàng”. Tuy vậy, Thái Lan bằng cách đưa các cầu thủ chủ chốt vào sân đã hạn chế khả năng ghi bàn của Việt Nam, đã bảo toàn được tỉ số hòa có lợi cho họ, tránh được Indonesia, tránh luôn được việc thi đấu trong khung giờ nóng bức khi được nghỉ ngơi ít hơn đối thủ cả một ngày trời.
Những mảng miếng tấn công được các cầu thủ U22 Việt Nam thực hiện trong trận đấu thật sự rất đa dạng. Họ đột phá trung lộ, họ đảo cánh, họ chồng biên, họ đánh đầu vào khung thành, họ đưa bóng cắt mặt, họ sút phạt trực tiếp, họ bắn phá từ xa… Song song đó họ pressing tầm cao, cản phá được các đường tấn công, tranh chấp cướp bóng từ chân đối thủ, bọc lót tốt cho nhau, và quan trọng là giữ sạch mành lưới (bị ghi bàn chỉ vì tai nạn trượt chân).
Khán giả thắc mắc, biểu diễn những chiêu thức “võ công thâm hậu” đó để làm gì, khi đã chủ động tạo điều kiện cho tất cả cầu thủ ra sân, tạo điều kiện cho nhiều cầu thủ chủ chốt được dưỡng sức? Đương nhiên câu trả lời chính xác chỉ có ở huấn luyện viên Troussier. Người ta đoán có thể ông muốn các học trò diễn tập lần cuối những điều đã tập trước khi bước vào 2 trận đấu loại trực tiếp. Cũng có thể ông muốn gây rối trí cho đối thủ khi chưng ra một loạt các đòn nguy hiểm khiến cho U22 Indonesia nếu muốn chống đỡ thì phải tiếp tục luyện tập trong ngày nghỉ hiếm hoi trước trận đấu.
Không thể biết được! Mỗi nhà cầm quân lỗi lạc gắn liền với một triết lý thi đấu. Ngày nay với sự giúp sức của máy móc, của công nghệ thông tin mọi huấn luyện viên đều có thể nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng đối thủ để có đối sách phù hợp cho từng trận đấu. Tuy vậy, chiêu “giấu bài” vẫn thường được các huấn luyện viên sử dụng. Chính vì thế mà ở nhiều giải đấu, các đội vào đến trận chung kết thường có những trận khởi đầu "bệ rạc", cứ như là họ đi sâu vào trong đều nhờ may mắn.
Không chỉ khán giả Việt Nam nóng lòng chờ xem các học trò của huấn luyện viên Troussier thi đấu thế nào ở trận bán kết. Trong khi ngay từ bây giờ họ ít nhiều cũng biết tại sao thiên hạ đặt cho huấn luyện viên Troussier biệt danh “phù thủy”.