So với triển lãm đầu tiên Vùng mơ (diễn ra tháng 1/2021), cuộc dạo chơi lần thứ 2 với hội họa của diễn viên Hứa Vĩ Văn - Vùng yên (Night Irene), khác biệt về ý tưởng, chất liệu thực hiện tác phẩm cho đến cách thức thiện nguyện sau chương trình. Sự khác biệt này hoàn toàn không toan tính trước, chỉ như thuận theo dòng nước chảy trôi từ dòng nhỏ (cá nhân) hòa vào con sông lớn (cộng đồng).
Phóng viên: Lần thứ 2 tổ chức triển lãm cá nhân, anh chỉ vẽ về biển, vì sao lại chọn lựa đề tài như thế?
Diễn viên Hứa Vĩ Văn: Ở Việt Nam, đường bờ biển rất dài và đẹp. Tôi thích biển và thích được thử nghiệm cách hoàn thiện một bức tranh với cát, vỏ ốc, sao biển khô. Ngoài ra, triển lãm được lấy cảm hứng một phần từ hòn đảo Santorini, Hy Lạp - nơi có nhiều kỷ niệm cá nhân với tôi.
Chữ "yên" trong "Vùng yên" ở đây có thể hiểu rằng sự bình lặng, êm ả của mặt nước, cũng có thể kết nối với mục đích chính của triển lãm để suy tưởng ra.
Lần triển lãm này, tôi trưng bày 4 bức vẽ thử nghiệm khổ nhỏ và 1 bức hoàn thiện khổ lớn (3,6x1,2m). Bức hoàn thiện sẽ được đấu giá kín. Toàn bộ số tiền thu về, tôi gây quỹ ủng hộ các chiến sĩ biên giới tại An Giang trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
|
Một trong những tác phẩm thực hiện trong giai đoạn thử nghiệm của Hứa Vĩ Văn được trưng bày theo hình thức sắp đặt, lấy cảm hứng từ hòn đảo Santorini, Hy Lạp. Phần cát được nam diễn viên đặt hàng từ đơn vị sản xuất cát cho trẻ em ở tỉnh Bình Dương, san hô được mua từ cửa hàng nuôi cá cảnh. |
* Và hội họa cũng cho anh tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, đúng chứ?
- Khi làm công việc diễn viên, tôi chịu một phần áp lực nghề nghiệp, buộc mình phải luôn ở phong độ, trạng thái tốt nhất để hoàn thành vai diễn. Cùng với áp lực từ cuộc sống bên ngoài, đôi khi, bản thân thấy cần được ngơi nghỉ. Đến lúc ngồi xuống vẽ, tôi thấy lòng được bình an, được giải khuây.
Ít người biết tôi từng học vẽ vì đã 20 năm qua, tôi không cầm cọ. Nhưng thời điểm dịch bệnh xuất hiện, trải qua khoảng thời gian giãn cách, tôi tìm lại loại hình nghệ thuật mình đã học vì không muốn bản thân có quá nhiều khoảng trống rảnh rỗi, nghĩ ngợi nên từ đó có Vùng mơ, Vùng yên.
* Sự thử nghiệm với cát, ốc biển có gây nhiều khó khăn cho anh trong qua trình hoàn thành?
- Tôi không phải họa sĩ chuyên nghiệp vì dù được đào tạo nhưng đã quá lâu, tôi không thực hành. Do đó, tôi mất khoảng 3 tuần để thử nghiệm trên 4 bức tranh nhỏ xem khi gắn các vật liệu lên có giữ được trên bề mặt. Sau quá trình này, tôi chỉ mất 2 ngày để hoàn thành bức tranh khổ lớn.
Tôi không tự hào về cách thực hiện vì trên thế giới, đã có nhiều người đính thêm phụ kiện lên tranh, tôi chỉ vui vì bản thân có sự tìm hiểu, dành công sức chờ đợi để tìm ra cách thực hiện tốt nhất. Với những người có học vẽ, hình thức thể hiện như thế không lạ.
|
3 bức tranh nhỏ được trưng bày tại triển lãm |
* Nghệ sĩ là đối tượng bị dịch bệnh ảnh hưởng khá lớn đến công việc nhưng càng những thời điểm cần cộng đồng chung tay, vai trò của người nghệ sĩ càng được nhắc đến. Anh nghĩ sao về điều này?
- Làm thiện nguyện là công việc tùy sức, tùy tâm mỗi người. Với tôi, vì không có nguồn tài chính lớn, cũng không biết cách để kêu gọi hỗ trợ hiệu quả nên chỉ làm tốt phần việc mình có thể, tức vẽ tranh và dùng tranh đó gây quỹ.
Tôi không đặt nặng chuyện mình phải kiếm được bao nhiêu mà quan trọng mình dùng số tiền đó đúng người, đúng việc. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng với cộng đồng, đây là điều không thể phủ nhận. Do đó, nếu có sẻ chia thông điệp cần cẩn trọng và lan tỏa ý nghĩ tốt đẹp, tích cực.
Đoạn clip ghi lại quá trình hoàn thành tác phẩm của diễn viên Hứa Vĩ Văn:
* Vì sao anh chọn về với các chiến sĩ biên giới An Giang để hỗ trợ sau khi triển lãm kết thúc?
- Khi nhắc về lực lượng chống dịch, nhiều người nghĩ ngay đến các bác sĩ, nhân viên y tế vì họ ở tuyến đầu. Nhưng nếu nhìn bao quát hơn, các anh bộ đội biên phòng cũng là lực lượng chủ chốt để bảo vệ sự bình yên, hạn chế các trường hợp nhập cảnh trái phép. Còn vì sao lựa chọn về với các anh chiến sĩ biên giới An Giang, đây là cái duyên sau khi chúng tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang gợi nhắc.
Sau đợt triển lãm đầu tiên, tôi bán được khoảng 15 trong tổng số 26 bức tranh, thu về được 145 triệu đồng. Số tiền này được tôi cùng ê-kíp về An Giang, trao cho học sinh nghèo hiếu học với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Thời điểm đó, các chị trong Hội có ngỏ ý nhóm đến thăm các chiến sĩ biên phòng. Khi đến thăm các anh ở 7-8 điểm chốt, thấy được hoàn cảnh sinh sống cũng như nghe những câu chuyện về cuộc đời, tôi cảm phục ý chí, tinh thần của người chiến sĩ và hẹn lần gần nhất sẽ quay lại.
|
Không gian triển lãm với bức tranh chính và 3 bức thử nghiệm |
* Về hình thức đấu giá, sao anh không chọn đấu giá trực tuyến để tìm đến nhiều người mua tiềm năng hơn?
- Tổ chức triển lãm giữa thời điểm dịch bệnh đang có chuyển biến mới, tôi và những người trong ê-kíp thực hiện gồm Toong và đơn vị giám tuyển GốcCreation tuân thủ theo thông điệp 5K, do đó hình thức đấu giá kín là phù hợp. Mỗi khách đến xem tranh nếu có nhã hứng mua, có thể điền thông tin và mức giá, gửi về lại cho nhân viên.
Tôi có nghĩ đến hình thức đấu giá trực tuyến nhưng dù sao, tôi vẫn muốn người mua được xem tận mắt tác phẩm trước khi đưa về vì hội họa chỉ thấy sự rung động khi cảm trực tiếp.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
|
Khi đặt bức tranh theo phương nằm ngang, hình ảnh ốc tạo với độ gợn của chất liệu màu tạo hình thù khá đẹp mắt - Ảnh: BTC |
|
Bức tranh Vùng yên với kích thước 3,6x1,2 của Hứa Vĩ Văn được hoàn thiện trong 2 ngày |
|
Sao biển khô được nam diễn viên mua tại các hiệu thuốc nam |
|
Không gian triển lãm nhìn từ bên ngoài |
|
Hứa Vĩ Văn dự kiến về vùng biên giới An Giang vào cuối tháng 5 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn hoặc không, anh sẽ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang để nhờ hỗ trợ |
Triển lãm Vùng yên diễn ra từ ngày 8 đến 15/5/2021 tại Không gian làm việc Toong (địa chỉ 188 Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM).
Diễm Mi