Hứa bựa và phân nửa sự thật

16/04/2018 - 07:19

PNO - Tham dự buổi ra mắt sách 'Điểm đến của cuộc đời' của tác giả Đặng Hoàng Giang, về những bệnh nhân ung thư đầy xúc động, tôi bỗng nhớ câu chuyện mà mỗi khi nhớ tới là lại… bức xúc.

Nhưng, hãy nói chuyện khác trước. Truyền thông Pháp vẫn còn lưu lại một chiến dịch quảng cáo sản phẩm mang tên Avenir. Chuyện rằng, cuối tháng 8/1981, trên các bảng quảng cáo to khắp nước Pháp xuất hiện ảnh người mẫu Myriam, với áo tắm hai mảnh đứng trên bờ biển, tay chống hông, mắt tươi vui nhìn thẳng thế gian, cùng khẩu hiệu: “Ngày 2 tháng 9, tôi sẽ cởi phần trên”.

Hua bua va phan nua su that

Thiên hạ lao xao hóng. Và vào ngày 2/9 ấy, Myriam tươi xinh quả thật đã cởi phần trên kèm khẩu hiệu: “Ngày 4 tháng 9, tôi sẽ cởi phần dưới”. Lần này thì thiên hạ vừa sốc vừa háo hức, bởi cởi khúc trên không phạm luật, nhưng cởi khúc dưới là chuyện khác.  

Thế rồi, vào ngày 4/9 ấy, Myriam cởi phần dưới thật, nhưng… xoay mông lại thế gian, với khẩu hiệu đanh thép: “Avenir, nhà quảng cáo giữ lời hứa”. Đúng là Avenir giữ lời hứa thật, thứ sự-thật-phân-nửa, ranh mãnh!

Trong máy tính của mình, chị hay giữ những thông tin/hình ảnh khiến chị quan tâm hay thấy lý thú; trong đó có ảnh của người đàn ông tên Liu, sống ở thành phố Liễu Châu, Trung Quốc. Liu kể, cuộc sống của ông bắt đầu tiêu tan - mất việc, hôn nhân tan vỡ - sau cái chết của người cha. Dù vậy, anh vẫn hứa với mẹ sẽ đứng được trên đôi chân của mình và giữ đúng lời hứa đó.

Hua bua va phan nua su that
Liu Lingchao bên căn nhà vỏ ốc của mình

Để kiếm sống, Liu làm một “căn nhà” có thể… cõng trên lưng, đi bộ vào thành phố, nhặt ve chai. Khi mỏi gối chồn chân, anh chỉ việc tìm chỗ khuất, ngồi xuống, nghỉ ngơi trong “căn nhà vỏ ốc” của mình, không tốn một xu tiền trọ. Bằng những thứ nhặt được, Liu trang hoàng cái “vỏ ốc” vui tươi hết mức và tự hào “đứng được trên đôi chân” như đã hứa với mẹ.

Nhiều năm ở Pháp, lâu lâu chị lại thấy một đoàn quan chức Việt Nam, đủ các ngành, đi “tham quan học hỏi” dưới sự tổ chức của các công ty du lịch. Theo những người chị quen biết, phần lớn thời gian của chuyến đi “học hỏi” là để tham quan những không gian kiến trúc tiêu biểu, những địa điểm mà nghe qua ai cũng biết là các khu giải trí hạng sang, nhưng cái giá vé không thấp quyết toán vào những hạng mục nào, chắc chắn là câu hỏi, nếu được đưa ra, sẽ rất khó trả lời.

Hua bua va phan nua su that

Chuyện những ngành khác, chị chỉ nghe loáng thoáng; nhưng chuyện đoàn lãnh đạo điện ảnh đi “học” ở nước Pháp năm nọ thì chị rõ lắm, bởi thân quen hầu hết thành viên. Giống như mọi chương trình tham quam do các công ty du lịch tổ chức, các đồng nghiệp của chị cũng được đi vài điểm phổ biến dành cho du khách, sau đó mới tới chương trình mang tính chuyên ngành: tiếp xúc với trung tâm điện ảnh quốc gia, thăm thư viện điện ảnh và thăm phim trường… Disneyland. 

Nhiều đoàn quan chức xứ ta từng ra nước ngoài dưới danh nghĩa đi tham quan, học tập, lại tiêu tiền vào những chốn ăn chơi. Những khoản tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân ấy sẽ được hợp thức hóa ra sao khi trở về

Nghiêm túc mà nói, vài mươi năm nữa, Việt Nam cũng chưa chắc có được một phim trường chuyên nghiệp, dù chỉ để phục vụ du khách, đến tầm mức như vậy; nhưng vẫn là phân nửa sự thật khi chữ “phim trường điện ảnh” được gạch đầu hàng uy nghi trong báo cáo tài chính của chuyến công du.

Khỏa thân tuyệt đối, đứng trên đôi chân cũng là sự thật phân nửa. Nếu khỏa thân để vui, đứng trên đôi chân để đau, thì tham quan phim trường Disneyland và vô số những sự thật phân nửa khác không biết để làm gì, gây tác hại ra sao cho xứ sở này?

Giống như các ban ngành khác, ngành giáo dục - mang danh nghèo nhất - nhiều chục năm qua cũng… bay đi khắp nước tập huấn, hội nghị tổng kết... Mọi chuyện cứ ung dung cho đến khi truyền thông lên tiếng thì một kế hoạch lên xứ thông reo mới tạm dừng. Trong lúc đó, những “trại sáng tác”, “tham quan thực tế”, “tập huấn”… - những tên gọi mỹ miều, xác đáng tiếp tục triển khai. Ai nói? Ai giám sát? Ai tổng kết?

Trở lại cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang và buổi ra mắt sách khiến nhiều người rơi nước mắt. Chị nhớ tới vụ thuốc điều trị ung thư giả và sự tàn phá thật của lương tri. Người ta đã bao che cho thuốc giả - thuốc không rõ nguồn gốc bằng những biện minh lơ lớ sự thật, cố đong đưa vụ án sang ý nghĩa hình sự kinh tế để che giấu độ bất nhân trên sự sống của đồng bào.

Đời vốn thế: ta có thể chỉnh sửa chi đó để dung mạo tươi đẹp, nhưng ta cũng là người biết rõ nhất chỗ nào mình không thật.

Việt Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI