Hủ tục bắt cóc, cưỡng hôn đè nặng lên phụ nữ Kyrgyzstan

12/09/2021 - 05:40

PNO - Đang có ít nhất là 12.000 phụ nữ vẫn bị bắt cóc và cưỡng hôn hằng năm ở Kyrgyzstan theo một hủ tục thời trung cổ. Tình trạng đáng lo ngại này được xem là rất khó để có thể chấm dứt.

Một buổi chiều cuối tuần, sau khi chơi ở nhà người dì tại làng At-Bashy, Aisuluu trở về nhà. Lúc đó khoảng 17g, một chiếc ô tô có bốn người đàn ông đi ngược chiều với cô. “Đột nhiên chiếc xe… quay lại và dừng ngay cạnh tôi. Một trong những kẻ ở phía sau thoát ra, kéo và đẩy tôi vào trong xe. Tôi la hét, đẩy đạp, khóc lóc, nhưng không thể làm gì được… Cuối cùng, một trong bốn người đàn ông trở thành chồng tôi không lâu sau đó”, Aisuluu kể.

Một cô gái 18 tuổi đeo chiếc khăn trắng tượng trưng cho sự khuất phục trước yêu cầu kết hôn của kẻ bắt cóc - ẢNH: THE GUARDIAN
Một cô gái 18 tuổi đeo chiếc khăn trắng tượng trưng cho sự khuất phục trước yêu cầu kết hôn của kẻ bắt cóc - Ảnh: The Guardian 

Đó là năm 1996, và khi ấy Aisuluu còn là một thiếu niên. Ngày nay, cô có bốn đứa con với người chồng bắt cóc mình. Hủ tục này được gọi là ala kachuu - bắt và bỏ chạy, có nguồn gốc từ thời trung cổ. Mặc dù đã bị cấm ở Kyrgyzstan trong nhiều thập niên và luật đã thông qua vào năm 2013 tuy nhiên, hủ tục này vẫn còn. 

Ala kachuu có ở tất cả nước Trung Á, nhưng đặc biệt phổ biến ở vùng nông thôn Kyrgyzstan. Dữ liệu từ Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ nước này chỉ ra rằng, mỗi năm có ít nhất 12.000 cô dâu bị cưỡng hôn. Theo họ, đàn ông bắt cóc phụ nữ để chứng tỏ bản lĩnh, tránh mất thời gian tán tỉnh và tiết kiệm tiền, của hồi môn… Sau ala kachuu, trong một số trường hợp có thể được coi là “vụ bắt cóc đồng thuận” khi một cặp đôi muốn đẩy nhanh quá trình kết hôn, các cô gái được đưa đến nhà người chồng tương lai. Các chàng trai đưa cho cô gái jooluk - một chiếc khăn choàng trắng biểu thị sự phục tùng gia đình mới của cô gái - là có thể làm đám cưới. 

Theo dữ liệu từ văn phòng UNICEF ở Bishkek, khoảng 80% các cô gái bị bắt cóc chấp nhận số phận của mình, thường là theo lời khuyên của cha mẹ. Tỷ lệ trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi có thai ở Kyrgyzstan là cao nhất trong khu vực, trong khi 13% các cuộc hôn nhân diễn ra trước 18 tuổi, bất chấp việc đó là bất hợp pháp. 

Ước tính có hàng ngàn phụ nữ bị chồng tương lai cưỡng hiếp mỗi năm và hầu hết buộc phải kết hôn với người cưỡng hiếp mình. Còn những cô gái bỏ trốn cũng có nguy cơ bị bạo lực, thậm chí tử vong. Điển hình là Aizada Kanatbekova, 27 tuổi, được tìm thấy bị siết cổ đến chết trên một cánh đồng vào đầu tháng Tư năm nay. Vụ bắt cóc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ở trung tâm thủ đô Bishkek.

Altyn Kapalova, nhà văn, nhà hoạt động nữ quyền và nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Á ở Bishkek, lên án việc thiếu sự bảo vệ của pháp luật đối với phụ nữ. “Nếu một người phụ nữ đến đồn cảnh sát để trình báo về một vụ bắt cóc, họ sẽ cười nhạo cô ấy, nói đó không phải là việc của họ, hãy về nhà giải quyết với gia đình”, bà nói. 

Vào năm 2018, một vụ án kinh hoàng đã minh chứng thái độ nhẫn tâm của các nhà chức trách. Nạn nhân là Burulai Turdaaly Kyzy, sinh viên y khoa 20 tuổi, đã bị sát hại trong đồn cảnh sát bởi kẻ đã bắt cóc cô. Tên sát thủ đâm Kyzy, sau đó khắc tên viết tắt của cô và người đàn ông mà cô định kết hôn lên cơ thể Kyzy. Thủ phạm đã bị kết án 20 năm tù. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng phần lớn các vụ bạo lực đối với phụ nữ vẫn không bị trừng phạt. 

Một nghệ sĩ đang nỗ lực nhằm có thể thay đổi hủ tục này là Tatyana Zelenskaya, người làm việc với tổ chức nhân quyền Open Line Foundation, hỗ trợ nạn nhân thông qua tư vấn pháp lý.

Zelenskaya đã tạo ra một trò chơi điện tử dành cho điện thoại thông minh (Spring in Bishkek) nhằm thuyết phục những người trẻ tuổi rằng bắt cóc không phải là một truyền thống mà là tội ác. Chỉ hơn sáu tháng, ứng dụng đã được tải xuống hơn 130.000 lần.

Trong game, người chơi chứng kiến vụ bắt cóc một cô gái và phải giải thoát cho cô ấy với những gợi ý từ các nhà tâm lý học, nhà báo cũng như các số điện thoại thực có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. “Ý tưởng này làm cho các cô gái hiểu rằng họ là người làm chủ vận mệnh của mình. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp phái nữ hiểu nhiều hơn về giá trị bản thân”, Zelenskaya nói. 

Thảo Nguyễn (theo The Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI