Hủ tục "bắt cóc cô dâu" ám ảnh hàng ngàn thiếu nữ Kyrgyzstan

11/06/2021 - 05:14

PNO - Ở một quốc gia thuộc khu vực Trung Á, người ta vẫn duy trì hủ tục "bắt cóc cô dâu" và cưỡng hôn khiến hàng ngàn phụ nữ phải trốn chạy khỏi quê hương để tự giải thoát.

Tục cướp cô dâu là một tồn tại nhức nhối ở một số nơi trên thế giới như khu vực châu Phi hạ Sahara, vùng Caucasus và Trung Á.

Đặc biệt, ở khu vực nông thôn của Kyrgyzstan, nơi có tới hơn 60% dân số sinh sống, cứ 3 cuộc hôn nhân lại có một cuộc cưỡng hôn.

Một cô gái 20 tuổi người Kyrgyzstan bị đám đông nhà trai bắt cóc ngay khi cô đang trên đường đến trường. Cô chỉ mới gặp người thanh niên kia được 2 lần trước đó - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos
Một cô gái 20 tuổi người Kyrgyzstan (áo hồng) bị đám đông nhà trai bắt cóc ngay khi cô trên đường đến trường. Cô chỉ mới gặp người thanh niên kia được 2 lần - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos

Mặc dù việc cướp cô dâu là hành vi vi phạm pháp luật kể từ năm 1994 nhưng thường xuyên xảy ra ở nông thôn khiến nhiều phụ nữ trẻ phải chọn cách ly hương để né tránh những cuộc cưỡng hôn đáng sợ này.

Là một nước Trung Á với dân số chỉ 6,5 triệu người, thế nhưng Kyrgyzstan lại là một trong những quốc gia tai tiếng nhất trên thế giới vì nạn bắt cóc cô dâu cùng những “phi vụ” được thực hiện ngay giữa ban ngày ở nơi công cộng.

Cảnh một nhóm thanh niên phục sẵn ở nơi mà cô gái trẻ đã được một người trong nhóm “chấm” trước thường hay lui tới, sau đó xông ra bế thốc cô gái đưa lên xe ô tô chạy đi mặc kệ tiếng la hét khóc lóc cầu cứu đã trở nên quen mắt với người dân địa phương.

Hàng chục ngàn thiếu nữ Kyrgyzstan bị bắt cóc và ép buộc kết hôn mỗi năm - Ảnh: World Justice Project
Hàng chục ngàn thiếu nữ Kyrgyzstan bị bắt cóc và ép buộc kết hôn mỗi năm - Ảnh: World Justice Project

Nạn nhân bị đưa đến nhà của kẻ bắt cóc, nơi những người phụ nữ trong gia đình sẽ gây áp lực, buộc cô gái phải chấp nhận làm đám cưới với người mà mình không hề có tình cảm, hay thậm chí là không quen biết. Nhiều cô gái còn bị “chú rể hờ” cưỡng hiếp hoặc bạo hành thể xác lẫn tinh thần để ép buộc họ phải thành thân.

Cũng có những cô gái được cha và người thân đến giải cứu nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Người ta vẫn có quan niệm rằng, một khi đã bị bắt về nhà người khác thì đồng nghĩa với việc cô gái đã trở thành “con nhà người ta”. Vì vậy, thà để cô gái lấy người không yêu còn hơn là tìm cách đưa về để sau đó bị xóm giềng gièm pha, đàm tiếu là “đàn bà đã vướng một đời chồng”.

Người phụ nữ lớn tuổi phía gia đình chú rể hờ đang ép buộc cô gái vừa bị bắt cóc về phải mang chiếc khăn quàng cổ màu trắng, biểu tượng của một người phụ nữ vừa lấy chồng - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos
Người phụ nữ lớn tuổi phía gia đình chú rể "hờ" đang ép buộc cô gái vừa bị bắt cóc phải mang chiếc khăn quàng cổ màu trắng, biểu tượng của một người phụ nữ vừa lấy chồng - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos

Điều đáng nói, phần lớn phụ nữ lớn tuổi lại không cho rằng tục cướp vợ là điều đáng lên án.

“Đây là một phong tục có từ xa xưa”, một phụ nữ 60 tuổi nói. “Tôi cũng từng kết hôn theo cách ấy và giờ đây chúng tôi vẫn sống vui vẻ hạnh phúc”.

Thế nhưng thế hệ trẻ hơn lại có quan điểm trái ngược và tỏ thái độ không chấp nhận hành vi bắt cóc cô dâu mà họ cho là “hủ tục”, hay thậm chí là “cơn ác mộng” bởi đã có nhiều cô gái trẻ bị sát hại chỉ vì cự tuyệt những cuộc cưỡng hôn.

Phụ nữ Kyrgyzstan xem những cuộc cưỡng hôn này không khác gì những cơn ác mộng khủng khiếp - Ảnh: Vyacheslav Oseledko/AFP
Phụ nữ Kyrgyzstan xem những cuộc cưỡng hôn này không khác gì "những cơn ác mộng" - Ảnh: Vyacheslav Oseledko/AFP

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã từng đưa ra con số ước tính hơn 15,4 triệu phụ nữ trên thế giới phải chấp nhận những cuộc hôn nhân cưỡng bức; riêng Kyrgyzstan có khoảng 12.000 phụ nữ.

Hậu quả của hủ tục này rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến người phụ nữ như: Thất học, bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, lao động quá sức, buôn bán người…

Thậm chí, kết quả của cuộc khảo sát ở Kyrgyzstan mới đây còn cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh non ở các cặp vợ chồng này cao một cách đáng ngại, mà nguyên nhân chủ yếu là do người mẹ bị căng thẳng, lo âu quá mức dẫn đến trầm cảm trong thời gian thai sản.

Những hệ lụy nặng nề từ những cuộc bắt cóc cô dâu và cưỡng hôn khiến phụ nữ Kyrgyzstan phải tìm cách chạy trốn khỏi quê hương của mình - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos
Hệ lụy nặng nề từ những cuộc bắt cóc cô dâu và cưỡng hôn khiến phụ nữ Kyrgyzstan phải tìm cách chạy trốn khỏi quê hương của mình - Ảnh: Noriko Hayashi/Panos

Để có thể thoát khỏi những cơn ác mộng mang tên “cưỡng hôn”, nhiều cô gái trẻ ở các vùng nông thôn của Kyrgyzstan đã chọn cách ly hương. Họ đến những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi hủ tục bắt cóc cô dâu, hay thậm chí sang các nước láng giềng để kiếm việc làm và mưu sinh.

“Tôi phải tự giải thoát bằng cách tìm đến một nơi mới để bắt đầu một cuộc đời mới”, một phụ nữ 22 tuổi vừa ly dị người chồng thường xuyên bạo hành mình cho biết. Cô là nạn nhân của một vụ bắt cóc cô dâu khi mới 18 tuổi, và giờ đây cô làm công nhân trong một nhà máy ở Nga.

Nguyễn Thuận 

(theo Conversation, Eurasianet, Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI