Hũ dưa chờ tết

25/01/2025 - 10:04

PNO - Có lẽ vì phải gom góp, nâng niu từng chút một nên dưa góp ngày xưa hình như đậm đà hương vị hơn chăng?

Tôi tìm “dưa góp” trên Google. Kết quả hiện ra tức thì: “Dưa góp là một món ăn kèm được muối chua chua ngọt ngọt rất thơm ngon. Dưa góp thường được ăn cùng với các món rán như nem rán, thịt rán, thịt nướng… các món bánh như bánh xèo, bánh tráng…”. Không có kết quả nào giải thích rõ tại sao lại có cái tên “dưa góp”.

Riêng với tôi và có lẽ với cả những người dân quê tôi, chúng tôi chọn cho mình cách giải thích sát nghĩa nhất: có lẽ món dưa mang tên “góp” đơn giản vì nguyên liệu dùng muối dưa được góp nhặt từ đôi bàn tay tần tảo sớm khuya của những người phụ nữ, ngay khi tết còn cách cả tháng mới tới. Món dưa góp của các bà, các chị quê tôi khá giống với dưa món của người Bắc, nhưng không hiểu sao họ vẫn gọi bằng cái tên dưa góp, có lẽ là hàm ý gom góp, chắt chiu.

Những mẻ rau củ phơi khô được chuẩn bị, để dành từ trước tết để làm dưa - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những mẻ rau củ phơi khô được chuẩn bị, để dành từ trước tết để làm dưa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng Chạp về, dì Út tôi sẽ dạo quanh vườn, chọn những trái đu đủ xanh ngon nhất đem về cắt gọt. Dì thường múc một thau nước đầy, lượm cục phèn bằng cườm tay bỏ vô thau chau qua, chau lại vài lượt. Đu đủ xanh cắt cuống, gọt hết lớp vỏ xanh rồi xắt thành từng lát mỏng vừa ăn, thả vô ngâm. Khi đu đủ sạch nhựa, dì vớt từng miếng ra phơi trên mấy cái sàng đan bằng cọng tre. Chỉ sau chừng vài buổi nắng, những miếng đu đủ xanh mọng hôm rồi đã trở nên quắt queo, héo hắt, có miếng còn khô cong. Dì Út gom hết đu đủ khô vào bịch ni lông cột chặt, treo lên chái bếp.

Cũng với các công đoạn chế biến đu đủ như trên, dì gom góp thêm củ cải trắng, cải bẹ, cà rốt, su hào, củ kiệu phơi khô. Ngày đó, chợ thì xa, chuyện mua bán không thuận tiện như bây giờ. Dì thường phải gửi tiền cho ghe hàng nhờ mua trên chợ thị xã. 1 nhà mua ít, ghe không chịu lấy, vậy là dì góp tiền chung với mấy chị em quanh xóm cùng mua. Mà đâu phải mua 1 lần là xong. Hôm thì chợ có cà rốt, hôm khác mới có củ kiệu ngon, hôm khác nữa mới có su hào…

Mà thời còn nghèo, nhà nào cũng ráng làm nhiều dưa góp để còn có cái đem biếu họ hàng, anh em làm quà tết - vừa rẻ tiền lại vừa thể hiện tình nghĩa với nhau. Cóp nhặt dần dà như vậy suốt gần 1 tháng mới đủ. Nhờ lo xa, mua sớm trước tết nên họ thường mua được rau củ giá mềm hơn nhiều so với những ngày cận tết. Những bịch rau củ khô cứ thế nhiều dần, treo lủ khủ, chờ ngày chế biến.

Đến khi bọn trẻ chúng tôi được nghỉ tết, thường là khoảng 23 tháng Chạp, dì Út mới bắt đầu công đoạn muối dưa. Chọn cái nồi vừa vặn, dì bắc lên bếp. Đổ nước mắm vô nồi, thêm đường, bột ngọt và nước lọc theo tỉ lệ bí mật mà chỉ có dì mới biết. Tất cả được nấu trên bếp cho đến khi hòa tan hoàn toàn thì nhắc xuống, để nguội.

Trong lúc chờ hỗn hợp mắm đường nguội, dì khéo tay xếp trộn các loại rau củ khô vào một hàng keo thủy tinh rồi mới đổ hỗn hợp mắm đường vào cho ngập. Để dưa không bị nổi lên trên mà không kịp thấm, dì dùng mấy nan tre lèn chặt bên trên. Chỉ chừng 3 hôm thôi, những miếng đu đủ, su hào, cà rốt, củ cải quắt queo đã ngấm nước phổng phao, hấp dẫn với nhiều màu sắc hòa trộn: màu xanh của đu đủ, màu trắng của su hào, màu vàng của cà rốt, màu đỏ của ớt trái…

Thời bây giờ, kể chuyện gom góp rau củ cho hũ dưa chờ tết nghe thật xa vời. Với những bà nội trợ đảm đang còn thích tự tay làm thì khâu chuẩn bị nguyên liệu chắc chỉ tốn vài chục phút ghé siêu thị là có đủ, không thiếu thứ chi. Ai muốn nhanh hơn thì đã có đủ nhãn hiệu dưa món, dưa góp, dưa chua bán đầy cửa hàng, quầy sạp.

Có lẽ vì phải gom góp, nâng niu từng chút một nên dưa góp ngày xưa hình như đậm đà hương vị hơn chăng? Hay chính tình cảm, ân tình của người muối dưa đã thả vào món ăn bình dị một dư vị riêng mà chỉ những ai từng sống ở cái thời thiếu thốn ngày xưa mới cảm nhận được?

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI