Hũ chìm, dìm cuộc đời

06/10/2016 - 14:37

PNO - Đến khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy vào lúc cao điểm, dễ dàng thấy tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người. Nhiều người bị tai nạn, bê bết máu mà miệng vẫn la hét, tay chân đấm đá vì còn trong cơn say.

LTS: Tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 300 triệu lít rượu mỗi năm, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan), đứng thứ 10 khu vực châu Á và thứ 29 trên thế giới trong các quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới (theo nghiên cứu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, công bố vào cuối tháng 8/2016).

Đặc biệt, đàn ông Việt đang dẫn đầu toàn cầu về nhậu nhẹt với 77% nam giới trưởng thành có sử dụng rượu bia (tính chung thế giới là 48%) và gần nửa số này đang uống ở mức gây nguy hại.

“Kỳ tích đen” này không chỉ phá vỡ các quy phạm đạo đức xã hội, mà còn làm băng hoại giá trị đạo đức gia đình khi nạn nhậu nhẹt trở thành “bóng ma” bủa vây hạnh phúc gia đình. Bạo hành gia đình, chồng đánh vợ, con giết cha, gia đình tan nát chỉ vì ma men đã đến mức báo động.

Diễn đàn Bóng ma bia rượu do báo Phụ Nữ tổ chức nhằm gióng lên tiếng chuông khẩn thiết, kiên quyết nói không với nạn rượu bia để cứu lấy hạnh phúc gia đình. Mời bạn đọc chia sẻ những câu chuyện, tâm sự của mình về địa chỉ: noikhongvoibiaruou@baophunu.org.vn

Vui đâu chẳng thấy…

Đến khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy vào lúc cao điểm, tầm 20g đến 2g sáng, dễ dàng thấy tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người cùng những hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Nhiều người bị tai nạn, bê bết máu mà miệng vẫn la hét, tay chân đấm đá vì còn trong cơn say.

Mỗi ngày, trung bình khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy tiếp nhận 300-350 ca, trong đó không ít ca có nguyên nhân trực tiếp từ bia rượu. Tám tháng đầu năm, khoa này tiếp nhận trên 12.000 ca tai nạn giao thông, trong đó 8.500 ca chấn thương sọ não, ghi nhận số bệnh nhân có rượu là 256 người.

Hu chim, dim cuoc doi
BS Vũ Đình Vương (Trưởng khoa Nội trú BV Tâm thần TP.HCM) thăm khám, động viên tinh thần bệnh nhân Lê Công H.

BS Phạm Văn Khiêm, Phó khoa Cấp cứu nhận định: số ca thực tế có liên quan đến bia rượu lớn hơn rất nhiều vì đối với những trường hợp có biểu hiện say xỉn, nghe hơi thở có mùi bia rượu, bác sĩ mới thử nồng độ cồn chứ không kiểm tra đại trà.

Hơn nữa, đây là BV tuyến cuối nên từ các tỉnh thành khác chuyển đến, trải qua thời gian khá lâu, có khi bệnh nhân đã không còn nồng độ cồn. Và con số không hề nhỏ là bệnh nhân tuy không dùng rượu bia nhưng là nạn nhân của người sử dụng rượu bia lưu thông bạt mạng trên đường.

Không thể kể hết những tổn hại, những nỗi đau từ một phút “trăm phần trăm”. Anh Trần Văn S. (27 tuổi, công nhân KCN Tân Bình, TP.HCM) về quê ở Kiên Giang, chở người anh họ đi thăm thú họ hàng khi đã quá chén, quên đội mũ bảo hiểm. Không làm chủ tốc độ, khi xuống dốc cầu, tông thẳng vào dải phân cách, anh S. bị chấn thương sọ não, hôn mê.

Dù các bác sĩ đã cứu được tính mạng nhưng anh phải sống thực vật. Cha anh phải nghỉ buôn bán để chăm sóc anh và đứa con nhỏ, gia cảnh đã nghèo càng thêm khó. Không chịu nổi vất vả, nợ nần, mới đây người vợ trẻ đã ôm con đi biệt.

Theo ThS-BS Hồ Tấn Phát (Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Chợ Rẫy), uố ng bia, rượu, người ta thườ ng chỉ nghĩ đến "bệnh gan" nhưng thực tế , bia rượu là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều bệnh: viêm loét dạ dày - tá tràng; viêm tụy cấp, viêm tụy mạn tính; bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp; ung thư vùng miệng, thực quản, đại tràng...

Phụ nữ mang thai sử dụng bia rượu dù một lượng nhỏ cũng có thể gây bệnh tật cho thai nhi. Đặc biệt đối với gan, chất acetaldehyd trong thức uống có cồn gây tổn thương tế bào gan. Mức độ diễn tiến của bệnh từ nhẹ đến nặng, từ gan nhiễm mỡ đơn thuần, đến viêm gan do thoái hóa mỡ, đến xơ gan với các biến chứng nguy hiểm: xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan (hôn mê do bệnh gan), hội chứng gan thận, và có thể ung thư gan.

Bệnh gan do rượu giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không biểu hiện ra bên ngoài, nhiều trường hợp chỉ phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu để bệnh diễn tiến đến giai đoạn muộn - phù chân, bụng có nước, vàng da, vàng mắt, sạm da, xuất huyết dưới da... điều trị rất khó khăn, tốn kém mà hiệu quả rất hạn chế. Biện pháp duy nhất, triệt để hiện nay là ghép gan.

Người bị bệnh gan do rượu nếu bị nhiễm thêm vi rút viêm gan B hoặc C, hút thuốc lá nhiều, béo phì… có thể làm bệnh diễn tiến nhanh hơn. Thêm nữa, bệnh nhân nghiện rượu thường không tuân thủ tốt chế độ điều trị của bác sĩ. Một số bệnh nhân vào viện trong trạng thái rối loạn tri giác, kích thích, vật vã (do sảng rượu) phải rất khó khăn mới cắt được cơn.

TS-BS Phạm Thị Thu Thủy (Trưởng khoa Gan Trung tâm Y khoa Medic, cho biết: “Trên toàn cầu, rượu là nguyên nhân quan trọng gây bệnh gan, chiếm 3,8% nguyên nhân tử vong. Một khi lượng rượu tiêu thụ vượt quá giới hạn (ước tính khoảng 80g/ ngày cho đàn ông, 20g/ngày cho phụ nữ) thì nguy cơ nhiễm độc gan gia tăng đột ngột. Đàn ông bị xơ gan khi uống 160g rượu/ngày trong tám năm. Nữ thì nhạy rượu hơn, chỉ cần uống khoảng 20g/ngày cũng có thể xơ gan trong 10 năm”.

Tiêu sầu... tiêu luôn cuộc đời

Là tập quán, là bản lĩnh, là niềm vui… từ bao giờ, rượu được xem là chất kết nối giữa người và người trong các cuộc gặp gỡ. Dần dà, không cần có ai khác, một mình cũng uống.

Vô vàn trường hợp dở khóc dở cười, có “đệ tử Lưu Linh” khi đi ngủ phải thủ theo chai rượu ở đầu giường, để sẵn ống hút, nửa đêm thức giấc nhấp nhấp vài hơi. Có ông sĩ quan hết giờ trực là tranh thủ uống rượu và bị nghỉ hưu non vì mất sức khỏe. Tiền lương hưu của ông, bà vợ phải lãnh thay và đem giấu. Hễ bòn được chút tiền, ông đi thẳng ra lò rượu, mua một ca, ực tại chỗ. Về đến nhà lại quay ra, mua tiếp, không tiền thì mua thiếu. Ông chỉ thực sự bỏ rượu khi… qua đời ở tuổi 56.

Sáu tháng đầu năm 2016, BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận gần 100.000 ca khám, trong đó có 1.087 ca có các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu (nam giới chiếm 1.045 người). Do lên cơn đập đá đồ đạc, hành hung người nhà để đòi tiền mua rượu, bệnh nhân Nguyễn Văn L. (50 tuổi, làm nông, ngụ tỉnh Đăk Lăk) được đưa vào BV Tâm thần TP.HCM, sau nhiều lần lui tới các bệnh viện chuyên khoa tâm thần khác.

Tiếp xúc chúng tôi với đôi mắt dại dại, thất thần, ông L. cho biết, ông đã uống rượu từ năm… học lớp 4, khi bắt đầu đi mua rượu giúp ông nội. Do được ông nội cưng chiều nên ông L. có thể uống rượu thoải mái từ bé, thậm chí quần của ông L. được may thêm túi đựng chai rượu.

Cùng với thâm niên uống rượu như nước lã của ông, đất rẫy hương hỏa lần lượt đội nón ra đi. Con gái ông học đại học phải vay tiền. Dù miệng nói thương vợ con lao đao nhưng ông nhậu vẫn nhậu.

Từ cú sốc cha mẹ chia tay, anh Lê Công H. (ngụ H. Bình Chánh, TP.HCM) tìm quên trong rượu. Làm thợ điện, H. thường xuyên theo công trình xa nhà, thiếu vắng tình thương nên tối nào cũng mượn hơi men dỗ giấc.

Rượu vào, cơn sầu ập đến, H. mặc cảm, tủi buồn phận mình không được sống trong gia đình đầy đủ cha mẹ, việc làm bấp bênh, không cô gái nào thèm ngó đến. Đã nhiều lần H. nghe tiếng thúc giục “chết đi cho rồi, chết đi cho rồi!”. Hỏi về ước mơ, anh H. nói: “Tui ước mơ mẹ tui mạnh khỏe hoài. Bà thương tui lắm, mua rượu cho tui uống suốt”!

Bệnh nhân Trần Ngọc T. (37 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) vốn là y tá của một bệnh viện lớn, có vợ là bác sĩ. Những lúc nhàn rỗi, T. chén tạc chén thù với bạn bè, đồng nghiệp, thường xuyên nhậu tại phòng làm việc.

Một tối, ở tại nhà, T. tự dưng nghe tiếng rì rầm rồi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà lạ đứng ngay cửa, trong khi các thành viên khác không hề nghe thấy gì. Sáng hôm sau, đi làm bình thường, sau khi đo huyết áp cho bệnh nhân, T. bất ngờ nghe tiếng nhạc phát ra từ áo blouse trắng của mình. Cởi bỏ áo blouse thì vẫn nghe văng vẳng tiếng nhạc ấy từ chiếc áo sơ mi.

BS Trịnh Tất Thắng (Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM) phân tích, các chất độc của rượu vào cơ thể ngăn chuyển hóa hấp thu vitamin nhóm B làm cơ thể phù nề, chết các tế bào, chết cả tế bào thần kinh, tổn hại đến não bộ, viêm dây thần kinh ngoại vi…

Với người nghiện rượu mạn tính, tinh thần không tỉnh táo, trí nhớ giảm, lẫn lộn và vì quên nên bịa chuyện linh tinh, sai sự thật; định hướng không gian thời gian bị rối loạn, lú lẫn; không còn đáp ứng được công việc, càng sinh ức chế, buồn chán. Có khi bệnh nhân bị ảo giác, nghe, thấy, cảm giác những điều không có trên thực tế.

Người nghiện rượu mạn tính dễ sinh hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông (cùng với khả năng quan hệ tình dục giảm); dễ lo âu, mất ngủ, trầm cảm. Khi đó, nhân cách con người tha hóa, sa sút, mối quan hệ gia đình gãy đổ, là gánh nặng cho xã hội.

Đối với trường hợp nghiện rượu cấp - say rượu: tùy lượng rượu sử dụng, cơ thể có thể từ lơ mơ, ý thức giảm, các phản xạ giảm đến người ngây dại, quờ quạng, thậm chí có thể chết do hôn mê. Chưa kể rượu là chất kích thích, kích động, khiến ta không kiểm soát được hành vi, ý thức mù mờ dễ đưa đến đâm chém bạn nhậu, đánh vợ con, có hành vi phi pháp.

Hệ lụy của bia rượu còn để lại các thế hệ sau. Ở châu Âu có nghiên cứu những đứa con “ngày thứ Bảy” (cuối tuần nhậu nhẹt, quan hệ tình dục) thì noãn, tinh trùng kém chất lượng, con sinh ra dễ bị chậm phát triển tâm thần, dễ bị dị tật.

Tô Diệu Hiền

Hiện đã có một số loại thuốc cai rượu, giúp hạn chế cảm giác thèm rượu hoặc làm ngưng, ức chế quá trình hủy chất độc trong rượu khiến nồng độ chất độc sinh ra càng nhiều gây ói mửa, đau đớn, khiến người uống sợ mà từ bỏ - liệu pháp “lấy độc trị độc”.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc rất khó, phải theo dõi nội trú và cũng không thể dùng thuốc lâu dài. Ngay cả trường hợp cai thành công thì nguy cơ tái phát cũng rất cao vì nhân cách người nghiện đã sa sút, thiếu ý chí; gia đình không đủ kiến thức và sự kiên nhẫn; môi trường bia bọt đầy cám dỗ.

Ở Việt Nam chưa có trung tâm cai rượu đầy đủ cơ sở, bài bản về thuốc men lẫn hỗ trợ tâm lý, giáo dục. Số ít người dùng biện pháp cai dân gian, hỗ trợ bằng phương pháp Đông y. BV Tâm thần TP.HCM chưa có dịch vụ cai rượu, chỉ điều trị loạn thần do rượu. Động lực chính là ở bản thân người nghiện quyết tâm thay đổi.

BS Trịnh Tất Thắng (GĐ BV Tâm thần TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI