Hư cấu nhân vật lịch sử: Đâu là giới hạn?

06/04/2020 - 07:29

PNO - Nghệ thuật là phải hư cấu, tùy từng thể loại phim mà tỷ lệ hư cấu sẽ khác nhau. Nhưng hư cấu đó phải trên tinh thần giữ nguyên tính chất lịch sử, thời đại

Nếu không có hư cấu, một tác phẩm phim ảnh sẽ thiếu đi sự hấp dẫn. Thế nhưng hư cấu thế nào, hư cấu đến đâu, đặc biệt với một bộ phim lấy cảm hứng từ những nhân vật, sự kiện lịch sử có thật, là câu hỏi không dễ có lời đáp.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Sau thời gian im ắng, vấn đề giới hạn của việc hư cấu lịch sử một lần nữa được xới lên bởi “cơn sốt” của phim Phượng khấu. Qua 5/11 tập phim đã phát, Phượng khấu đang gây tranh cãi xung quanh chuyện hư cấu các sự việc liên quan nhân vật lịch sử có thật, điển hình là Nhân Tuyên hoàng thái hậu.

Trailer phim Phượng khấu:

Tất cả xuất phát từ tình tiết tập 3 có cảnh Nhân Tuyên hoàng thái hậu nghe Trắc cơ Phương Nhậm hiến kế triệt hạ ba mẹ con bà phi Ngô Ngọc Kiều. Kết quả là xảy ra vụ phóng hỏa ở Thanh hạ thư lâu khiến ông hoàng Hồng Thụ bị chết cháy, còn ông hoàng Miên Uyển - con trai bà phi bị phán là thủ phạm. Việc hư cấu một bậc mẫu nghi thiên hạ vì tranh quyền với con dâu nên thông đồng với cháu dâu giết hại chắt của mình vấp phải phản ứng của người xem bởi bóp méo lịch sử, xuyên tạc hình tượng của Nhân Tuyên hoàng thái hậu.

Tình tiết hư cấu hai ông hoàng Miên Áo và Miên Uyển trong phim nhận hình phạt lưu đày, vĩnh viễn không cho về kinh thành vì phạm tội khi quân cùng với mẹ - bà phi bị cho là hiền Ngô Ngọc Kiều - trong khi thực tế Miên Áo theo hầu vua đến tận thời Tự Đức, cũng gây ra nhiều thắc mắc vì sai lịch sử.

Việc xem các tình tiết, câu chuyện, nhân vật trong phim rồi đem đối chiếu với lịch sử là tâm lý thường gặp của khán giả khi thưởng thức những tác phẩm có yếu tố lịch sử. Thói quen này từ lâu đã trở thành rào cản khiến các nhà làm phim luôn bị chùn tay mỗi khi muốn đem đến sáng tạo nghệ thuật trong những câu chuyện liên quan đến lịch sử. Đó cũng là lý do khiến dòng chảy phim Việt luôn vắng bóng các bộ phim đề tài lịch sử, và phim nào ra mắt cũng đều khiến dư luận “nổi sóng” vì tính sát sử theo cả hai nghĩa của từ này.

Phim Phượng Khấu gây ra không ít tranh cãi về mặt lịch sử
Phim Phượng khấu gây ra không ít tranh cãi về mặt lịch sử

Có thể thấy phần đông khán giả và cả một số nhà sử học, chuyên gia lịch sử nghiêng về quan điểm phim lịch sử phải tôn trọng 100% sự thật. Trong khi đó, ở góc độ những người làm nghệ thuật, phim truyện cho dù thuộc thể loại chính sử hay dã sử cũng cần có những thêm thắt, hư cấu để tăng tính hấp dẫn. Xung đột giữa hai quan điểm này đã tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan cho việc hư cấu nhân vật lịch sử, và đặt ra bài toán khó về biên độ cho phép việc hư cấu này.

Quan trọng là sự hợp lý 

Nói về giới hạn hư cấu trong một bộ phim lịch sử, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, người từng thành công với phim truyền hình Ngọn nến hoàng cung, nêu quan điểm: “Nghệ thuật là phải hư cấu, tùy từng thể loại phim mà tỷ lệ hư cấu sẽ khác nhau. Nhưng hư cấu đó phải trên tinh thần giữ nguyên tính chất lịch sử, thời đại. Với những nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử thì càng có nhiều góc nhìn khác nhau càng hay. Nhưng với các nhân vật mà vai trò của họ có tác động lớn đến lịch sử, được chính sử lưu lại, thì cần tôn trọng, muốn hư cấu cũng phải dựa trên cơ sở những gì đã nghiên cứu, để từ đó tìm ra cách suy diễn logic. Làm được vậy mới thuyết phục người xem”.

người xem bởi bóp méo lịch sử, xuyên tạc hình tượng của Nhân Tuyên hoàng thái hậu.
Người xem Phượng khấu phản ứng khi cho rằng hình tượng của Nhân Tuyên hoàng thái hậu bị bóp méo, xuyên tạc .

Biên kịch Văn Lê, tác giả hai kịch bản phim đề tài lịch sử là Long Thành cầm giả ca và Mỹ nhân, cũng đồng tình: “Lịch sử giống như một điểm, người sáng tác phải xoay quanh nó theo một quỹ đạo chứ không thể thoát khỏi điểm đó được. Cái hay của người sáng tác là biết bám vào những cứ liệu lịch sử, nhưng phải tìm ra những “khoảng trống” mà lịch sử không nhắc đến để phóng tác. Tuy là “phăng” tình tiết, nhưng cũng phải dựa trên việc phân tích sự kiện một cách logic, để người xem thấy thuyết phục với cách lý giải đó. Không nên “phăng” quá xa, quá phi lý khiến khán giả có cái nhìn lệch lạc. Giới hạn của việc hư cấu này được điều chỉnh tùy trình độ, sự cảm nhận của biên kịch”.

So với dòng phim lịch sử của các nước bạn, phim ảnh Việt thua kém cả về lượng lẫn chất. Thể loại này vẫn còn khá mới mẻ với người xem, nên xảy ra tranh cãi là điều tất yếu. Huống hồ trình độ biên kịch của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, không chỉ với phim lịch sử, mà còn với cả những thể loại, chủ đề khác. 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI