Hư cấu, đừng làm hư nhân vật có thật

25/06/2022 - 17:59

PNO - Ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy bất bình khi hình ảnh của họ được xây dựng trong "Em và Trịnh" không đúng sự thật. Điều này cho thấy rất cần cân nhắc để việc hư cấu nhân vật có thật không làm hư nguyên mẫu.

Bất chấp doanh thu ngày càng tăng, bộ phim Em và Trịnh hiện vẫn gây tranh cãi không dứt về cách khắc họa chân dung các nhân vật có thật - nhất là hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chưa dừng ở đó, mấy ngày nay cuộc tranh cãi ngày còn bùng nổ hơn khi ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy đã bày tỏ thái độ bất bình khi hình ảnh của họ được xây dựng trên phim không đúng sự thật, dễ gây hiểu lầm.

Chân dung ca sĩ Thanh Thúy trong hpim cũng bị người thật bất bình vì khắc họa sai lệch
Ca sĩ Thanh Thúy bất bình khi hình ảnh mình trong phim bị khắc họa sai lệch

Trên thế giới, việc một bộ phim dạng tiểu sử bị nguyên mẫu chỉ trích không còn lạ, thế nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên, vì Em và Trịnh là tác phẩm mở đường cho dòng phim này. Dù hiểu rằng phim ảnh cần hư cấu để hấp dẫn, nhưng khó có thể không đồng tình với quyền được lên tiếng của hai nữ danh ca. Bởi những tình tiết hư cấu trên phim không chỉ trái sự thật mà còn tạo ra nhận thức lệch lạc, méo mó về mặt tính cách, đạo đức nguyên mẫu.

Bùi Lan Hương hóa thân thành ca sĩ Khánh Ly nhận được nhiều lời khen của khán giả
Vào vai ca sĩ Khánh Ly, Bùi Lan Hương nhận được nhiều lời khen của khán giả

Phải dung hòa giữa hai yếu tố sự thật và hư cấu, các nhà làm phim tiểu sử luôn ở vào thế khó. Không phải là tác phẩm tài liệu, do đó, với phim tiểu sử, không thể bắt buộc mọi thứ trên phim phải có thật. Tuy nhiên, cũng không thể hư cấu quá xa sự thật, nhất là khi tên thật của các các nhân vật đều được giữ nguyên. Người làm phim có quyền lựa chọn giữ lại các chi tiết cũng như sáng tạo thêm thắt nội dung để thu hút người xem. Nhưng nguyên tắc sống còn là phải tham khảo ý kiến của nguyên mẫu còn sống, vì người làm ra sản phẩm văn hóa trước hết phải cư xử có văn hóa: tôn trọng nhân vật mình muốn kể.

NSUT Trần Lực hóa thân thành Trịnh Công Sơn
NSƯT Trần Lực vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Có thể không cần nhất nhất tuân theo mọi ý kiến phê duyệt của các nguyên mẫu để tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, nhưng cũng không thể nhân danh quyền sáng tạo nghệ thuật để khiến người xem hiểu sai về nguyên mẫu, nhất là khi cái sai đó liên quan đến khía cạnh đạo đức. Ca sĩ Khánh Ly phản bác chi tiết đút sữa chua cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ăn, hay Khánh Ly ôm Trịnh Công Sơn khi ở B'lao không phải chỉ vì những chuyện này không có thật, mà còn vì các chi tiết này làm sai lệch mối quan hệ thật sự giữa hai người cũng như tổn hại nhân phẩm của bà.

Ca sĩ Khánh Ly (phải) bất bình vì cách khắc họa bà trong phim Em và Trịnh
Ca sĩ Khánh Ly (phải) bất bình vì cách khắc họa hình ảnh bà trong phim Em và Trịnh

Rõ ràng, khi nền tảng hiểu biết về nhân vật thật chưa thật đầy đặn thì chỉ một hư cấu nhỏ, một tiểu tiết tưởng chừng không có gì nghiêm trọng cũng có thể làm xấu đi hình ảnh nguyên mẫu. Khi đó, không thể dùng hư cấu để làm cái cớ phủ quyết quyền phản bác của nguyên mẫu, phân bua cho sáng tạo của đoàn phim. Tác phẩm điện ảnh là một sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật, nhưng với một bộ phim tiểu sử, sự sáng tạo đó phải tinh tế, tế nhị khi tái hiện cuộc đời của ai đó trên màn ảnh. Nếu không làm được điều này thì mục đích làm phim sẽ thất bại.

H.Nhu

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI