HQ-9 Trung Quốc ra Hoàng Sa: Mưu đồ từ lời giảo hoạt nước đôi

18/02/2016 - 07:57

PNO - Hình ảnh vệ tinh chỉ rõ Trung Quốc đưa dàn tên lửa HQ-9 ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng quan chức nước này vẫn giảo hoạt lấp liếm.

Ngày 17/2, giới chức Mỹ và Đài Loan đều đưa ra những bằng chứng kèm theo lời khẳng định hành động Trung Quốc đã đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Cũng trong ngày 17/2, hãng Fox News của Mỹ thông tin, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong buổi họp báo đã tỏ ý quan ngại sâu sắc đối với hành vi đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm của Trung Quốc.

Về việc Nhật Bản có yêu cầu Trung Quốc giải thích về hành vi này, ông Suga cho biết Nhật Bản cũng đang sử dụng nhiều kênh thông tin để truyền đạt lập trường của Nhật Bản về vấn đề này tới Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Vương Nghị - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn cho rằng thông tin này là "sản phẩm của truyền thông phương Tây". Còn Hồng Lỗi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, nếu Trung Quốc có đưa tên lửa ra đảo Văn Lâm đi chăng nữa thì cũng chỉ để phục vụ mục đích dân sự chứ không có ý định quân sự hóa.

HQ-9 Trung Quoc ra Hoang Sa: Muu do tu loi giao hoat nuoc doi
Hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc.

Việc đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Văn Lâm được Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định: "Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh mà thực hiện kế “không đánh mà thắng” tại Biển Đông. Họ làm từng bước theo kiểu "lát cắt Salami". Buộc cộng đồng quốc tế nói chung chấp nhận hiện trạng mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là một chiến lược cực kỳ nguy hiểm".

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho rằng: "Việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa ra Phú Lâm thể hiện hai điều: Trước tiên, động thái này nằm trong kế hoạch tăng cường phòng thủ cho Hải Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc lại thực hiện điều này trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thứ hai, việc Trung Quốc điều hệ thống tên lửa ra Phú Lâm còn là bước quân sự hóa đảo nhân tạo ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang phát tín hiệu báo trước các việc làm phi pháp của nước này trên Biển Đông trong tương lai".

Nhận định của các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn trùng khớp với ý kiến của các chuyên gia quân sự nước ngoài, khi hành động đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa trong điều mà Mỹ gọi là "chiến dịch tự do hàng hải" vào hôm 30/1.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia, nhận định việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 sẽ kéo theo các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ trong tương lai.

Ông cho biết hệ thống này có khả năng đe doạ các máy bay xuất phát từ tàu sân bay, có nhiệm vụ hỗ trợ tàu Hải quân Mỹ trong các cuộc tập trận tự do hàng hải.

Động thái này của Trung Quốc cũng có thể là minh chứng rằng, Bắc Kinh có thể triển khai các hệ thống tương tự trên các đảo tranh chấp khác, với lý do chống lại đe doạ từ phía Mỹ.

Được biết, tên lửa HQ-9 có trọng lượng đầu đạn 180 kg, tầm tác chiến thấp nhất là 6 km và xa nhất 200 km, tầm bắn hiệu quả với máy bay là 150 km. Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km.

Mỗi lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-9 được biên chế 6 tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn gồm một xe chỉ huy, một xe radar điều khiển hỏa lực, 8 xe chở các hệ thống phóng, tức là ở một thời điểm, mỗi tiểu đoàn có thể phóng đồng loạt 32 quả tên lửa, cả lữ đoàn có cơ số tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 192 quả.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI