'Hot trend': Ăn theo đến khi nào?

23/10/2018 - 14:57

PNO - 'Hot trend' cũng như thời trang - luôn thay đổi. Nếu lạm dụng, sa đà vào đó mà không chịu học hỏi, mài giũa sáng tạo thì khi xu hướng lỗi mốt, sản phẩm cũng trôi vào lãng quên.

“Chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ XX và những người lính Việt Nam không thể, không bao giờ là “phiên bản” vay mượn từ bất kỳ chân trời góc bể nào cả, dù chỉ là cái tên phim”; “Lấy lại cái tên Hậu duệ mặt trời, có hay đi nữa, người ta vẫn nghĩ đó chỉ là một bộ phim quá ăn khách của Hàn Quốc”. 

Đó là hai trong nhiều bình luận của khán giả để lại dưới status của bà Ngô Thị Bích Hiền - một trong những người gầy dựng nên BHD - viết trong những ngày Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt gây tranh cãi.

'Hot trend': An theo den khi nao?
MV mới của Xuân Nghị vẫn ăn theo “trend” cũ của chính mình

Tất nhiên, khi xem phim, ta có thể thấy được sự đầu tư và tâm huyết của ê-kíp thực hiện. Nhưng nói gì đi nữa, đây vẫn là sản phẩm ăn theo bộ phim từng đạt kỷ lục rating trong năm 2016 của Hàn Quốc. Việc vin vào kịch bản gốc khiến nhiều người cho rằng, ê-kíp lười sáng tạo, thiếu cá tính và ăn sẵn, dựa hơi thành công của phim gốc.

Mới đây, diễn viên hài Xuân Nghị vừa tung ra MV Anh có tài mà. Rất tiếc, ở sản phẩm lấn sân này, Xuân Nghị khiến công chúng thất vọng khi nhận ra thẩm mỹ làm nghề của anh cũng… chỉ chừng đó thôi. 

Bên cạnh việc cài cắm quảng cáo, khả năng đọc rap đánh đố người nghe, ca khúc cũ kỹ, chàng Đức trong Ngày ấy mình đã yêu vẫn còn tiếc rẻ những “hot trend” (xu hướng) do chính mình tạo ra như chất giọng Phú Yên đặc trưng, “cần trô”… Kết quả: MV chẳng có điều gì đặc biệt, thể hiện cá tính sáng tạo của chủ nhân.

Trailer Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt: 

 

Thời gian qua, cả điện ảnh lẫn âm nhạc ở ta gần như bị bội thực với xu hướng thanh xuân, ngôn tình. 

Ca nhạc thì lắm sản phẩm có ca từ nhảm nhí, “ăn theo” những câu nói, trào lưu mạng xã hội, trong khi âm nhạc không có gì sáng tạo, thiếu chiều sâu. Only C với loạt ca khúc Anh không đòi quà, Quan trọng là thần thái… khiến khán giả có cảm giác như anh chỉ ngồi chờ có cái gì “hot” để nhặt, ném vào ca khúc.

Tất nhiên, hiệu ứng lan tỏa của các trào lưu, xu hướng là không thể phủ nhận. Từ một góc nhìn, bắt kịp “hot trend”, lồng “hot trend” vào nghệ thuật cho thấy sự nhanh nhạy, gần gũi giới trẻ của nghệ sĩ. Nhưng “hot trend” cũng như thời trang - luôn thay đổi. Nếu lạm dụng, sa đà vào đó mà không chịu học hỏi, mài giũa sáng tạo thì khi xu hướng lỗi mốt, sản phẩm cũng trôi vào lãng quên.

MV Anh có tài mà của Xuân Nghị: 

 

Ở một số nước, việc nhượng quyền tác phẩm được tính từ đầu. Khi rót tiền đầu tư những Star Wars, James Bond, Harry Potter… nhà đầu tư đã tính tới việc khai thác trong bao lâu, chuyển giao thế nào, dưới các hình thức gì… một cách đồng bộ, theo lộ trình được vạch sẵn.

Trong khi đó, ở nước ta mới dừng lại ở kiểu chụp giật - cái gì “ăn” được thì nháo nhào chạy theo. Nói để thấy, nghệ sĩ ta lười biếng, chỉ mong ăn sẵn và đang “tự giết” chính mình trong nghệ thuật như thế nào. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI