Hốt bạc với nghề 'cho thuê Bố'

07/09/2017 - 14:30

PNO - Khi bạn muốn có một “người Bố” xuất hiện trong lễ cưới hoặc ngày ra mắt cha mẹ bạn trai/bạn gái, Dự án Trái tim (Heart Project) có thể giúp ích.

Ryuichi Ichinokawa, 52 tuổi thường xuyên được “thuê” để đóng vai bố của khách hàng. Nhận thấy nhu cầu lớn ngoài sức tưởng tượng, ông đã sáng lập dự án Trái tim tại Tokyo từ năm 2006.

Hơn 10 năm qua, dự án của ông ngày càng phát đạt, dù Ichinokawa khẳng định kinh doanh không phải là ưu tiên hàng đầu của mình. “Chúng tôi không nhận những yêu cầu bất hợp pháp. Chúng tôi cũng không muốn đóng vai bố lâu dài vì không muốn khách hàng coi dịch vụ này như một sự chống đỡ về mặt cảm xúc”, ông nói.

Hot bac voi nghe 'cho thue Bo'

Khoảng 20 – 30% khối lượng công việc thuộc về các đám cưới. Mức giá cho dịch vụ này là 15.000 yên (khoảng 3,2 triệu đồng)/người. Nếu có phát biểu, mức phí sẽ tăng thêm 5000 yên nữa.

Một nhu cầu nhiều không kém cho một “phụ huynh được thuê” là để xuất hiện trong một sự kiện ra mắt nhà trai/gái tương lai, chiếm khoảng 30 – 40% số đơn đặt hàng.

Các khách hàng có độ tuổi phổ biến từ 20 – 40 tuổi. Họ cần đến dịch vụ của Heart Project vì rất nhiều lý do khác nhau: người thì bố mẹ đã mất, người thì bố/mẹ đã bỏ đi từ khi họ còn rất nhỏ, hoặc đơn giản chỉ vì xung khắc nhau nên không thể gặp mặt.

Cũng có nhiều trường hợp chuyện tình yêu của người con bị bố mẹ phản đối, song họ vẫn quyết định đi đến hôn nhân dưới sự chứng kiến của “phụ huynh đi thuê”.

“Trong văn hóa Nhật, người ta rất bận tâm đến hình thức, cũng như việc những người khác sẽ đánh giá mình ra sao. Nhiều anh chàng khoe với bố mẹ là mình đã có bạn gái, nhưng khi bố mẹ đòi gặp thì anh ta hoảng sợ vì mọi chuyện chỉ là bịa. Thế rồi anh ta nháo nhào đi tìm một cô “bạn gái thuê”, ông Ichinokawa lý giải về nhu cầu “thuê bố” cao ngất tại Nhật.

Khi mới thành lập dự án, ông dự định chỉ làm việc đơn lẻ: đóng vai bố cho những khách hàng có mẹ là mẹ đơn thân hoặc tương tự như vậy. Nhưng rồi khách hàng bắt đầu hỏi cả các bà mẹ, thậm chí muốn thuê cả cặp phụ huynh.

Hot bac voi nghe 'cho thue Bo'

Vì thế, ông Ichinokawa bắt đầu đăng tải quảng cáo tuyển người trên trang cá nhân của mình. Tất cả các “nhân viên” của ông đều là dân nghiệp dư. Tính đến thời điểm này, đội ngũ “phụ huynh cho thuê” thuộc sự quản lý của dự án đã lên tới hơn 100 người.

Ichinokawa cho biết, ông chưa từng phỏng vấn trực tiếp bất cứ nhân viên nào. Mọi quy trình đều diễn ra qua mạng Internet, email hoặc điện thoại. Về cơ bản, ông chỉ cần nắm thông tin về kỹ năng, ngoại hình và sự sẵn sàng về mặt thời gian của họ.

“Bạn có thể nhận được đơn hàng về 5 phù dâu. Nếu cả 5 người đều đẹp lộng lẫy, trông sẽ rất đáng nghi phải không? Vì thế, công việc của bạn là phải điều phối. Thậm chí có những đám cưới, dự án phải huy động đến 30 – 40 người, không chỉ đóng giả làm phụ huynh mà thậm chí cả họ hàng, bạn bè, phù dâu cho cô dâu”.

Trước Dự án Trái tim, ông Ichinokawa từng mở một website tư vấn tâm lý qua email cho khách hàng với giá 3000 yên/email. Ban đầu, ông nhận được rất nhiều email yêu cầu tham vấn về phẫu thuật, ngoại hình, sức khỏe – chẳng hạn như phái nữ muốn nói về cơ thể và ngoại hình của họ.

Sau đó, một người quen nhờ ông xuất hiện tại một đám cưới, khi chú rể rất cần ai đó có thể phát biểu với tư cách phù rể chính. Tất nhiên, Ichinokawa chưa từng gặp người đó. Toàn văn bài phát biểu do chú rể chuẩn bị.

“Khi ấy tôi mới ngoài 30. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, và tôi quyết định bổ sung thêm dịch vụ đó vào dịch vụ tư vấn qua email của mình”, Ichinokawa nhớ lại.

Những khách hàng tìm đến ông thường là không biết hỏi ai về những vấn đề như vậy. Dự án Trái tim giống như chỗ bấu víu cuối cùng của họ.

“Đôi lúc tôi tự hỏi, sẽ ra sao nếu tôi cũng không giúp? Đó có thể là nỗi xấu hổ ngắn hạn, nhưng trong nhiều trường hợp, hậu quả sẽ nặng nề hơn nhiều như đám cưới đổ vỡ, và cả cuộc đời của họ sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói.

Phương Lâm (Theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI