Khẳng định hướng đi đúng
Chị Nguyễn Kim Toàn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sơn Phú (xã Đại Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) - cho biết, gia đình chị có nhiều năm sống bằng nghề làm vườn và chăn nuôi, nhưng cứ mãi trầy trật. Từ năm 2021 về trước, gia đình chị nuôi heo, nhưng thường bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh, dẫn đến thua lỗ.
Để thay đổi cách làm, chị Toàn đi nhiều nơi để học tập những mô hình hay, cách làm mới nhằm áp dụng cho mình. Được sự động viên của Hội LHPN xã Đại Thành, chị cùng các chị em thành lập HTX Nông nghiệp Sơn Phú chuyên về làm vườn và chăn nuôi.
Theo đó, vườn chôm chôm của gia đình chị được thiết kế hệ thống tưới tự động nhằm giảm thời gian chăm sóc. Dưới mương chị nuôi cá, còn trên bờ thì nuôi ong lấy mật.
|
Giới thiệu các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã do phụ nữ điều hành ở Cà Mau |
Nhờ khép kín, nên hiệu quả kinh tế tăng dần, thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Chị Toàn chia sẻ: “Mình là giám đốc HTX nên không ngừng nỗ lực vươn lên. Cứ cái gì mới là mình áp dụng trước, sau đó mới hướng dẫn mọi người làm theo. Hoạt động của HTX chia ra nhiều tổ như làm vườn, chăn nuôi, mua bán… người nào việc nấy phù hợp với năng lực và chuyên môn, trên tinh thần liên kết chia sẻ, cùng làm cùng hưởng. Cách làm bài bản, liên kết đầu ra, có tính toán nhu cầu thị trường tiêu thụ nên 60 thành viên của HTX từng bước ổn định, thu nhập cao hơn thời điểm “mạnh ai nấy làm”. Nhiều chị em đã cải thiện cuộc sống”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh có 4 liên hiệp HTX nông nghiệp với 70 thành viên, 219 HTX nông nghiệp với 6.597 thành viên và 661 tổ hợp tác với 10.153 thành viên, trong đó nhiều HTX do phụ nữ điều hành. Hậu Giang rất quan tâm mô hình kinh tế hợp tác bởi trong lĩnh vực nông nghiệp việc tăng năng suất đã đạt ở mức độ cao.
Do đó, để nâng cao giá trị nông sản, ngoài chất lượng, mẫu mã hàng hóa thì việc liên kết sản xuất để tạo ra lượng hàng hóa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường là xu thế bắt buộc. Vì vậy, không có con đường nào khác là nông dân tham gia vào kinh tế hợp tác để có hướng đi phù hợp.
Tại tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh - cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo các cấp hội hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác thông qua việc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, nhất là đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Nhiều đơn vị được nâng cao kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, quản lý điều hành; nâng cao năng lực cạnh tranh. HTX thực sự là tổ chức sản xuất để hội viên phụ nữ liên kết giúp kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững.
Tỉnh Cà Mau hiện có 265 HTX hoạt động, trong đó có nhiều HTX do phụ nữ điều hành sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả tăng dần, phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, dịch vụ; ưu tiên liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho chị em hội viên.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau - thông tin: “Đa phần HTX do phụ nữ điều hành làm về nghề truyền thống, phát huy nguồn tài nguyên bản địa. Phẩm chất của phụ nữ là khéo léo, tỉ mỉ và bền bỉ, nên khi họ làm giám đốc HTX sẽ có những ưu điểm”.
Mặt được là vậy, nhưng chị em phụ nữ vẫn có những khó khăn như kiến thức, trình độ quản lý còn yếu; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm sau chế biến chưa như mong muốn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, bán hàng hạn chế; nặng gánh gia đình khiến họ thường bỏ qua cơ hội hoặc thiếu đầu tư cho việc nghiên cứu, học tập, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực và khả năng tìm kiếm thị trường…
Gỡ khó cho hợp tác xã phát triển
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Kim Liên - Giám đốc HTX Hương Liên (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - nhìn nhận: “So với nam thì phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều khi làm lãnh đạo HTX, nhất là phải sắp xếp công việc gia đình. Hiện tại, các HTX do phụ nữ điều hành cũng đang gặp khó do quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu tài sản; tiếp cận thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin, nhu cầu, xu thế tiêu dùng của thế giới là chưa kịp thời, nên còn khó trong xây dựng chiến lược hay kế hoạch dài hơi về sản xuất, xuất khẩu. Những khó khăn này, chị em rất mong được hỗ trợ”.
|
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) tạo việc làm cho đông đảo chị em phụ nữ nông thôn từ mô Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) tạo việc làm cho đông đảo chị em phụ nữ nông thôn từ mô hình đan lục bình hình đan lục bình |
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT - cho rằng, thời gian qua các chính sách hỗ trợ như tín dụng, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn… cho các HTX còn khó tiếp cận. Trong những năm qua, chưa tỉnh nào ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức được bảo hiểm nông nghiệp. Riêng hỗ trợ của Nhà nước cho HTX về quản trị, thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh cũng ít. Ngoài ra, cán bộ quản lý nhà nước về HTX từ tỉnh đến cơ sở đều thiếu và yếu; thiếu cả đội ngũ chuyên gia có năng lực để tư vấn cho các HTX.
Ông Lê Đức Thịnh lưu ý, đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động biến đổi khí hậu, vì vậy cần hỗ trợ HTX chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; trong đó ưu tiên hỗ trợ HTX sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản.
Ông Nguyễn Thành Trăm - Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang - cho hay, đang tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong chỉ đạo đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, nhất là những HTX do phụ nữ làm giám đốc. Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển bền vững, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia.
Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Cà Mau, hội sẽ tiếp tục đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030, gắn với đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2024-2030. Yêu cầu đối với các cấp hội là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để khắc phục những khó khăn cho chị em khi tham gia điều hành, quản lý HTX.
Bản thân chị em cũng phải nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao, khắc phục những rào cản về giới để tham gia nhiều hơn các khóa đào tạo liên quan đến HTX và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - cho rằng, HTX mạnh hay yếu, bền vững hay không, không chỉ giới hạn trong không gian HTX, trong số thành viên HTX, mà còn tác động đến sự bền vững của cả không gian sản xuất nông nghiệp, đời sống nông thôn, hình ảnh của nền nông nghiệp và thương hiệu nông sản. Định hướng phát triển HTX bền vững trong sự tác động rộng lớn như vậy mới thấy cần phải hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Khi xây dựng được các HTX bền vững sẽ vượt qua được thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi HTX phát triển đúng bản chất thì thu nhập của nông dân sẽ tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung, tổ chức dịch vụ chung. Khi xây dựng được các HTX bền vững, những giá trị gia tăng trong nông nghiệp không chỉ do quy mô sản lượng, mà còn do tối đa hóa những giá trị tích hợp từ trồng trọt, chăn nuôi, mang lại. Bộ NNPTNT đánh giá cao vai trò của chị em phụ nữ trong phát triển nông nghiệp thời gian qua, nhất là những HTX do phụ nữ điều hành. Bộ đang triển khai rất nhiều đề án phát triển nông nghiệp, phát triển HTX, trong đó có đề án quan trọng là “Thực hiện thành công 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Bộ sẽ phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, góp phần xây dựng nông thôn là nơi đáng sống, giảm tình trạng bỏ quê lên thành thị mưu sinh. |
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. Các HTX nông nghiệp tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực trồng trọt (lúa, cây ăn trái) và nuôi thủy sản (tôm, cá). Tổng số vốn, tài sản của các HTX nông nghiệp là 2.079 tỉ đồng, trung bình 1 HTX có vốn, tài sản hơn 855 triệu đồng. Doanh thu bình quân 1 năm của HTX nông nghiệp đạt 1,3 tỉ đồng; tổng số thành viên HTX là 183.077, trung bình mỗi HTX có hơn 75 thành viên… |
Huỳnh Lợi - Phú Hữu