Phải "gồng gánh" để duy trì
Khác với không khí tấp nập, đông đúc những ngày đầu thành lập, cửa hàng Hợp tác xã (HTX) Đồng Nhất.vn (208 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) thời gian gần đây khá hiu quạnh, vắng khách. Đây là HTX dịch vụ chuyên cung cấp các loại đặc sản vùng miền như nem, tré, bánh tráng, mắm cá cơm, rong biển Phú Quốc… được Hội LHPN quận Tân Phú ra mắt ngày 23/3/2023.
Chị Lê Thị Xuân Thủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Đồng Nhất.vn - chia sẻ, chỉ sau 3 tháng ra mắt, HTX bước vào giai đoạn hoạt động cầm chừng. Đến thời điểm này thì tình hình tệ hơn bởi có ngày, cửa hàng thậm chí không bán được đơn hàng nào. “Sản phẩm ra thị trường rất chậm, thậm chí không có đầu ra, khiến một số thành viên nản chí, xin rút. Từ 7 thành viên ban đầu, hiện HTX còn 5 thành viên và đang phải “gồng gánh” mọi cách để duy trì hoạt động” - chị Xuân Thủy cám cảnh.
Đồng Nhất.vn là HTX đầu tiên trên địa bàn TPHCM được thành lập theo đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Trung ương Hội (đề án 01).
|
Không khí ảm đạm của Hợp tác xã Đồng Nhất.vn sau hơn 1 năm hoạt động - ẢNH: NGỌC TRĂM |
Theo chị Xuân Thủy, khó khăn lớn nhất mà HTX phải đối mặt là chi phí thuê mặt bằng cao, 16 triệu đồng/tháng. Không kham nổi tiền thuê mặt bằng nên chị em phải chuyển cửa hàng sang vị trí mới với giá thuê khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, do không có tiếng nói chung nên HTX cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng.
Để giải quyết khó khăn về đầu ra, HTX đang xin ý kiến của quận về giải pháp bán hàng chéo nhau, nghĩa là ngoài sản phẩm chủ lực của riêng mình, HTX sẽ bày bán sản phẩm khởi nghiệp của các phường, các quận với hy vọng đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp cửa hàng nhộn nhịp hơn. Đó cũng là cách để các HTX mua hàng ủng hộ lẫn nhau.
Ngoài ra, để cứu lấy HTX, các thành viên còn hướng đến việc sản xuất mặt hàng chủ lực (rong biển snack) thay vì chỉ làm dịch vụ. Tuy nhiên, Ban giám đốc Đồng Nhất.vn cũng còn e ngại với kế hoạch dự kiến này vì năng lực tài chính có hạn mà lãi suất các nguồn vốn vay hiện khá cao. Chị Xuân Thủy nói: “Quỹ CWEP có lãi suất từ 0,6 - 0,7%/tháng, quỹ CCM từ 7,5 - 8%/năm và điều kiện vay là phải có tài sản thế chấp. Nhưng thực tế thì đa phần các HTX đều phải đi thuê mặt bằng, không có tài sản thế chấp, nên không dễ vay”.
Nhiều năm kinh doanh gà ủ muối và nhận thấy đâu đó trong suy nghĩ của người dân, HTX vẫn uy tín hơn công ty tư nhân, nên vào tháng 6/2023, chị Nguyễn Thanh Tú (huyện Củ Chi, TPHCM) đã rủ thêm 6 người bạn góp vốn thành lập HTX Sản xuất - Thương mại Tâm An với vốn điều lệ là 500 triệu đồng.
Sau hơn 1 năm thành lập, chị thấy HTX vô cùng khó khăn khi cạnh tranh về giá với sản phẩm gà thải trên thị trường và chưa có đầu ra ổn định. “Phải nói đầu ra rất khó. Hiện tại, chúng tôi chỉ bán lẻ tại địa phương và bán lẻ online chứ không có khách để bán sỉ. Mặc dù đã làm rất nhiều cách nhưng doanh thu vẫn không tăng. Một trăm lời quảng cáo không bằng một lời lãnh đạo giới thiệu nên tôi mong Hội LHPN TPHCM có thêm nhiều hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm giúp chị em” - chị Thanh Tú bày tỏ.
Hiện nay, để duy trì HTX, chị Thanh Tú cùng cộng sự sản xuất thêm bánh bao thực dưỡng. Được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn hội phụ nữ, nhưng theo chị Thanh Tú, số tiền đó chỉ hỗ trợ nhập nguyên liệu chứ không thể làm gì lớn lao. Muốn vay nhiều hơn thì thực hiện đủ thứ thủ tục giấy tờ khiến chị chùn bước.
Sẽ cử cán bộ trẻ về hỗ trợ hợp tác xã
Tại ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo năm 2024 diễn ra vào giữa tháng Mười vừa qua, Hội LHPN TPHCM, Liên minh HTX và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã phối hợp tổ chức hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Đây là cơ hội để những chị em phụ nữ tham gia điều hành, quản lý HTX và các thành viên tổ hợp tác chia sẻ những khó khăn đang gặp phải. Ngoài những khó khăn về đầu ra, mặt bằng, vốn, nhiều chị em còn mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn những kỹ năng tiếp thị, quảng bá, bán hàng trên nền tảng trực tuyến.
Ông Lê Tấn Tài - Phó giám đốc Liên minh HTX TPHCM - thông tin, địa bàn TPHCM hiện có khoảng 800 HTX, trong đó có khoảng 162 HTX do nữ phụ trách và 8 HTX được thành lập theo đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Để phát triển mô hình HTX do phụ nữ quản lý hoạt động hiệu quả gắn với sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hộ nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, TPHCM xác định sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường và ứng dụng công nghệ cho các HTX phụ nữ quản lý; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cải thiện quy trình quản lý và tiếp cận thị trường, đặc biệt là nền tảng thương mại điện tử.
Ông Lê Tấn Tài cũng cho biết, thành phố hiện có nhiều chính sách hỗ trợ HTX từ việc cho thuê mặt bằng với khung giá nhà nước đến nguồn nhân lực và vốn. Liên quan đến các chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, Liên minh HTX TPHCM đã tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 09/2024 về thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng cho các HTX.
|
Sản phẩm gà ủ muối của Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại Tâm An tại sự kiện giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - ẢNH: N.M. |
Theo đó, TPHCM sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng trẻ về các HTX trên địa bàn. “HTX sẽ chủ động tuyển dụng nhân sự, nguồn lực và thành phố sẽ có ngân sách dành riêng cho việc hỗ trợ này. Song song đó, Liên minh HTX sẽ tiếp tục phối hợp Hội LHPN TPHCM tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng bán hàng cho thành viên HTX chứ không ngồi yên. Đề nghị Hội LHPN gắn với cấp ủy địa phương thúc đẩy các chính sách hỗ trợ này” - ông Lê Tấn Tài thông tin.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - khẳng định, công tác khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp không đơn giản. Trước đây, Hội LHPN Việt Nam có đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kể từ năm 2023 có thêm đề án 01 hỗ trợ nữ tham gia quản lý và làm chủ HTX. Trong quá trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế, bà nhận thấy, trong 1.000 dự án khởi nghiệp, có được 10 dự án thành công đã là thành công. Vì vậy, việc tiến tới hình thức kinh tế tập thể càng khó khăn hơn.
Do đó, để thực hiện đề án 01, trong giai đoạn đầu, hội đã lên kế hoạch, tổ chức truyền thông, đi sâu đi sát để nắm thông tin, liên kết những chị em đang sản xuất hoặc có dịch vụ kinh doanh cùng ngành nghề để thành lập HTX. Hội vừa động viên tinh thần, vừa hỗ trợ chị em kết nối với doanh nghiệp, các chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động nhằm hỗ trợ các HTX giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Hội cũng duy trì tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX cho cán bộ hội không chuyên trách và thành viên lãnh đạo HTX, tổ hợp tác; truyền thông giới thiệu một số điểm mới của Luật HTX năm 2023 (sửa đổi), các chính sách của Nhà nước, địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX. TP Thủ Đức và 21 quận, huyện năm nào cũng phối hợp Liên minh HTX thành phố tổ chức ít nhất 1 lớp để truyền thông về nội dung liên quan đến đề án 01.
Nguyệt Minh