Nhận vốn là vài năm "bán mình"?
Tháng 4/2017, thị trường dậy sóng khi The KAfe - chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu, đã dần đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống sau ba năm hoạt động, và hơn một năm nhận vốn "khủng" từ nhà đầu tư nước ngoài.
Chị Đào Chi Anh, CEO của The KAfe cho biết, lý do đóng cửa là vì không cẩn trọng trong đàm phán, cuối cùng không đáp ứng được các điều kiện trong thỏa thuận đầu tư.
|
The Kafe đã đóng cửa sau ba năm hoạt động, và hơn một năm nhận vốn "khủng" từ nhà đầu tư nước ngoài. |
“Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình... Những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm, mà càng về sau càng hiện ra rõ hơn…" - CEO The KAfe chia sẻ.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2018, bệnh viện Hoàn Mỹ thông báo đã “bán mình” cho Fortis chỉ sau hơn một năm nhận vốn từ VinaCapital và Deustche Bank. Trong cuốn hồi ký “Từ khởi nghiệp đến M&A” của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - nhà sáng lập hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, ông đã có những chia sẻ về trải nghiệm đầy cay đắng sau khi quyết định hợp tác với VinaCapital.
Theo đó, sau một thời gian phát triển quá nóng với 6 bệnh viện và 1 phòng khám trải dài từ miền Trung vào miền Nam, năm 2009, trong số các nhà đầu tư ngoại muốn mua cổ phần của Hoàn Mỹ, ông Nguyễn Hữu Tùng đã lựa chọn VinaCapital. Để giảm bớt rủi ro trong đầu tư vì chưa hiểu y tế tư nhân, VinaCapital đã “rủ” thêm quỹ DWS Vietnam Fund của Deustche Bank. Kết quả, VinaCapital và Deustche Bank đã rót 20 triệu USD để sở hữu 44% cổ phần của Hoàn Mỹ.
Sau một thời gian hợp tác cùng quỹ đầu tư, có những doanh nghiệp không đến mức “bán mình” nhưng cũng nhận được bài học cay đắng. Chẳng hạn như doanh nghiệp phải chạy đôn, chạy đáo vì kiện tụng, mất khoản tiền không nhỏ để bồi thường.
Đơn cử như công ty TNHH Phạm Tôn - đơn vị sản xuất, tiếp thị và cung ứng các sản phẩm thực phẩm từ thịt gà đã trở thành đối tác chiến lược với tập đoàn quốc CJ (Hàn Quốc). Công ty này cho rằng CJ đã “thuốc” mình, nhưng may mắn sau cùng chỉ bồi thường 28 tỷ đồng. Nếu không, Phạm Tôn đã phải “bán mình” cho CJ.
|
Phía VinaCapital đã tuyên bố dừng đầu tư vào Ba Huân. |
Đọc kỹ điều khoản trước khi đặt bút ký
Một thành viên trong gia đình của công ty TNHH Phạm Tôn cho rằng, lý do công ty thất bại, suýt “bán mình” cho CJ là do công ty hoạt động theo kiểu gia đình, không có chuyên gia tư vấn.
“Mô hình công ty nhà tôi từ đời ông cố để lại. Chúng tôi cứ nghĩ việc mổ gà xong đem bán và lấy tiền tươi nên không có vấn đề gì. Từ lúc 20.000 con/ngày lên đến 45.000 con/ngày, công ty chỉ có kế toán, thủ kho và người trông coi là đủ. Kinh tế mở cửa, doanh nghiệp nào cũng muốn làm to ra, lớn lên nhưng lại không nắm rõ nguyên lý vận hành thị trường nên mới thất bại thảm hại như vậy” – thành viên công ty Phạm Tôn nói.
Trường hợp công ty Ba Huân, trong đơn gửi Thủ tướng nhờ hỗ trợ hủy hợp đồng với VinaCapital, Ba Huân cho rằng hợp đồng giữa hai bên "bị" đưa vào nội dung VinaCapital yêu cầu IRR 22% và nếu không đạt được, công ty sẽ bị phạt, yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% vốn của doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng các điều khoản của VinaCapital là quá chặt chẽ và cho dù ở bất kỳ trường hợp nào, dù kết quả kinh doanh của Ba Huân ra sao thì VinaCapital cũng không bị thiệt.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết (PE) tại Việt Nam rất cần vốn để hoạt động và mở rộng quy mô. Khi được các quỹ đầu tư ngấp nghé, doanh nghiệp Việt thường vội vàng, dễ dãi chấp nhận các điều khoản, đến khi nhận ra bất lợi cho mình thì tất cả đã muộn.
Rõ ràng, khi các quỹ PE gật đầu rót tiền vào các doanh nghiệp, họ đều cần có sự đảm bảo và kỳ vọng sinh lợi từ khoản đầu tư. Nhà đầu tư nắm đằng chuôi, có bao giờ chịu nắm đằng lưỡi?
Luật sư Nguyễn Hà Phong – Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, các doanh nghiệp không hề có kinh nghiệm trong việc chọn lựa nhà đầu tư. Khi thấy một tổ chức nước ngoài có ý định rót vốn là mừng mà không tìm hiểu kỹ càng bởi có những nhà đầu tư được gọi là “nhà đầu tư cá mập”.
Mục tiêu của họ là thâu tóm chứ không phải đồng hành. Họ đến để chiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty và bán công ty, chứ không hướng tới dài hạn. Khi chấp nhận đầu tư, họ đã hiểu rõ về công ty.
|
Rất nhiều bài học rút ra về xung đột giữa nhà đầu tư và người sáng lập.
|
Nếu công ty nào thuộc dạng gia đình trị, kém hiểu biết về tài chính, nhà đầu tư sẽ đưa vào hợp đồng các điều khoản có lợi mang tính thâu tóm, thay đổi nhà quản trị tài chính (CFO), tổng giám đốc (CEO) để thâu tóm công tác điều hành.
Ví dụ, trường hợp tại bệnh viện Hoàn Mỹ, các nhà đầu tư yêu cầu bệnh viện phải tìm một tổ chức chuyên nghiệp để điều hành tập đoàn, nhà CFO, CEO mới để thực hiện những nghị quyết của hội đồng quản trị. Họ yêu cầu nhà sáng lập phải thuê CEO và nhóm tư vấn với gói chi phí lên đến 20 tỷ đồng/năm.
Nếu không tìm ra CEO, nhà sáng lập, doanh nghiệp nhận đầu tư phải chịu một khoản phạt lên đến hàng triệu USD cho sự chậm trễ này. Rõ ràng, mục tiêu của nhà đầu tư là họ tái cơ cấu tài chính, sau đó tìm nhà quản lý để hướng đến mục tiêu doanh thu mà họ định ra nhằm tăng giá trị của Hoàn Mỹ lên gấp nhiều lần. Sau đó, họ sẽ bán cổ phần với giá cao cho một đối tác khác để thu lợi nhuận.
Tiếp đến, các doanh nghiệp Việt còn không cẩn trọng trong đàm phán. Các nhà đầu tư sẽ đưa ra yêu cầu kiểm soát hoàn toàn về tài chính, trong khi các chủ doanh nghiệp lại không giỏi về vấn đề này. Các nhà đầu tư sẽ đưa ra chỉ tiêu, doanh nghiệp mừng thầm vì sẽ đưa doanh thu công ty đi lên.
Thực tế, nếu doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu thì họ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu. Ví dụ, thường doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận là 22%/năm, nhà đầu tư nhảy vô cam kết sẽ tạo ra lợi nhuận 30%. Nhưng doanh nghiệp phải hiểu rằng, nhà đầu tư đã nắm rõ viễn cảnh kinh doanh của doanh nghiệp là 22%, song họ dựa trên viễn cảnh này để định giá.
Và nếu các điều khoản cam kết lợi nhuận đã được đưa vào thỏa thuận đầu tư mà sau này không thực hiện được, đây chính là nguồn của mâu thuẫn, thậm chí tăng tỷ lệ sở hữu công ty.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay không xây dựng cơ chế quản trị theo quy chuẩn, không biết quản lý tài chính. Không nhiều doanh nghiệp hiểu thế nào là quản trị công ty. Cơ chế quản trị công ty không ổn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa người điều hành với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tài chính thuần túy. Khi công ty có sự tham gia của các nhà đầu tư, việc thu - chi và tính toán lời - lỗ không còn đơn giản như khi người điều hành cũng là ông chủ.
Một khi hoạt động kinh doanh được mở rộng hơn, các chi phí cũng tăng lên. Nếu không có kiến thức và không biết cách quản lý tài chính, dòng tiền sẽ trở nên hỗn loạn, công ty có thể rơi vào tình trạng chỉ thấy chi mà không có thu, hiệu quả hoạt động xuống thấp. Nếu không đạt doanh thu cam kết, nhà đầu tư sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ sở hữu đã được ký kết trước đó.
Do đó, trước khi quyết định gọi vốn, doanh nghiệp cần phải có cố vấn tài chính. Sau khi gọi vốn, doanh nghiệp phải lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính cho chuẩn… Doanh nghiệp luôn phải tỉnh táo khi hợp tác cùng quỹ đầu tư, đọc kỹ các điều khoản và tính toán trước các trường hợp để tránh rơi vào tình huống "chưa hợp đã tan", mang tiếng xấu trên thị trường.
Tại Việt Nam, một khoản đầu tư của các quỹ PE thường kéo dài từ 3-5 năm với IRR (tỷ suất hoàn vốn sinh lời nội bộ) trên 20%.
Trong quá khứ, Vina Capital từng đầu tư vào Masan năm 2006 và ghi nhận mức tỷ suất sinh lợi nội bộ khoảng 83%, và ghi nhận con số 26% với thương vụ đầu tư vào khách sạn 5 sao Hilton trong cùng thời gian.
Một quỹ PE nổi tiếng khác - Mekong Capital, đã chốt lãi khoản đầu tư vào CTCP Thế giới di động với tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1% (tính theo đô la Mỹ cho cả hai chỉ số). Tương tự với khoản đầu tư vào Lộc Trời và Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), quỹ này cũng ghi nhận mức tỷ suất hoàn vốn nội bộ khoảng 18,7% và 25,8%
3 năm trước, Mekong Capital cũng thành công với thương vụ đầu tư vào chuỗi Golden Gate ghi nhận mức IRR 45,1%. Giai đoạn 2005-2009, Mekong Capital cũng ghi dấu ấn với thương vụ đầu tư vào Saigon Gas với mức IRR khoảng 26%.
Năm 2014, quỹ Dragon Capital sau 4 năm đầu tư vào VPBank, đã chốt lãi với mức tỷ suất sinh lời nội bộ khoảng 21%.
|
Hoàng Hải