Hợp tác và ngừng trách móc lẫn nhau

14/06/2015 - 06:09

PNO - PN - Một vị bộ trưởng, từng là phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã lên tiếng nói về giới nghiên cứu khoa học nước nhà. Những điều ông nói đơn giản, sáng rõ, và đi ngược dòng dư luận.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông nói rằng: “Những nhà khoa học đổ mồ hôi, dồn trí tuệ trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học, làm được rất nhiều cho đất nước, nhưng luôn bị mang tiếng “mấy chục ngàn tiến sĩ không bằng mấy bác nông dân”. Tôi không muốn xã hội hiểu thiên lệch như vậy. Những người làm khoa học của chúng ta không phải toàn tiến sĩ giấy, vô dụng, bất tài… Người dân có sáng tạo, sáng kiến cũng nên hợp tác với các nhà khoa học, để cùng tạo ra sản phẩm cho xã hội. Chứ bây giờ mạnh ai người nấy làm và trách móc lẫn nhau”.

Hop tac va ngung trach moc lan nhau

Chân dung Christopher Columbus. Nguồn ảnh: nationalgeographic.com

Bạn tiến sĩ đang công tác tại một trường đại học - người vẫn tự trào “tiến sĩ nhưng mà biết viết”, gọi điện bảo: “Ông ấy nói đúng đấy, nhưng buồn. Xã hội mình thế nào, mà một chính khách phải đối thoại với dư luận như vậy!”. Giá trị khoa học, thông tin nghiên cứu là hoàn toàn khác với dạng tin tức truyền thông, nhưng hai điều này hình như đang bị lẫn lộn.

Người làm khoa học thường lặng lẽ, một bước tiến trong khoa học có khi phải trả giá bằng một đời nghiên cứu. Nhân vật của truyền thông thường ồn ào, một lời tâm sự - tức một sản phẩm thông tin phi nghiên cứu - cũng có thể được cả chục ngàn trang thông tin đăng đi đăng lại. Giới khoa học bước vào truyền thông một cách rụt rè, vì họ biết thời gian đối với mình là quý giá, vì họ quý hơn nữa sự đơn độc lặng lẽ trên con đường nghiên cứu.

Trong khi đó, những nhà nghiên cứu “chân đất”, bước một bước vào tòa lâu đài khoa học và bước thẳng vào truyền thông bằng tất cả sự cởi mở mộc mạc của mình. Giới khoa học không phải không biết điều này, nhưng họ đã chọn con đường của mình và do đó im lặng. Trong sự mất thăng bằng, truyền thông đã hình thành một dư luận thiên lệch kiểu như “mấy chục ngàn tiến sĩ không bằng mấy bác nông dân”.

Tuy nhiên, không hoàn toàn vậy. Giới khoa học vẫn đang làm việc dù là quản lý hay nghiên cứu. Trừ đi cái phần giả, phần kém phẩm chất ở đâu cũng có, vẫn còn lại những con người thực sự ưu tú, xứng đáng với học vị, đang đóng góp, lặng lẽ dấn bước trên những nẻo đường xa xăm và đơn độc của khoa học, của trí tuệ con người.

Tôi nhớ một quyển sách của nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận, viết về vũ trụ như một “giai điệu bí ẩn”. Ông viết về hạnh phúc khoa học, khi từ bỏ những buổi tối gia đình, hy sinh không gian của tiếng nói cười phụ nữ và trẻ con, để ngồi yên lặng trong đài thiên văn, đơn độc, cách biệt, quan sát bầu trời. Hàng tỷ những vì sao vô danh im lặng, vô vàn những bí ẩn của bầu trời… là thế giới của họ, sự tự nguyện của họ, dù cho gần như trọn vẹn cuộc đời họ cũng lặng im như vũ trụ trên cao kia.

Tôi nhớ câu chuyện về Christopher Columbus và người thủy thủ trên cột buồm. Từ cột buồm cao, với chiếc ống nhòm của mình, người thủy thủ nhìn thấy dải đất đầu tiên của lục địa châu Mỹ. Anh ta rất có thể đã tự nhận mình là người đầu tiên “tìm ra châu Mỹ”. Nhưng châu Mỹ như một dải đất lọt vào ống nhòm, và châu Mỹ định vị trên bản đồ địa lý thế giới, trên lộ trình hải hành, với kinh độ vĩ độ, với các thông số địa lý khoa học, là khác nhau. Một cái chỉ nhìn thấy khi trên đỉnh cột buồm, một cái trên đầu ngọn bút của nhà hàng hải học, của tri thức và tư duy phân tích trong cái đầu địa lý học.

Sự phát hiện và tri nhận của Columbus được lưu danh, bởi từ ông, nhân loại mở rộng tầm nhìn, địa lý phát triển, các nhà khoa học, hàng hải có thể nhận biết, định danh châu Mỹ trên bản đồ, chứ không phải chỉ tụt xuống khỏi cột buồm là châu Mỹ biến mất.

Sẽ không công bằng nếu chê bai các nhà vật lý thiên văn vì họ không chế tạo ra máy bay. Sẽ lãng phí và ngớ ngẩn bao nhiêu nếu bắt Columbus phải leo lên cột buồm.

Cho dù khi nói những điều nêu trên, vị bộ trưởng ấy đã nói với tâm thế của người làm khoa học chứ không chỉ là một nhà quản lý, thì cũng chẳng có mấy nhà khoa học hay tiến sĩ nào lên tiếng rằng ông nói đúng. Bởi vì đó là chuyện bình thường. Những hiện tượng bất thường: anh nông dân sáng chế ra máy bay, tàu ngầm… trở thành câu chuyện kỳ lạ, thu hút.

Còn nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì phải nghiên cứu, phải sáng chế, bình thường thôi, có gì đâu mà đưa tin, ồn ào bàn cãi. Miễn là họ “hợp tác” với nhau, và truyền thông đừng tạo ra một kiểu “trách móc” lẫn nhau hay “trách móc” người khác.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI