Hợp tác công - tư để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân

12/12/2024 - 06:21

PNO - Tại một số nước, tình trạng quá tải bệnh nhân đang đè nặng lên hệ thống bệnh viện công. Nhiều bệnh nhân đã phải chấp nhận chi phí cao, chuyển sang dịch vụ y tế tư nhân.

Bệnh nhân mòn mỏi chờ được điều trị

Một trường hợp “gây sốc” làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng chăm sóc khẩn cấp của Dịch vụ y tế công cộng (NHS) đã xảy ra tại Anh. Một bệnh nhân 85 tuổi trong tình trạng không thể nuốt được sau khi phải chờ hơn 2 ngày tại khoa cấp cứu và cuối cùng đã tử vong vào 4 tuần sau đó. Theo báo cáo mới từ Cơ quan Điều tra an toàn dịch vụ y tế (HSSIB), bệnh nhân nói trên mắc bệnh Parkinson và cần dùng thuốc theo các khoảng thời gian khác nhau để kiểm soát triệu chứng. Trong thời gian tại khoa cấp cứu, bệnh nhân này đáng lẽ phải được tiêm 18 liều thuốc nhưng thực tế chỉ nhận được 11 liều, trong đó có 3 liều trễ hạn.

Nhân viên y tế chuẩn bị giường bệnh tại một bệnh viện tư ở Anh - ẢNH: CURTSEYES (Alamy)
Nhân viên y tế chuẩn bị giường bệnh tại một bệnh viện tư ở Anh - Ảnh: Curtseyes (Alamy)

Nguyên nhân tử vong ghi trên giấy chứng tử là nhiễm trùng ngực nghiêm trọng, bệnh Parkinson và tình trạng suy nhược do tuổi già. Các nhà điều tra cũng phát hiện ra rằng, không có quy định rõ ràng nào tại khoa cấp cứu trong việc đảm bảo bệnh nhân được kê đơn thuốc càng sớm càng tốt. Một nghiên cứu khác cho thấy, số lượng bệnh nhân phải chờ hơn 6 tuần để được kiểm tra chẩn đoán vào năm 2024 đã tăng gấp 23 lần trong vòng chưa đầy một thập niên, lên mức 364.000 người. Tổng danh sách chờ của NHS để được kiểm tra chẩn đoán hiện đang ở mức kỷ lục 1,6 triệu người.

Trước tình trạng này, một số lượng lớn bệnh nhân đã chuyển sang y tế tư nhân. Theo dữ liệu từ Mạng thông tin chăm sóc sức khỏe tư nhân, các bệnh viện tư ghi nhận 232.000 lượt bệnh nhân nhập viện trong quý II/2024. Hầu hết được bảo hiểm y tế tư nhân tài trợ, chỉ có một số ít bệnh nhân tự thanh toán chi phí. Chuyên gia Brian Walters - công ty môi giới bảo hiểm y tế Regency Health - cho biết: “Với nhiều người, bảo hiểm y tế tư nhân đang là nhu cầu thiết yếu”. Mặt khác, để giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn hồ sơ, NHS đã trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ y tế tư nhân để cung cấp dịch vụ điều trị phối hợp, khoản chi trong năm 2023 cho các bệnh viện và phòng khám tư nhân lên tới 3,6 tỉ bảng Anh.

Vào đầu năm 2024, chính quyền tỉnh Ontario, Canada quyết định mở rộng số lượng phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ y tế theo bảo hiểm. Khoảng 900 phòng khám có thể cung cấp dịch vụ y tế theo chương trình chăm sóc sức khỏe bảo hiểm tương tự như tại các bệnh viện công. Katherine Fierlbeck - giáo sư Đại học Dalhousie (Canada) - cho biết: “Các yếu tố như tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ gia đình, thời gian chờ đợi lâu để được thực hiện một số thủ thuật và cấp cứu cộng với việc đóng cửa bệnh viện do thiếu nhân viên đã tạo ra sự lo ngại về y tế công cộng ở nhiều người dân Canada. Tất nhiên, mọi người vẫn ủng hộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhưng nếu một phòng khám tư nhân có thể khám cho con em của họ sớm thì phụ huynh sẽ không ngần ngại lựa chọn phương án đó”.

Kết hợp y tế công cộng và y tế tư nhân

Tỉ lệ lạm phát tăng cao vào năm 2024 là mối quan tâm chính của ngành y tế Malaysia. Tiến sĩ Feisul Idzwan Mustapha - Cục Kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế Malaysia - cho biết: bên cạnh nhu cầu cập nhật công nghệ y tế, chuyên gia tư vấn về sức khỏe cộng đồng thì tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng là yếu tố góp phần làm tăng chi phí chẩn đoán và chăm sóc dài hạn. Ông giải thích: “Khi dân số già đi, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các bệnh mạn tính, tăng đáng kể. Hơn nữa, công chúng nói chung có vẻ khắt khe hơn trong kỳ vọng của họ về mức độ hoặc chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ nhận được, ngay cả khi điều này bất khả thi về mặt chi phí hoặc không dựa trên bằng chứng khoa học”.

Do đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe kép của Malaysia chịu trách nhiệm cung cấp một mạng lưới an toàn - nơi các bệnh viện tư phối hợp cùng bệnh viện công để cung cấp dịch vụ y tế. Chủ tịch Hiệp hội các Bệnh viện tư nhân Malaysia (APHM) - Datuk Dr Kuljit Singh - nhận định: “Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng trở nên quá tải và không thể đáp ứng nhu cầu, việc hợp tác với các bệnh viện tư sẽ cung cấp các giải pháp hiệu quả”.

Linh La (theo The Guardian, Daily Mail, Telegraph, The New York Times, FMT, Yahoo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI