Hợp tác chiến lược vì môi trường sống sạch và xanh

26/03/2021 - 11:29

PNO - Ngày 24/3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) và Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Hợp tác vì tương lai xanh

Những nội dung hợp tác nhằm hướng đến việc giải quyết các vấn đề môi trường đang tồn tại: xử lý rác thải, tận dụng giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải rắn góp phần xây dựng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đặc biệt, góp phần thực hiện thành công ba chương trình đột phá, một chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để phát huy thế mạnh của mỗi bên, hai đơn vị sẽ hợp tác trao đổi chuyên gia; đào tạo và cung ứng nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kết nối nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Thông qua thỏa thuận,  Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ cử đội ngũ, nhà khoa học, chuyên gia trực tiếp tham gia phối hợp và hỗ trợ CITENCO trong việc vận hành các công nghệ mới để thực hiện các dự án như: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp số 3 - Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, Củ Chi; Đầu tư công nghệ lò đốt chất thải nguy hại công suất 200 tấn/ngày tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, Củ Chi...

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty CITENCO, cho biết: “CITENCO là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường lớn nhất TP.HCM cũng như cả nước. Trong những năm qua, công ty chú trọng ứng dụng những công nghệ xử lý rác tiên tiến của thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới để xử lý rác được tốt hơn. Do đó, việc hợp tác với  Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ giúp công ty có thêm sức mạnh để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường, cho biết trước đây, trường từng giới thiệu sinh viên đến CITENCO thực tập và kết quả rất khả quan. Ông bày tỏ niềm tin: “Sự ký kết hợp tác toàn diện hôm nay sẽ là một bước tiến mới cho cả đôi bên. Từ nay, các sinh viên của trường sẽ có thêm điều kiện thuận lợi trong việc thực tập, cọ xát thực tiễn lẫn nghiên cứu khoa học; các giảng viên của trường có thêm cơ hội triển khai, thể nghiệm, ứng dụng những nghiên cứu khoa học để lượng giá chất lượng và phát triển các ý tưởng về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất. Tôi tin, phía CITENCO cũng sẽ nhận được nhiều thành quả khi cùng ứng dụng các nghiên cứu, ý tưởng, sáng tạo về xử lý, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường của đội ngũ các nhà khoa học từ  Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM”.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc CITENCO (hàng đầu bên trái) - cùng phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường,  cùng ký kết hợp tác sáng 24/3
Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc CITENCO (hàng đầu bên trái) - cùng phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường, cùng ký kết hợp tác sáng 24/3

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vì lợi ích chung

Theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, CITENCO, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao (chỉ sau rác hữu cơ), khoảng hơn 1.500 tấn. Tỷ lệ gia tăng khối lượng hàng năm tăng từ 6-10%.

Hoạt động thu gom chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM hiện do hai nhóm đơn vị thực hiện. Hệ thống công lập do CITENCO và 22 công ty dịch vụ công ích quận, huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác. Hệ thống dân lập do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% còn lại.

Công nhân CITENCO vận hành lò đốt chất thải 21 tấn/ngày, ứng dụng công nghệ  tiên tiến
Công nhân CITENCO vận hành lò đốt chất thải 21 tấn/ngày, ứng dụng công nghệ tiên tiến

Điều mà CITENCO trăn trở chính là công tác xử lý chất thải rắn hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất và ảnh hưởng đến môi trường. Dù là một doanh nghiệp tự hạch toán kinh doanh, nhưng CITENCO vẫn luôn trăn trở các giải pháp để giải quyết nguy cơ ô nhiễm môi trường của TP.HCM. Với định hướng hoạt động và tầm nhìn chiến lược, CITENCO không ngừng đổi mới phương tiện, thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; chủ động và tiên phong trong việc áp dụng mô hình mới, sử dụng các công nghệ hiện đại, có giải pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Được biết, từ năm 2019, phòng thí nghiệm công ty do Phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng quản lý được đưa vào hoạt động trong lĩnh vực hóa lý - vi sinh, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được kiểm soát chặt chẽ và đúng quy định pháp luật. Hoạt động phòng thí nghiệm còn giúp công ty nâng cao hiệu quả trong việc nghiên cứu các giải pháp, mô hình, sáng kiến, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. 

Bên cạnh đó, CITENCO đã phối hợp với các đơn vị triển khai không ít các dự án thiết thực để bảo vệ môi trường. Trong đó, phối hợp tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác triển khai dự án “Hợp tác phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng”. Đơn vị cũng phối hợp với tập đoàn Hitachi Zosen thực hiện dự án thử nghiệm lên men khí mêtan từ chất thải hữu cơ công suất 300 tấn/ngày. Dự án nhằm đánh giá tính khả thi đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện lên men khí mêtan từ chất thải rắn hữu cơ sau phân loại từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của thành phố…

Việc triển khai, hợp tác giữa CITENCO và Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần này sẽ đặt nền móng cho việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được kỳ vọng sẽ giúp giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tạo nền tảng để thay đổi thói quen của người dân từ phân loại tự phát như hiện nay thành phân loại có mục đích mang tính khoa học được tổ chức và được quản lý chặt chẽ.

Hạnh Chi

 

Được tài trợ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI