Họp phụ huynh kiểu đó, biểu sao không nản?

24/09/2017 - 08:07

PNO - Mỗi lần tôi họp về, vợ tôi đều hỏi “họp có gì không”, tôi đáp “đóng bốn trăm”, “đóng ba trăm”, vì theo tôi, đó là thông tin mới.

Hôm nay, tôi lại đi họp phụ huynh (PH) học sinh (HS) đầu năm. Con trai đầu của tôi năm nay học lớp 12, con gái kế học lớp 11, cháu út học lớp 6. Với mỗi cháu, cứ mỗi năm học, tôi đều “được” họp PH ba cuộc (đầu, giữa và cuối năm); tính sơ, đến giờ, tôi đã dự trên 80 cuộc họp PHHS, chưa kể lúc các cháu còn học ở bậc mẫu giáo. 

Hop phu huynh kieu do, bieu sao khong nan?
 

Với thâm niên và bề dày dự họp, tôi nhận thấy, dù trường lớp khác nhau, dù thời điểm họp khác nhau, mọi cuộc họp PHHS đều giống nhau: giáo viên chủ nhiệm phát biểu, đại diện PHHS nêu các khoản cần đóng góp, PH đóng tiền rồi ra về. Mỗi lần tôi họp về, vợ tôi đều hỏi “họp có gì không”, tôi đáp “đóng bốn trăm”, “đóng ba trăm”, vì theo tôi, đó là thông tin mới. Đi họp PHHS đồng nghĩa với việc đóng tiền, điều đó đã thành nếp, không thể khác được.

Tuy nhiên, có một điều khiến tôi cảm thấy không vui, đó là các thầy cô chủ nhiệm quá “lậm” thành tích, khiến tôi có cảm giác mọi HS khi rời trường, hành trang mà các cháu mang theo trong suy nghĩ cũng nặng hai chữ “thành tích”, bởi chúng được thẩm thấu, tích tụ từng ngày qua 12 năm học phổ thông. 

Có một lần, lúc tôi họp PHHS lớp 1 cho đứa con trai đầu, cô giáo trẻ nhắc đi nhắc lại lý do vì sao mà PH nên kèm cặp cho các cháu, đưa các cháu đến trường sớm. Theo cô, nếu đi học trễ thì “sao đỏ” sẽ ghi tên; còn nếu một HS học dở thì thi đua của lớp sẽ bị ảnh hưởng (?). 

Một điều dễ nhận thấy là, khi điểm qua tình hình lớp, giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng nhắc đến tỷ lệ HS xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, trung bình - yếu kém và xướng danh những HS đạt các thứ hạng cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp quận, cấp thành phố. Mà thi thố thì “muôn hình vạn trạng”, nào thi mỗi môn học, nào thi năng khiếu, thi “vở sạch chữ đẹp”, thi các cuộc do báo này, mạng nọ tổ chức. Các thầy cô thường tỏ ra tự hào khi điểm lại những thành tích này. 

Thay vì làm sao để HS phát triển toàn diện, giúp các em phát huy được những tố chất vượt trội, khả năng tiềm ẩn, thì các thầy cô thường quy về thành tích do hệ thống giáo dục từ cấp trên ấn xuống cấp trường, từ nhà trường ấn xuống thầy cô, kiểu như: “Lớp chúng ta vẫn còn một số em khá; PH cố gắng kèm cặp cho các cháu, để cuối năm, các cháu được xếp loại giỏi”.

Thậm chí, khi các con tôi còn học tiểu học, sau hàng núi bài tập, hằng tuần, các cháu cứ phải nai lưng cắt dán họ tên, giải bài dự thi do một tờ báo tổ chức, mà lý do là: tỷ lệ HS tham gia cuộc thi này đã “được” đưa vào nội dung thi đua của các lớp (?).

Họp PHHS chỉ để đóng tiền và để nghe những dặn dò nhằm đáp ứng những yêu cầu về xếp loại thành tích của lớp, biểu sao mà không nản?

Hồ Vinh 
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI