Trong câu chuyện của họ, chỉ cần một người nhắc lại kỷ niệm là ai cũng rưng rưng. Nhân 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), qua sự phối hợp tổ chức giữa báo Phụ Nữ và Hội Cựu TNXP, vào sáng 22/4, 100 cựu nữ TNXP TP.HCM đã có được một cuộc hạnh ngộ nồng ấm và xúc động…
“CHÂN ĐỒNG, VAI SẮT, MẮT NGỰA, BỤNG THẦN TIÊN”
Trong ngày gặp mặt, các chị còn nhắc lại với nhau câu “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” mà chiến sĩ quân giải phóng tặng các chị Liên đội 5 Thanh niên xung phong (TNXP). Chị Lê Thanh Lan (Phó chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP TP.HCM) kể lại những kỷ niệm “rất phụ nữ”: “Ở rừng thiếu thốn trăm bề, ngày đầu tiên vào đơn vị, tôi được phát hai bộ quân phục nhưng quần cao tới... cổ! Một đồng đội của chị Lan kể: “nhớ những ngày phải mặc cả quần áo ướt, vì chỉ còn đúng một bộ. Chuyện ghẻ, lác là thường tình. Khi thiếu thốn quá, với những chiếc võng có hai lớp, chúng tôi phải cắt bớt một lớp để may áo”.
Câu chuyện rộn ràng hơn khi có thêm các chị quây quần góp lời. Các chị dù chiến đấu ở miền Đông hay miền Tây Nam bộ cũng không khác gì trong sinh hoạt, chẳng hạn, người ốm tịnh dưỡng ở doanh trại nhường quần áo khô cho người ra chiến trường. Vậy lúc ở cùng với bộ đội thì sao? Chị Nguyễn Thị Phong mỉm cười: “Mấy anh tâm lý lắm, thường buổi trưa gọi nhau xuống công sự để chúng tôi tự nhiên ra giếng tắm. Chỉ ngặt và thương cho những ai lúc "đến tháng", mà băng gạc quý lắm, chỉ ưu tiên băng bó cho thương binh…”.
Các chị lắng lại khi kể về những giây phút khắc nghiệt của chiến tranh. Có những lúc chất độc hóa học của Mỹ rải xuống, ai ngửi cũng bị sưng cổ họng, nuốt nước bọt thì cổ bỏng rát như xát muối, nước mắt nước mũi ràn rụa. Trong lúc nguy cấp, có chị phải rửa mặt bằng… nước tiểu của mình. Rồi có những đợt công tác phải ngâm mình dưới nước nhiều ngày, đỉa vắt muỗi mòng nên không ít chị bị các bệnh long lở móng tay chân, sốt rét…
Chị Lê Thanh Lan rơm rớm nước mắt lúc nhớ lại trận đánh ở Lái Thiêu năm 1968, chị ẵm bồng Minh - đồng đội bị thương trên tay và không thể quên câu nói cuối cùng: “Chị ơi, em chắc không sống nổi”. Còn chị Thanh Phương bùi ngùi khi nhắc lại những ngày đã chôn bộ đội, đồng đội của mình. Nhớ nhất vẫn là lúc vừa chôn xong thì bom đạn lại cày xới lên lần nữa, chị đã khóc nức nở…
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm vào hội trường để tham dự chương trình với chiếc nón tai bèo. Khi được hỏi “Tại sao vẫn thích đội nón tai bèo trong thời bình?”, chị bỗng bật khóc: “Tôi nhớ về đồng đội của tôi, trong đó nhiều người đã nằm xuống”. Trong sự vỗ về an ủi của đồng đội ngồi cạnh bên, chị kể câu chuyện của đời mình trong tiếng nấc: “Năm 1967, mới 15 tuổi, tôi đã xin vào TNXP để đánh giặc. Khi ấy, ba tôi đang bị giặc bắt, đánh chết đi sống lại, tôi chứng kiến cảnh giặc tràn vào làng đốt phá, hãm hiếp phụ nữ nên trong lòng thôi thúc mong muốn làm sao để được sớm ra chiến trường, gia nhập vào đoàn quân tải vũ khí từ Campuchia về khu vực Bảy Núi (An Giang).
Có lần, trung đội chúng tôi vận chuyển đạn từ Campuchia về, bị giặc phục kích. Chúng tôi vừa lo thoát thân, vừa lo bảo vệ vũ khí. Về được đến đơn vị mới phát hiện lạc mất hai đồng chí. Một đồng chí lanh trí trét bùn lên người để lẩn thoát, còn đồng chí Hồng Láng bị địch bắt. Để bảo vệ đồng đội, Hồng Láng đã chủ động đâm đầu vào tường giam để tìm cái chết. Sau này, đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi còn nhớ như in. Cùng ăn cùng ở, cùng vào sinh ra tử với nhau nhiều năm như thế, hỏi sao gặp nhau mà không khóc? Thời mới vào chiến khu, chị em TNXP chúng tôi thường nói với nhau “chia tay đừng khóc, hãy để dành nước mắt cho ngày gặp lại”. Đúng là như vậy".
Chị Nguyễn Thị Hoa Trưng nghẹn ngào: “Tình cảm đồng đội thiêng liêng lắm, bởi chúng tôi đã cùng nhau trải qua những quãng thời gian khốc liệt nhất. Nhất là đối với nữ TNXP - những con người vốn mềm yếu, giàu tình cảm mà phải thoát ly gia đình nên sớm gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt”. Chị Hoa Trưng trở thành du kích xã Phước Long (Long Thành - Đồng Nai) năm 18 tuổi. Làm du kích được nửa năm, chị gia nhập lực lượng TNXP, lãnh nhiệm vụ tải thương, tải gạo. Dù làm công tác hậu cần nhưng chị thường xuyên sát cánh cùng bộ đội ở tiền tuyến. “Ở tuyến đầu, chị em TNXP không được phép cho mình yếu đuối nên đã chủ động nhờ bộ đội huấn luyện chiến đấu”. Nhìn nét cười hiền khô của người phụ nữ gần 70 tuổi bây giờ, ít ai ngờ được chị từng cầm súng AK, dùng pháo cối, ném lựu đạn điêu luyện. Chị kể: “Chúng tôi nối gót bộ đội để tải thương và lo hậu cần. Có những trận, bộ đội ngã xuống, chúng tôi gỡ súng trên tay các anh để xông lên chiến đấu”.
Niềm vui ngày gặp mặt - Ảnh: Phùng Huy
CẦN ĐỀN ĐÁP NHIỀU HƠN NỮA CHO CÁC MẸ, CÁC CHỊ
NSƯT Quang Lý có mặt từ rất sớm để tranh thủ trò chuyện cùng các cựu nữ TNXP. Anh cho rằng, câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn rất tiêu biểu cho tinh thần của lực lượng TNXP. Anh không nhớ mình đã hát câu hát đó bao nhiêu lần trước hàng ngàn TNXP, nhưng lần nào cũng xúc động. Anh trầm tư: “Kể cả thời bình, vẫn có những con người không chọn việc nhẹ nhàng, lao lên để làm nhiệm vụ tái thiết đất nước mà tiêu biểu nhất là lực lượng TNXP. Sau ngày giải phóng, tôi từng cùng nhạc sĩ Trần Tiến rong ruổi đi hát phục vụ TNXP. Tôi rất thích một câu trong bài hát của Trần Tiến là “có một đoàn TNXP, toàn con gái chưa chồng…”. Hát lên câu đó, tôi thấy xót xa lắm. Chúng ta cần chăm lo, bù đắp nhiều hơn nữa cho lực lượng nữ cựu TNXP là vậy”.
Một ca sĩ khác từng gắn bó, phục vụ cho lực lượng TNXP lâu dài là NSƯT Quỳnh Liên cũng có mặt tham gia chương trình. Chị bùi ngùi: “Không cần nói gì to tát hay cao siêu, tôi nể phục các cựu nữ TNXP bởi họ đã hy sinh những điều giản đơn mà phụ nữ nào cũng khát khao: được yêu, được làm điệu với son phấn, quần áo đẹp. Khi viếng những cô gái TNXP hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, tôi đã bật khóc khi thấy rất nhiều người mang những chiếc kẹp và dây cột tóc nhỏ xinh đặt lên mộ phần các cô gái ấy”.
Chị Lê Thanh Lan cho biết: “Để tổ chức cho cựu TNXP gặp được nhau không dễ, được gặp nhau trong một chương trình ý nghĩa thế này lại càng quý. Mong rằng hoạt động đền ơn đáp nghĩa như cách báo Phụ Nữ tổ chức sẽ được duy trì và nhân rộng để phần nào làm vơi nỗi thiệt thòi của các cựu nữ TNXP”.
Tâm huyết với các chương trình đền đáp, hỗ trợ cựu nữ TNXP, bà Lê Huyền Ái Mỹ (Tổng biên tập báo Phụ Nữ) chia sẻ: “Chăm lo cho cựu nữ TNXP là nhiệm vụ đặc biệt, bởi báo Phụ Nữ đã được Thành ủy TP.HCM tin cậy “đặt hàng” trong công tác này. Thế hệ sau hiểu biết về TNXP trước năm 1975 chủ yếu qua sách vở, lời kể nhưng vẫn cảm nhận được sự khốc liệt và sự thiệt thòi mà các cô, các chị đã trải qua. Chúng tôi rất kính phục sự can trường và tinh thần xung kích mạnh mẽ của các thế hệ TNXP. Trong thời bình, tinh thần xung phong, xung kích của lực lượng TNXP càng cần được tiếp nối và phát huy trong thế hệ trẻ. Báo Phụ Nữ luôn hướng đến những hoạt động có tính thiết thực cao trong việc hỗ trợ cựu nữ TNXP. Năm 2012, báo đã tổ chức giao lưu với 300 cựu nữ TNXP, năm nay dành cho 100 người và hoạt động ý nghĩa này sẽ được tiếp diễn thường niên…”.
LÊ VĂN NGHỆ - TRẦN TRIỀU
Tại buổi giao lưu, đại diện Công đoàn báo Phụ Nữ đã trao cho chị Võ Thị Lụa (ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng (do cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Phụ Nữ TP đóng góp). Ngoài việc được gặp nhau chuyện trò, các cựu nữ TNXP còn được Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi tặng 50 triệu đồng, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood trao tặng 150 phần quà. |