Họp khẩn ứng phó với lũ đang lên nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long

31/07/2018 - 14:28

PNO - Lũ từ thượng nguồn đổ về đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân vùng ĐBSCL.

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp khẩn về ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân, do diễn biễn bất thường của thời tiết cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, ảnh hưởng vỡ đập thủy điện tại Lào, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Hop khan ung pho voi lu dang len nhanh o Dong bang song Cuu Long
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp về ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, mực nước cao nhất ngày 29/7 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 2,87m, trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,38m.

Do lũ thượng nguồn về, trong 2 - 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới báo động (BĐ) 1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới báo động 1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên BĐ1 là 0,20m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên BĐ1 là 0,10m), sau đó biến đổi chậm.

Đến ngày 18/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,55m (trên BĐ1 là 0,05m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc ở mức 2,95m (dưới BĐ1 là 0,05m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1 - 2.

Ông Hoàng Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung và tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn.

Kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là tuyến các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây; đôn đốc tổ chức xử lý khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hiệp, các địa phương cần chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ.

Chỉ đạo việc kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ, để tổ chức cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn. Hướng dẫn người dân kỹ năng phòng chống thiên tai trên truyền hình, phát thanh, truyền thanh xã, ấp, nhất là kỹ năng phòng tránh lũ, dông, lốc, sét…

Thái Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI