Má ở bệnh viện chữa bệnh hơn 20 ngày thì được về nhà. Nghỉ thêm vài bữa, má nói thằng Hai “triệu tập” anh chị em, mở cuộc họp. Hai đứa em gái ở xa, tuốt TPHCM và Đà Lạt, nghe điện thoại anh Hai vội vàng thu xếp về quê.
|
Bảy đứa con và dâu rể vội vàng về theo lời "triệu tập" của má (Ảnh minh họa) |
1.
Má gấp gáp mở cuộc họp gia đình vì lo mình đổ “cây bệnh lớn” như lần trước mà lại chẳng được may như lần trước. Bữa đó, má đang chụm lửa nấu ấm nước thì lên cơn mệt. Từ bếp vô thềm nhà chưa tới mười bước chân, má đi không nổi, tim đau thắt, thở không được. Má ôm ngực, nằm sõng soài ngoài sân. May mà anh Ba đi thăm đồng về kịp, gọi taxi đưa má vô bệnh viện. Bác sĩ kêu anh Ba nói nhỏ: “Chuẩn bị tinh thần lo hậu sự cho bác”. Anh Ba ôm mặt khóc.
Điều kỳ diệu xuất hiện. Nhờ y, bác sĩ nỗ lực hết mình và có lẽ nhờ ý chí kiên cường của má cùng sự cầu nguyện của cả nhà, chỉ vài phút sau, má hồi sinh. Theo dõi trong phòng cấp cứu thêm hai ngày, má được chuyển ra khoa tim mạch, rồi khoa nội tiết điều trị thêm 20 ngày.
Bác sĩ nói má bị suy tim, phù phổi - biến chứng cuối cùng của chứng tiểu đường má chung sống đã gần 20 năm. Bác sĩ còn dặn cả nhà vẫn phải chuẩn bị tinh thần, vì những “cơn” thế này còn trở lại thường xuyên.
Má “chủ trì” cuộc họp, đãi cả nhà rổ khoai lang, khoai môn luộc. Trước, má cảm ơn các con đã bỏ công bỏ chuyện, thay phiên túc trực chăm sóc má mấy chục ngày nằm viện. Sau, má ngập ngừng: “Từ khi ba bây mất, má khổ quá, không lo được cho tụi con như con cái nhà người ta. Má lâu nay chỉ dành được bảy chỉ vàng đang gửi chỗ thằng Hai. Giờ thằng Hai đưa lại má chia cho đủ bảy đứa”.
Anh Hai đi mở tủ lấy vàng, là bảy chiếc nhẫn, má đưa cho mỗi đứa một chiếc bắt đeo vô ngón tay. Nhỏ Út cầm chiếc nhẫn, chưa kịp đeo, tính mở miệng nói thì má phẩy tay, ngăn lại: “Để má nói tiếp”.
“Đất đai nhà mình không nhiều, hồi thằng Ba, thằng Tư cưới vợ, má cắt chia cho dựng nhà yên ổn rồi. Vợ chồng thằng Hai lâu nay ở với má, giờ má cho lại căn nhà này. Coi như ba thằng đều có đất có nhà. Má chỉ thương bốn đứa con gái cũng là má mang nặng đẻ đau lại không được cho gì. Có trách, chắc má xin nhận. Nhưng má mừng vì ba đứa có chồng, nhà cửa cũng ổn định”.
Má quay sang nắm tay Út: “Thương là thương Út của má chưa có bến nào để đậu. Nhưng, con rất giỏi. Lúc có con, má với anh chị đã bớt khổ, cùng nuôi con ăn học. Con đi làm, một mình mà mua được nhà ở Sài Gòn, má cũng bớt lo”. Rồi má chậm rãi: “Vậy, có đứa nào trách gì má không? Có đứa nào không vui vì má không cho gì không?”.
Cả đám lắc đầu, má nói tiếp: “Ba thằng má cho nhà, đất là để thực hiện chuyện má giao sau đây: Một là cúng giỗ dòng họ, tổ tiên cho tươm tất; hai là phải hứa với má, bốn đứa con gái của má dù có ở đâu, đi đâu, sống hạnh phúc hay bất hạnh thì hễ các em về, về bất cứ nhà thằng anh nào, ở lại bao lâu thì các anh phải yêu thương; đừng để xảy ra tình cảm lạt lẽo, anh em về mình không đón tiếp, lời nặng tiếng nhẹ. Làm anh, mình phải làm sao để các em có cảm giác dù cha mẹ không còn nhưng còn anh chị là còn có quê hương, gốc gác, có chỗ để về. Ngoài đời có khi không như ý chuyện này chuyện kia hay xui rủi cuộc sống thất bại, nếu không còn anh chị, quê hương để nghĩ tới thì sẽ rất tội nghiệp”.
Má nói đến đó, mắt bảy anh chị em và các dâu, rể đỏ hoe.
|
Ảnh: Internet |
2.
Cuộc họp chưa kết thúc, má lấy từ trong túi ra tờ lịch có mấy dòng nguệch ngoạc hôm qua được thằng cháu viết giùm, cười hiền khô: “Tới “quà” má giao cho ba thằng giữ đây”. Cả nhà bật cười khi nhìn vào tờ lịch, thấy ghi ngày tháng mấy cái đám giỗ.
Má trầm giọng: “Ở đây có sáu cái đám giỗ, giờ má nêu từng cái cho ba thằng xung phong. Thằng Hai khá giả hơn phải nhận giùm má ba cái. Lâu nay má cúng giỗ ai ra sao, giờ đứa nào nhận giỗ ai thì cứ giống như má trước đây mà lo cho chu đáo”.
Trước hết, má hỏi giỗ bà nội đứa nào xung phong nhận. Trong chừng một phút, không gian cuộc họp như quánh lại. Anh Hai, anh Ba, anh Tư lén nhìn nhau. Má phá tan sự khó xử: “Người mất thì đã mất lâu rồi. Má nghĩ rằng khi sống ai cũng có lỗi lầm, khó ai hoàn hảo. Từ khi bà nội mất, má giữ đạo dâu con, cúng giỗ đàng hoàng. Có giận hờn, buồn phiền thì giờ đã đến lúc tụi con phải bỏ qua cho nội, để trọn đạo. Mình không thể cứ ôm hờn suốt đời”.
Anh Ba buột miệng: “Hay anh Hai nhận đi, con chưa nguôi được. Con không nhận không hẳn con ghét bỏ gì bà nội”.
Anh nói xong, òa lên khóc. Ai nấy rưng rưng. Chuyện cũ không dưng ùa về.
… Hồi ba mất, má khổ sở nuôi bầy con khôn lớn nhưng không được bà nội thương. Bà nghe lời chú Út, không muốn má và các cháu ở lại trên mảnh đất gia đình, nên tìm cách hắt hủi. Người làng buông lời chê trách, nội ngại ngùng cắt cho má một mảnh vườn nhỏ xíu. Má dựng căn chòi đủ che mưa tránh nắng cho cả tám mẹ con. Má không ngại khó, khổ; ai kêu gì cũng làm để kiếm tiền đong gạo. Dư đồng nào, má dành đồng đó rồi mua lại từng mét đất vườn của chú Út và người hàng xóm kế bên. Vậy nhưng đất ngày xưa bán mua bằng… niềm tin. Dù có xóm làng chứng kiến nhưng tới mấy bận, hết bà nội đến các cô, chú thi nhau… đòi lại. Có lúc má dọa tự vẫn mới giữ được đất tới giờ.
Thêm một chuyện trớ trêu. Hồi đó, anh Ba yêu một chị làng trên chừng hai năm thì con trai của chú Út yêu… em gái của chị này. Má thì nói không sao nhưng bà nội không chịu. “Ai mà hai anh em cưới hai chị em bao giờ” - bà nội lý lẽ. Anh Ba và người yêu đau khổ. Má thương con, nên cũng rất đau khổ.
Chuyện chưa đâu vào đâu thì con của chú sang nhà người yêu hỏi cưới để… “chạy bầu”. Từ đó, anh Ba bị người yêu tránh mặt. Anh thất tình cứ đi tìm gặp chị. Bà nội hay tin, mắng má không biết dạy con, còn anh Ba thì… không nên nết.
Chuyện cũ chưa nguôi, chuyện mới xuất hiện. Chú Út làm nghề sửa xe, một hôm nhận hàn bình xăng (trị giá năm phân vàng thời đó) cho một người trong xóm. Bữa đó chú đi ăn giỗ, quên đóng cửa tiệm khiến ai vô lấy mất bình xăng. Chú về, la ầm khắp xóm. Bà nội quả quyết anh Ba trộm, đem đi bán chứ không ai vào đây. Tối, chú cùng hai người bạn vờ rủ anh Ba đi công chuyện rồi đưa anh ra đồng, đánh mắng, tra khảo, bắt anh phải nhận là kẻ trộm.
Khuya đó anh về, toàn thân tím bầm, xuống bếp lấy gói thuốc trừ sâu má dành diệt chuột, chạy thẳng ra ngoài đồng. Má và cả nhà đuổi theo anh… Mất người yêu, dù không nhận vẫn mang tiếng thằng trộm, anh đau đớn bỏ xứ đi làm ăn xa, mấy năm sau mới về quê mua đất ruộng, làm nông đến bây giờ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio |
***
Má nói má mệt rồi nên để má chia luôn, dựa trên tình cảm và điều kiện từng đứa. “Chia rồi thì đứa nào ý kiến ý cò má điều chỉnh sau. Thằng Hai giỗ bà nội, ba và chị Cả. Thằng Tư giỗ ông nội và ông ngoại. Thằng Ba giỗ bà ngoại với má” - má quyết.
Nhỏ Út sửng sốt: “Má nói gì vậy? Người còn sống mà má nói vậy. Con không chịu. Con nghe thấy buồn”. Má cười, đưa tay xoa đầu Út: “Má 80 rồi. Ai rồi cũng chết. Giờ má không giao, sau này lỡ cả đám nạnh hẹ giỗ má rồi anh em bất hòa”.
Út ôm má, sụt sùi rồi lấy chiếc nhẫn một chỉ vàng má đưa lúc nãy, bỏ vào lòng bàn tay má. Giọng Út nghèn nghẹn: “Con tặng má. Mà má dành dụm, kham khổ cả đời rồi, con không muốn má cất cái này nữa. Mai con với chị dâu sẽ đi bán, lấy tiền đưa má. Má hứa với con sẽ dành tiền này, thích ăn gì nói mấy anh chị mua”. Các anh chị cũng lần lượt trả lại má mấy chiếc nhẫn vàng. Má từ chối không được, đành nhận.
Cuộc họp gia đình kết thúc. Nhìn nét mặt má tươi tắn, mãn nguyện mà bầy con buồn vui lẫn lộn. Chị dâu nãy giờ “trốn” đâu dưới bếp, bưng lên nồi cháo nghi ngút khói. Buổi chiều của gia đình thật êm đềm, vui vầy. Và tôi - nhỏ Út - cứ mong sao thời gian đừng trôi đi…
P.Vân