Hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay rơi được tìm thấy, Trung Quốc xác nhận 132 người thiệt mạng

27/03/2022 - 17:00

PNO - Hộp đen thứ 2 được tìm thấy bị chôn vùi dưới 1,5 mét đất và sẽ được đưa đến Bắc Kinh để phân tích.

 

Các đội phục hồi hôm Chủ nhật đã tìm thấy hộp đen thứ hai - bộ ghi dữ liệu chuyến bay - từ đống đổ nát của chiếc máy bay phản lực Boeing 737-800 của Hãng hàng không China Eastern Airlines
Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy hộp đen thứ hai - bộ ghi dữ liệu chuyến bay - từ đống đổ nát của chiếc máy bay phản lực Boeing 737-800 của Hãng hàng không China Eastern Airlines

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm Chủ nhật 27/3 rằng các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy hộp đen thứ hai của chuyến bay China Eastern Airlines MU5735 bị rơi vào ngày 21/3. Chiếc hộp này có khả năng cung cấp manh mối quan trọng về vụ tai nạn khiến 132 người chết.

Báo cáo cho biết chiếc hộp này được tìm thấy khi nó bị chôn vùi dưới lớp đất 1,5 mét vào ngày thứ bảy 26/3 tại khu vực bị cản trở khá nhiều do mưa và nguy cơ lở bùn.

Hộp đen sẽ được đưa đến Bắc Kinh để phân tích dữ liệu. Hộp đen đầu tiên, máy ghi âm buồng lái, đã được lực lượng cứu hộ tìm được vào hôm 23/3 và cũng đã được gửi đến Bắc Kinh để phân tích.

Cuối ngày 26/3, các nhà chức trách Trung Quốc cũng xác nhận tất cả 132 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Hộp đen hay còn gọi là máy ghi chuyến bay được xem là rất quan trọng, nó lưu trữ dữ liệu của toàn bộ chuyến bay như đường bay, tốc độ, độ cao và công suất động cơ, có thể tiết lộ liệu lỗi của con người hoặc sự cố thiết bị có thể góp phần gây ra tai nạn hay không. Trên tất cả các máy bay chở khách đều mang theo hai máy ghi âm có chứa âm thanh từ buồng lái và dữ liệu chuyến bay mở rộng có thể cung cấp manh mối về nguyên nhân vụ tai nạn.

Hộp đen là gì? Vì sao nó quan trọng trong các vụ tai nạn máy bay?

Thuật ngữ “hộp đen” được dùng để chỉ hai thiết bị ghi chuyến bay khác nhau, cả hai đều được yêu cầu phải có trên máy bay.

Một là máy ghi âm buồng lái, thu âm thanh từ các micrô xung quanh buồng lái, từ các cuộc trò chuyện giữa thành viên phi hành đoàn đến âm thanh động cơ và cảnh báo hệ thống âm thanh. Cái còn lại là bộ ghi dữ liệu chuyến bay theo dõi thông tin về hoạt động của máy bay, chẳng hạn như độ cao và tốc độ của nó.

Mặc dù tên gọi là hộp đen nhưng thực tế nó trông giống hình trụ màu cam hơn.

Nguồn gốc của biệt danh "hộp đen" là không rõ ràng, mặc dù một số người nói rằng nó có thể xuất phát từ những thiết kế ban đầu từ những năm 1950.

Ngày nay, các thiết bị được sơn một màu cam huỳnh quang có khả năng hiển thị cao - màu tương tự được sử dụng cho nón giao thông và áo bảo hộ xây dựng. Điều này nhằm giúp các đội tìm kiếm phát hiện chúng dễ dàng hơn trong đống đổ nát, bùn, nước hoặc các điều kiện khác.

Hộp đen được chế tạo để có độ bền cực cao, với vỏ bằng thép không gỉ hoặc titan và bên trong cách nhiệt có thể chịu được nhiều loại va chạm khác nhau. Các thiết bị này có khả năng chống sốc, chống cháy, chống nước và được trang bị đèn hiệu định vị phát tín hiệu khi ngâm trong nước.

Hộp đen được lắp đặt ở phía sau máy bay vì đây là khu vực ít có khả năng bị hư hại nặng nhất trong một vụ tai nạn.

Máy ghi dữ liệu chuyến bay chứa dữ liệu quan trọng, bao gồm đường bay, tốc độ và độ cao của máy bay.
Máy ghi dữ liệu chuyến bay chứa dữ liệu quan trọng, bao gồm đường bay, tốc độ và độ cao của máy bay

Hộp đen thường là những phần nguyên vẹn duy nhất của máy bay sau khi bị tai nạn có thể được lấy lại, cung cấp thông tin có giá trị về những gì đã xảy ra ngay trước khi máy bay rơi và cách cải thiện an toàn bay trong tương lai.

Vào năm 2018, chuyến bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air đã gặp sự cố ở Indonesia đến nỗi hộp đen đã nát một phần của bộ ghi dữ liệu chuyến bay, nhưng bộ nhớ quan trọng vẫn hoạt động tốt. 

Nhưng chúng không phải hộp đen là không thể phá hủy. Điển hình là mặc dù các đội tìm kiếm đã có thể khôi phục cả hai hộp đen cho Chuyến bay 77 của American Airlines, bị khủng bố chiếm đoạt và đâm vào Lầu Năm Góc trong vụ tấn công Mỹ ngày 11/9/2001, nhưng máy ghi âm buồng lái đã bị hư hỏng đến mức phần lớn băng ghi âm không có âm thanh nào có thể sử dụng được.

Việc phân tích hộp đen cũng mất rất nhiều thời gian, thường là mất vài tháng có khi cả năm. Thậm chí, có những hộp đen phải mất đến vài năm mới phân tích hết dữ liệu.

Thảo Nguyễn (theo SCMP, Reuters)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI