Hồng Kông: Thi thể chất đống trong các bệnh viện do số ca tử vong do COVID-19 tăng kỷ lục

28/02/2022 - 16:51

PNO - Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Hồng Kông tăng mạnh trong thời gian gần đây đã khiến cho hệ thống y tế của đặc khu này bị quá tải, và những nơi lưu trữ thi thể của các nạn nhân không còn chỗ để tiếp nhận thêm.

Theo tờ SCMP, hiện có rất nhiều thi thể của những người tử vong vì COVID-19 đang được để tạm ở hành lang, hoặc ngay trên giường, bên trong các khoa cấp cứu tại các bệnh viện công tại Hồng Kông, khi các nhà xác tại đây đã hết chỗ chứa.

Bệnh nhân Covid-19 chờ đợi tại khu vực tạm ở Trung tâm Y tế Caritas ở Cheung Sha Wan vào thứ Bảy
Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi tại Trung tâm Y tế Caritas ở Cheung Sha Wan 

Hôm 27/2, ông David Chan Kwok-shing - đại diện của Liên minh Nhân sự quản lý bệnh viện - cho biết, ông đã nghe nói rằng trong một số trường hợp, thi thể của bệnh nhân COVID-19 vẫn còn nằm trong khoa cấp cứu một ngày mới được chuyển đến nhà xác của bệnh viện.

“Hệ thống y tế của Hồng Kông đã hoàn toàn bị quá tải”, ông Chan nói.

Bác sĩ Albert Au Ka-wing, cán bộ y tế tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của đặc khu (CHP), cho biết có 3 cơ sở lưu trữ thi thể công cộng đã hoạt động đến 90% công suất trong tuần qua, do sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca nhiễm COVID-19 mới, kéo theo số ca tử vong tăng lên mức kỷ lục.

“Các nhà xác Fu Shan ở Tai Wai, Kwai Chung và Victoria ở thị trấn Kennedy đã tăng tổng sức chứa từ 506 thi thể lên 1.350, nhưng tất cả đều được lấp đầy nhanh chóng”, ông Au nói.

Kể từ khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 5 bắt đầu càn quét Hồng Kông vào cuối tháng 12/2021, đặc khu này đã ghi nhận 158.683 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch lên 171.214. Các quan chức y tế đã báo cáo 83 ca tử vong liên quan đến COVID-19 chỉ trong ngày 27/2, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 727.

Bác sĩ Lau Ka-hin - Giám đốc chất lượng và tiêu chuẩn của CHP - thừa nhận rằng việc vận chuyển các thi thể từ bệnh viện đến các nhà xác hiện đang gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi nhận thấy số ca tử vong đang tăng mạnh do thời tiết lạnh hơn, và đại dịch cũng đang diễn biến tồi tệ hơn. Nhiều bệnh nhân tại phòng cấp cứu đã ở trong tình trạng nguy kịch, hoặc đã bị ngừng tim.

Chúng tôi không thể ứng phó kịp thời với việc vận chuyển xác chết vào lúc này. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng các thi thể vẫn phải nằm tạm tại phòng cấp cứu. Chúng tôi đã cố gắng hết sức”, ông Lau chia sẻ.

Ông cũng cho biết, chính quyền đã trao đổi với các sở y tế, và Cơ quan Thực phẩm và vệ sinh môi trường, để nhanh chóng đưa các thi thể về nơi lưu trữ; đồng thời liên hệ với các dịch vụ tang lễ và gia đình các nạn nhân, để họ có thể chuyển các thi thể đi sớm và giải phóng chỗ chứa cho các nhà xác.

Nhưng một số nhà tang lễ đã từ chối nhận thi thể.

“Theo tôi hiểu, đó là quy định riêng của từng nhà tang lễ. Chúng ta cũng có thể hiểu điều này, vì COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm. Nếu dịch lây lan và bùng phát từ nhà tang lễ, thì kết quả sẽ có thể rất thảm khốc. Nhà tang lễ có thể phải đóng cửa để khử trùng và gián đoạn hoạt động”, Ng Yiu-tong - Chủ tịch Hiệp hội các công ty tổ chức tang lễ Hồng Kông - giải thích.

“Về cơ bản, các gia đình có thể đưa người quá cố trực tiếp từ nhà xác bệnh viện đến nhà hỏa táng của chính phủ. Nhưng nhiều người vẫn muốn tổ chức tang lễ cho người thân của mình, và vì vậy họ muốn giữ thi thể của người thân tại nhà xác, đợi cho đến khi các nhà tang lễ có chỗ. Ngoài ra, nhiều người Hoa cũng thường không thích tổ chức tang lễ vào đầu năm mới, sau Tết Nguyên đán”, ông Ng nói thêm.

Theo SCMP, trong đợt bùng phát dịch SARS tại Hồng Kông năm 2003, 299 người tại đây đã tử vong, nhưng vẫn không xảy ra cảnh “thi thể chất đống tại bệnh viện”. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện công đã được báo cáo vào đầu năm 2004 và 2019, phần lớn là do người thân không muốn nhận thi thể để tổ chức tang lễ trong tháng đầu tiên của Tết Nguyên đán.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI