Hồng Kông phát triển công nghệ phát hiện trẻ tự kỷ

15/03/2021 - 16:57

PNO - Một nhà khoa học Hồng Kông đã phát triển một phương pháp sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để quét (scan) võng mạc của trẻ em ở độ tuổi từ 6 nhằm phát hiện sớm chứng tự kỷ hoặc nguy cơ bị tử kỷ.

Theo Benny Zee, một giáo sư của Đại học Trung Hoa Hồng Kông, việc scan võng mạc mắt giúp cải thiện khả năng phát hiện sớm và điều trị hiệu quả chứng tự kỷ ở trẻ. Theo đó, giáo sư Zee sử dụng camera có độ phân giải cao và một phần mềm máy tính mới để phân tích tổng thể các nhân tố liên quan đến chứng bệnh này, bao gồm các lớp thần kinh thị giác và các mạch máu trong mắt. “Với công nghệ này, chúng ta có thể nhận diện trẻ có nguy cơ mắc chứng tự kỷ và thực hiện các chương trình điều trị sớm hơn cho các em”, giáo sư Zee cho biết.

Giáo sư Benny Zee nghiên cứu kỹ thuật scan võng mạc để phát hiện bệnh tự kỷ ở trẻ em
Giáo sư Benny Zee nghiên cứu kỹ thuật scan võng mạc để phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ em - Ảnh: Reuters

Bảy mươi trẻ em đã được thử nghiệm sử dụng công nghệ nói trên, trong đó có 46 em bị tự kỷ và  24 em có thể kiểm soát được hành vi. Công nghệ này có thể xác định trẻ tự kỷ với độ chính xác lên đến 95,7%. Độ tuổi trung bình của trẻ tham gia thử nghiệm này là 13 và nhỏ nhất là 6. Các phát hiện của giáo sư Zee đã được công bố trên EClinicalMedicine, một tạp chí y khoa dành cho giới chuyên ngành.  

Các chuyên gia điều trị tự kỷ rất hoan nghênh kết quả nghiên cứu của giáo sư Zee. Họ cũng cho biết hiện vẫn còn sự kỳ thị khá lớn trong xã hội về chứng bệnh này, dẫn đến một thực tế là nhiều bậc cha mẹ thường miễn cưỡng tin rằng con mình mắc chứng tự kỷ ngay cả khi đã có những dấu hiệu rõ rệt. “Rất nhiều trường hợp, cha mẹ phủ nhận việc con mình bị tử kỷ ngay từ đầu. Việc thực hiện một xét nghiệm y khoa hay chẩn đoán theo dấu hiệu sinh học như phương pháp của giáo sư Zee sẽ giúp giảm bớt tình trạng cha mẹ phủ nhận hay giấu bệnh của trẻ, từ đó giúp các em được điều trị nhanh hơn và sớm hơn”, Tiến sĩ Caleb Knight, người đang điều hành một trung tâm trị liệu tự kỷ tư nhân chia sẻ.  

Theo một thông cáo được gửi qua email của chính quyền Hồng Kông, trẻ bị tự kỷ thường phải chờ đến 80 tuần mới được cha mẹ cho gặp một chuyên gia trong lĩnh vực y tế công.

Giáo sư Zee cho Reuters biết nghiên cứu của ông hướng đến mục tiêu trở thành một công cụ để hỗ trợ cho việc đánh giá chuyên môn được thực hiện bởi các chuyên gia y tế được cấp phép và hy vọng sẽ thương mại hóa công trình nghiên cứu này trong năm nay.

Nhất Nguyên (theo Reuters/CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI