Hồng Kông là thành phố đắt đỏ nhất thế giới

20/06/2023 - 15:36

PNO - Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài, trong khi Singapore nhảy lên vị trí thứ 2.

 

Hồng Kông đứng đầu cuộc khảo sát của Mercer trong năm thứ hai liên tiếp. Ảnh: Jelly Tse
Hồng Kông đứng đầu cuộc khảo sát của Mercer trong năm thứ 2 liên tiếp - Ảnh: Jelly Tse

Hôm 20/6, công ty tư vấn Mercer vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về chi phí sinh hoạt, cho thấy thành phố Hồng Kông đã đứng đầu danh sách. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hồng Kông chiếm vị trí này, trong khi Singapore tăng 6 bậc từ thứ 8 nhảy lên vị trí thứ 2. Các thành phố Zurich (Đức), Geneva và Basel của Thụy Sĩ lần lượt chiếm các vị trí hàng đầu khác ở vị trí thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Tracey Ma, Lãnh đạo Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của công ty Mercer, cho rằng sự trỗi dậy của Singapore chủ yếu là nhờ vị thế tiền tệ mạnh cũng như lạm phát cao do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Kết quả khảo sát này hơi khác so với một cuộc khảo sát khác về chi phí sinh hoạt cho người nước ngoài do công ty vốn nhân lực ECA International thực hiện hồi đầu tháng này. Theo bảng xếp hạng của ECA, Hồng Kông ở vị trí thứ hai sau New York  (Hoa Kỳ), Singapore xếp ở vị trí thứ 5.

Chi phí nhà ở là một yếu tố chính trong bảng xếp hạng của ECA, với báo cáo cho rằng giá thuê nhà ở New York tăng vọt do những người quay trở lại sau đại dịch, trong khi nguồn cung chỗ ở của Singapore không thể theo kịp nhu cầu. Theo ECA, giá nhà ở Hồng Kông giảm mà nguyên nhân là do các chuyên gia đổ lỗi cho tình trạng dân số chậm lại và lãi suất thế chấp tăng.

Tuy nhiên, Mercer cho biết các thành phố của Trung Quốc và Nhật Bản đã đi ngược xu hướng trong cuộc khảo sát của họ. Đáng chú ý nhất, thủ đô Bắc Kinh và Tokyo đã rớt khỏi 10 thành phố hàng đầu năm 2022 để lần lượt đứng ở vị trí thứ 13 và 19.

Ba thành phố tụt hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng là Yokohama, Nagoya và Osaka đều là của Nhật Bản, tụt từ 56 đến 65 bậc so với năm ngoái.

Các thành phố trên đất liền cũng tụt hạng. Trong khi Thượng Hải giữ vị trí thứ 12, Thâm Quyến tụt 7 bậc xuống thứ 20, trong khi Quảng Châu từ thứ 18 xuống thứ 36 và Thanh Đảo từ thứ 22 xuống thứ 55. 

Mercer giải thích tình hình hoạt động của Thượng Hải là do thị trường nhà ở đang thu hẹp và nhu cầu về bất động sản cho thuê giảm. “Hầu như tất cả các thành phố ở Trung Quốc đại lục và Nhật Bản đều tụt hạng. Những lý do chính là nhu cầu của người tiêu dùng tương đối chậm hơn và vị thế tiền tệ yếu hơn so với đồng đô la Mỹ. Nhật Bản cũng đang trải qua mức tiêu thụ nội địa thấp và điều đó đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau đại dịch"- Tracey Ma nói thêm.

Mercer dự đoán rằng các chính sách tiền tệ quốc gia và việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có khả năng gây ra tăng trưởng thu nhập thấp và thất nghiệp nhiều hơn vào năm 2023.

Công ty cho biết nhiều nhà tuyển dụng trên khắp thế giới đang xem xét lại các ưu tiên của họ sau nhiều tháng làm việc từ xa trong suốt đại dịch COVID-19 về việc đánh giá sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như suy nghĩ về các thành phố mà họ chọn sinh sống.

Trọng Trí (theo SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI