Hồng Kông biểu tình, mặt nạ chống độc hút hàng

23/08/2019 - 12:54

PNO - Doanh số bán mặt nạ chống độc đã tăng vọt ở Đài Loan. Đặc biệt trong tháng qua, nhiều cửa hàng thông báo hết hàng khi số người Hồng Kông cần “trang bị” để tự bảo vệ mình trong các cuộc biểu tình tiếp tục căng thẳng.

Nhu cần cao gấp 3 lần cùng kỳ

“Công ty đã tăng trưởng 3 con số về doanh thu mặt nạ và bộ lọc khí so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện chúng tôi đang hết hàng và phải mất ba tháng để nhận được nhiều hơn từ nhà sản xuất”, một giám đốc bán hàng chuyên cung cấp thiết bị bảo vệ sỉ trực tuyến Ceachain Enterprise, có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết.

Bắt đầu từ tháng 6, cảnh sát ở Hồng Kông đã sử dụng hơn 1.800 đạn cay bắn vào các đoàn biểu tình đòi dân chủ khởi nguồn từ việc phản đối dự luật dẫn độ.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc lạm dụng hơi cay vượt quá sự cần thiết nhằm kiểm soát đám đông có thể biến nó thành vũ khí chết người.

Hong Kong bieu tinh, mat na chong doc hut hang
Người biểu tình Hồng Kông đã tìm nguồn cung ứng mặt nạ phòng độc ở Đài Bắc sau khi nguồn cung cấp cạn kiệt tại quê nhà: Ảnh: Lawrence Chung

Thị trường nội địa Hồng Kông đã hết nguồn cung cấp mặt nạ phòng độc từ tháng trước và các công ty chuyển phát nhanh cũng đã ngừng cung cấp các sản phẩm từ phía đại lục. Con đường duy nhất còn lại, người biểu tình Cảng Thơm chuyển hướng sang nguồn cung ở Đài Loan.

“Vì nhu cầu đang tăng lên hàng ngày, cuối cùng, thay vì chỉ bán sỉ, chúng tôi quyết định cho phép người mua cá nhân mua và nhận sản phẩm thẳng từ công ty của chúng tôi, với điều kiện họ đặt hàng qua điện thoại trước một ngày”, giám đốc ngành hàng của Ceachain Enterprise nói.

Một nhà cung cấp sỉ khác ở Đài Bắc cho biết, trước đây không có nhiều khách hàng mua các thiết bị hô hấp. Từ khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra, doanh số tại công ty của ông đã tăng vọt trong những tuần gần đây. Họ đã bán hết hơn 3.000 chiếc mặt nạ chỉ trong một tháng. Đó là số tiền gấp ba lần so với tổng số lượng mà ông đặt hàng từ nhà sản xuất trong nguyên cả năm 2018.

Tại Công ty dụng cụ và hoá chất Fusheng, cũng ở Đài Bắc, một nhân viên bán hàng nói rằng hầu hết mọi người đến cửa hàng đều mua nhiều bộ thiết bị, với mỗi bộ bao gồm mặt nạ, hai hộp lọc và các gói miếng lọc.

Khách hàng cho biết họ sẽ mang qua Hồng Kông cho bạn bè và bản thân vì hiện họ không thể tìm được nguồn cung ở trong nước.

“Trong cuộc biểu tình mới nhất, hơi cay đã không được sử dụng nhưng Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam và cảnh sát không bảo đảm rằng họ sẽ không sử dụng trong cuộc biểu tình lớn dự kiến ngày 31/8 tới. Vì vậy để an toàn hơn, chúng tôi mua chúng ở đây để chuẩn bị trước. Chúng tôi đã cố gắng mua hoặc đặt mua thiết bị tại quốc nội, nhưng không thể tìm thấy nguồn cung cấp ở Hồng Kông”, vị khách hàng nói.

Anh này cũng cho hay, mình không ở trong tuyến đầu các cuộc biểu tình nên không gặp phải hơi cay. Nhưng bạn bè của anh đã bị với triệu chứng ho và viêm mắt nghiêm trọng.

Đài Loan quyên góp, ủng hộ Hồng Kông khiến đại lục tức giận

Mục sư Huang Chun-sheng, người đứng đầu Giáo hội Trưởng lão Che-Lam tại Đài Loan, cho biết họ cũng đã bắt đầu thu thập nguồn cung cấp thiết bị hô hấp cho người biểu tình sau khi nghe tin rằng nó đang không còn bán ở Hồng Kông.

Một số người Đài Loan ủng hộ nhiệt tình cuộc biểu tình đã bắt đầu quyên góp và yêu cầu mục sư Huang tổ chức gửi thiết bị đến những người có nhu cầu ở Hồng Kông. Cho đến nay, giáo hội của ông đã gửi hơn 1.000 bộ thiết bị đến Hồng Kông, thông qua bưu điện hoặc qua các chuyển phát cá nhân.

“Chúng tôi làm điều này vì quan ngại nhân đạo, đặc biệt là sau khi có báo cáo rằng nhiều người vô tội đã bị thương trong các cuộc biểu tình”, ông Huang nói.

Trong một diễn biến liên quan, Bắc Kinh đã cáo buộc Đài Bắc quá ủng hộ tình trạng bất ổn ở Hồng Kông bằng cách cung cấp đồ bảo hộ cho người biểu tình ở đây.

Đầu tuần này, Ma Xiaoguang - Phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh - lên tiếng đả kích Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và chính phủ của bà. Trung Quốc cho bà đóng một vai trò cực kỳ “ô nhục” trong trước cơn khủng hoảng Hồng Kông và yêu cầu họ rút “bàn tay đen” khỏi thành phố tài chính này.

Ma Xiaoguang cũng cảnh báo Đài Loan về việc tị nạn cho người biểu tình ở Hồng Kông và nói rằng Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của Đài Bắc hòng can thiệp vào vấn đề Hồng Kông.

Trong mắt Bắc Kinh, Đài Loan là một “tỉnh lỵ bướng bỉnh” đang chờ thống nhất với đại lục bằng vũ lực, nếu thấy cần thiết. Họ đã đình chỉ quan hệ trao đổi chính thức với đảo quốc tự trị kể từ khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016. Bà Thái theo quan điểm từ chối chấp nhận nguyên tắc một Trung Quốc của Bắc Kinh.

Quốc Ngọc (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI