Hồng Kiên: Mở cửa những giấc mơ âm nhạc

25/07/2015 - 09:06

PNO - PN - Mỗi lần trò chuyện với Hồng Kiên, tôi luôn có cảm giác mình phải “khởi động” anh. Vì cứ nói về chuyên môn, thế nào Kiên cũng đầy vẻ thận trọng, thậm chí hơi nghiêm túc quá và... hơi khách sáo.

Nhưng sau những chặt chẽ và lạnh lùng (có khi còn nhấm nhẳng) ban đầu ấy, Kiên “nóng” rất nhanh và vô cùng hào hứng dắt người đối thoại vào phần “lõi” của mình. Đó là một thế giới nồng ấm và bay bổng, điên rồ và phấn khích, nơi chỉ dành cho những giấc mơ trìu mến, đầy phấp phỏng như khi ta yêu.

Thế giới đó là Âm Nhạc. Giấc mơ đó là In The Spotlight - nơi Kiên quán xuyến tinh thần với vai trò Giám đốc âm nhạc; đó là Anh Em - ban nhạc mà Kiên gắn bó 20 năm qua luôn với vị trí khuất lấp của một nghệ sĩ kèn tài hoa. Nơi đó là đời sống đơn độc của Kiên, người sùng bái những chuẩn mực đẹp đẽ và chính thống của âm nhạc.

Hong Kien: Mo cua nhung giac mo am nhac

ÂM NHẠC VIỆT NAM ĐANG CẦN ĐIỀU ĐÚNG HƠN ĐIỀU MỚI

* Cách đây bốn năm, In The Spotlight (ITS) ra đời, khăng khăng tôn vinh âm nhạc thuần chất. Ai cũng nói thái độ ấy và cách làm nghề quá kỹ lưỡng thực sự gây khó cho chính nhà sản xuất, nên thật khó tin khi ITS đã đi qua nhiều mùa âm nhạc. Tôi có cảm giác các phiên bản của ITS giống như một đường vòng xoáy, các anh đi trong nó, cẩn thận hơn nhưng cũng ngày càng mạo hiểm hơn…?

NS Hồng Kiên: Người ta có thể đi mãi trong âm nhạc, cái vòng tròn ấy luôn hấp dẫn vì nó tiếp diễn và biến đổi. Vòng xoáy mà ITS đang đi là cả sự mạo hiểm và cẩn thận. Mạo hiểm đến mức mình luôn đau tim và thấp thỏm, tuy nhiên chúng tôi kiểm soát tình thế với sự tính toán cẩn thận của những người làm nghề. Thường mình đã mạo hiểm về âm nhạc thì lại phải cẩn thận hết sức về tổ chức sản xuất, hoặc ngược lại. Tôi nghĩ cách mình yêu và tiến hành tình yêu như thế nào, điều đó quan trọng nhất. Mình phải tạo nên một lý tưởng, một thông điệp âm nhạc đúng để kêu gọi mọi người đi theo. Khi mình bắt đầu con đường tiến vào Tâm điểm Âm nhạc, sự quyết liệt rất kinh khủng, nhưng khi mình gần chạm vào giấc mơ thì có gì đó rất đặc biệt, nhẹ và tĩnh, không còn chút nôn nóng nào.

* Ngay từ đầu ITS đã chọn con đường mang tinh thần dễ chịu, những chuẩn mực chính thống của âm nhạc. Vì sao không phải là việc khai phá những miền mới lạ và kỳ thú hơn trong thế giới âm nhạc mênh mông ấy, thưa anh?

- Sứ mệnh của ITS không phải là tạo nên một giá trị mới, hay làm người mở đường. Chúng tôi đang làm Đúng về âm nhạc. Tôi cho rằng thị trường âm nhạc VN hiện nay đang cần điều Đúng hơn là điều Mới. Mọi người hay hỏi các nghệ sĩ, “dạo này có gì mới”. Nếu hiểu sâu, đây là câu hỏi rất khó đối với người làm nghề. Vì để liên tục mới thì chỉ có thể cố gắng trên hình thức, khi ấy cốt lõi về âm nhạc sẽ ngày càng giảm bớt đi. Trên thực tế, một người tìm ra được phong cách của mình trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của anh ta, đã là rất khó. Mới khó lắm! Âm nhạc cần có một cái gốc trên nền tảng cơ bản: âm thanh hay, ban nhạc chơi thật, ca sĩ hát thật, khán giả xúc động và lắng nghe. Tôi nghĩ chỉ phấn đấu cho Đúng, cho Hay - điều đó cũng là đủ.

Hong Kien: Mo cua nhung giac mo am nhac

Ban nhạc anh em đang tập luyện cho In the spotlight

* Ở thị trường âm nhạc Việt Nam, giới làm nghề và khán giả như hai bánh răng khó thể khớp nhau. Có người cố gắng quyến rũ khán giả chuyển động thẩm mỹ theo thứ nghệ thuật mà anh ta tin, có người lại cố gắng dò ý để nương theo khán giả. Tôi không nói về khái niệm cao cấp hay thấp cấp ở đây, chỉ muốn hỏi anh có tin vào một điểm gặp giữa thị hiếu và âm nhạc đích thực?

- Hai mươi năm sống trong đời sống âm nhạc Việt Nam, con người nghệ sĩ trong tôi nhiều lúc mâu thuẫn. Vừa đầy lý tưởng, rồi lại thấy hoài nghi và lung lay… Nhưng cuối cùng tôi thấy, mình đến được với âm nhạc đã là điều may mắn lắm rồi, để sống được với nó suốt đời thì cần phải lao động miệt mài, không ngừng nghỉ. ITS không phải là cuộc chơi hay sự thử nghiệm, để dọa nạt và chứng minh là chúng tôi đang đúng. Mà tôi cố gắng tìm điểm đến giữa thị hiếu và âm nhạc đích thực. Giấc mơ tôi theo đuổi chính là âm nhạc mang tính nghệ thuật cao, và có tính giải trí. Người làm nghề mà chỉ biết đến sự cực đoan của mình, không cần ai nghe - thì điều đó là vô nghĩa. Nhưng anh dễ dãi đến mức quá nhiều người nghe, thì điều ấy còn vô nghĩa hơn.

TÔI LÀ NGƯỜI LÀM VIỆC!

* Anh đứng sau hơn hai mươi đêm diễn của ITS, tôi chắc là cảm giác rất thắt tim. Anh nhớ những khoảnh khắc nào?

- Đó là khi ê kíp chúng tôi ra chào lúc cuối chương trình, được nhìn ánh mắt khán giả ở dưới, họ vẫn nán lại, trên những gương mặt rạng rỡ còn nguyên sự xúc động. Đó là lúc trên sân khấu, chúng tôi có thể quay lại nhìn nhau, gật đầu với nhau. Lúc này miêu tả lại với bạn, tôi còn thấy sởn gai ốc. Nó như sự liên kết tinh vi, chỉ có ban nhạc đúng nghĩa, tập thể ruột thịt - mới có thể trao nhau cảm giác ấy. Thật tuyệt khi chúng tôi tìm thấy điều đẹp đẽ ấy trong âm nhạc.

Hong Kien: Mo cua nhung giac mo am nhac

* Từ “chúng tôi” mà anh dùng, hẳn để gọi ban nhạc Anh Em - những gã đàn ông cố kết vào nhau trong một tình yêu chung suốt hai mươi năm qua?

- Nếu để tồn tại ban nhạc đúng nghĩa ở VN, tôi có thể nói chắc rằng chỉ có Anh Em. Chúng tôi song hành cùng nhau từ 1996, tồn tại của ban nhạc là sự kết nối bằng âm nhạc, tất cả chúng tôi là thước đo đầu tiên về âm nhạc của từng thành viên. Người nào có tác phẩm, chính ban nhạc sẽ thẩm định đầu tiên. Môi trường âm nhạc tốt như thế, khi tập hợp lại với nhau chắc chắn mang đến sức mạnh. Chúng tôi sống với nhau vượt ngoài nốt nhạc, mà là lý tưởng xuyên suốt bao năm. Tôi không nghĩ Anh Em là ban nhạc nữa, mà là một hình tượng cần có trong nhạc trẻ Việt Nam. Vì tính lý tưởng, chặt chẽ, sự dám chấp nhận thách thức sáng tạo.

* Trong một tập thể luôn có người đứng trước. Nhưng ngay cả những người đứng sau của Anh Em hình như cũng chưa bao giờ sốt ruột?

- Trong ban nhạc Anh Em, không có việc đứng sau hay đứng trước. Sản phẩm là công sức của mọi người. Trong môi trường tốt, bạn sẽ không đòi hỏi mình cống hiến để được cái gì, mà sẽ sống chết với lý tưởng, không đòi đền đáp lại. Chỉ cần khích lệ nhau, có thể ngồi nói về những say mê chung. Bây giờ chúng tôi cũng không phải nói với nhau những điều đó nữa, thấu cảm đến mức tự hiểu được nhau trong im lặng! Không có sự so bì, nên chúng tôi tồn tại bên nhau tới tận bây giờ, mỗi người đều có hoài bão riêng để phát triển, và mọi người luôn hỗ trợ. Đó là việc chúng tôi đang làm để âm nhạc trở về việc Đúng.

* Anh có vẻ trăn trở về việc thế nào là Đúng trong âm nhạc. Liệu có trầm trọng quá không, âm nhạc để thư giãn mà?

- Việc Đúng là đứng lên và làm việc. Hiện giờ âm nhạc đang bị nói nhiều quá, hiện diện trong đời sống không phải bằng giai điệu và âm thanh mà bằng các phát ngôn. Nhiều người nghĩ âm nhạc chỉ để mua vui. Về định nghĩa có thể thế, nhưng đem được niềm vui cho mọi người thì phải lao động chết mệt đấy. Cuối cùng, tôi là người làm việc! Thay vì than vãn, bi quan, tôi nghĩ chúng ta cần đứng lên để làm điều tử tế. Sẽ chỉ thống lĩnh âm nhạc bằng chính âm nhạc, chứ không phải bằng tiền hay những tuyên ngôn to tát.

Hong Kien: Mo cua nhung giac mo am nhac

Hồng Kiên và Dwight Watkins - đồng đạo diễn chương trình âm nhạc Peabo Bryson

* 12/9 tới tại Hà Nội và 18/9 tại TP.HCM, ITS trở lại với một tên tuổi lớn của âm nhạc thế giới - Peabo Bryson. Danh xưng “ông hoàng của những bản tình ca”, hay hai giải Grammy mà Peabo Bryson đã nhận - có phải là lý do quan trọng nhất để giám đốc âm nhạc Hồng Kiên quyết định mời nghệ sĩ này về Việt Nam?

- Tôi đặc biệt xúc động về Peabo, vì ông luôn chọn cách lùi lại để dồn toàn sức cho tác phẩm là đỉnh cao, chứ không phải kiếm tìm sự tỏa sáng cho chính mình. Tinh thần ấy là biểu tượng đáng quý vô cùng đối với những người làm nghề. Peabo Bryson tượng trưng cho nền âm nhạc giai điệu của thế giới nay đang bị tuyệt chủng dần. Một giọng hát tình tứ đầy quyến rũ, vẻ đẹp thuần khiết và êm đềm của những bản tình ca - đó là món quà chưa bao giờ hết hấp dẫn từ Peabo, và ông ấy sẽ mang Nó đến Việt Nam.

* Show diễn của Peabo Bryson mở đầu cho phiên bản mới của ITS. Những chuỗi chương trình vẫn tiếp tục ra đời, luôn khó hơn cả về yếu tố nghệ thuật và khả năng bán vé. Anh có gặp “ác mộng” của áp lực không?

- À, tôi đứng trước những cánh cửa tự bào đục bằng tay, có thể màu sơn không đều, có thể kêu cọt kẹt - nhưng nó tuyệt đối khác những cánh cửa đúc một khuôn công nghiệp. Sau mỗi cánh cửa sẽ là một khoảng trời, một giấc mơ, một thế giới tràn đầy âm thanh. Chưa chắc mở cửa ra đã là lúc trời đẹp, có thể là những khoảng đau đớn và nhiều u ám. Nhưng dù gì thì mỗi lần tiến đến mở những cánh cửa mới của ITS, tôi vẫn đem theo tất cả sự hồi hộp, phấp phỏng, nỗi lo sợ - cùng niềm phấn khích và hân hoan bất tận.

Hong Kien: Mo cua nhung giac mo am nhac

* Cảm ơn nhạc sĩ Hồng Kiên về cuộc trò chuyện này!

 Quỳnh Hương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI