Hơn phân nửa số người đói trên thế giới là ở châu Á

02/11/2021 - 06:10

PNO - Với 418 triệu người bị thiếu dinh dưỡng hiện nay, châu Á đang chiếm hơn một nửa số người thiếu ăn trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2021, phần lớn số người bị đói tập trung ở Nam Á, chiếm 305,7 triệu người.

Đông Nam Á theo sau với 48,8 triệu người và Tây Á là 42,3 triệu người. Phát ngôn viên chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc James Belgrave cho biết, hầu hết các quốc gia ở châu Á đã chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực do ảnh hưởng kinh tế - xã hội và tác động kinh tế của đại dịch. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và bão cũng góp phần không kém vào tình trạng này. 

Giáo sư kinh tế học ứng dụng Prabhu Pingali - Giám đốc Viện Tata - Cornell tại Đại học Cornell - lưu ý rằng thực ra sản xuất lương thực toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì vậy nạn đói là do mất thu nhập. “Không một quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nào bị sụt giảm sản lượng. Ấn Độ đã chứng kiến sản lượng ngũ cốc thu hoạch kỷ lục vào năm 2020 và 2021. Nguồn cung lương thực không phải là vấn đề ở hầu hết các nước châu Á. Vấn đề chính là khả năng tiếp cận lương thực do mất việc làm, chủ yếu ở những người lao động nhập cư với mức lương thấp, những người buộc phải trở về làng quê của họ”, Prabhu Pingali cho hay.

Tình nguyện viên tổ chức phi lợi nhuận Unique Foundation phân phát thực phẩm cho trẻ em ở khu dân cư có thu nhập thấp ngoại ô Siliguri, Ấn Độ - ẢNH: AFP
Tình nguyện viên tổ chức phi lợi nhuận Unique Foundation phân phát thực phẩm cho trẻ em ở khu dân cư có thu nhập thấp ngoại ô Siliguri, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Theo khảo sát của Social Weather Stations, hơn 20 triệu người Philippines cho biết họ bị đói trong ba tháng đầu năm nay, gấp đôi so với trước đại dịch. Họ nói rằng có những ngày họ không có gì để ăn, hoặc chỉ có thể ăn một bữa trong ngày. 

Tỷ lệ người nghèo ở Malaysia cũng trở nên tồi tệ hơn sau khi các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu nhập của nhiều lao động phi chính thức. Tháng trước, chính phủ tiết lộ rằng tỷ lệ nghèo tuyệt đối của Malaysia đã tăng lên 8,4% vào năm ngoái so với 5,6% vào năm 2019. Nhà kinh tế Muhammed Abdul Khalid - Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu DM Analytics - nói rằng Malaysia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc gia về tiếp cận lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng trong các hộ gia đình dễ bị tổn thương. “20% trẻ em Malaysia bị suy dinh dưỡng, đây là vấn đề lớn nhất sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi về lâu dài”, ông Muhammed cho biết.

Nạn đói đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, quốc gia đã trượt bảy bậc, xuống thứ 101/116 quốc gia trong Chỉ số Đói toàn cầu năm 2021 được công bố vào tuần này. Ấn Độ được xếp vào loại nạn đói “nghiêm trọng” và xếp sau Nepal (76), Pakistan (92) và Bangladesh (76). Báo cáo cho biết 15,3% dân số Ấn Độ bị suy dinh dưỡng và 17,3% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở trẻ em. 

Một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới khoa học Thái Lan cho thấy, đại dịch đã đẩy gần 800.000 người Thái Lan vào cảnh đói nghèo vào năm ngoái. Đói cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở Myanmar khi nước này phải vật lộn với cả đại dịch cũng như sự bất ổn về chính trị. Giám đốc quốc gia WFP Stephen Anderson cảnh báo vào tháng trước rằng nhiều người có thể phải đối mặt với tình trạng “thiếu thốn cùng cực” ở Myanmar.

Nạn đói trên thế giới xuất phát từ ba nguyên nhân: các cú sốc kinh tế như do COVID-19 gây ra, các hiện tượng thời tiết bất lợi như lũ lụt hoặc hạn hán, hoặc xung đột và mất an ninh như đã thấy ở Myanmar. Trong khi một số sự kiện này có thể được ngăn chặn hoặc giảm thiểu, nhiều sự kiện không thể ngăn chặn được. Trong đó, rõ nét nhất là khi COVID-19 hoành hành, gần 1/3 người trên thế giới không có đủ thức ăn. 

“Đại dịch đã có tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu. Các biện pháp được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 đã gây ra hiệu ứng lan rộng trên các nền kinh tế toàn cầu; việc làm cạn kiệt, giá lương thực tăng vọt và sinh kế biến mất. Chuỗi cung ứng thực phẩm bị đứt gãy, khiến nạn đói trong nhiều cộng đồng bị lan nhanh và đẩy con người đến nguy cơ chết đói cao hơn”, Belgrave nói. 

Khánh Anh (theo AP, Straits Times)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI