Kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Báo Phụ Nữ TPHCM (19/5/1975 - 19/5/2021)

Hôn nhân và chuyện ngôn tình

19/05/2021 - 10:20

PNO - Hai chuyện này có vẻ như hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau. “Ngôn tình” nghĩa là nói chuyện tình cảm. Người ta đã rút ra kinh nghiệm cay đắng rằng giai đoạn ngôn tình xảy ra trước giai đoạn hôn nhân, càng về cuối cuộc hôn nhân càng có ít chuyện ngôn tình. Người ta cũng cho rằng ngôn tình thực ra là chuyện hư cấu bịa đặt, tình yêu lãng mạn không thực, dành cho tuổi ô mai xí muội, khi các thiếu nữ còn quá tin tưởng vào những lời mật ngọt yêu đương.

Thế mà có một tờ báo 46 năm nay cố gắng hết mực trong việc rủ rỉ tâm sự, tư vấn, nhắn nhủ chị em sử dụng sức mạnh ngôn tình. Ừ thì, ngôn tình nghĩa là nói chuyện tình cảm. Chừng nào đàn bà còn biết cách nói chuyện tình cảm, đàn bà còn sức mạnh.

 

Có một tờ báo suốt 46 năm qua vẫn nhỏ to tâm sự vẫn rầm rì không dứt suốt 46 năm nay của tờ báo dành cho phụ nữ
Có một tờ báo suốt 46 năm qua vẫn nhỏ to tâm sự vẫn rầm rì không dứt với bạn đọc về các vấn đề của tình yêu hôn nhân, gia đình... - Ảnh minh họa

Ngôn tình hôn nhân

Có vẻ con người hiện đại đã ít nhiều quên mất rằng hôn nhân, vốn từ khởi thủy, không bắt nguồn từ tình yêu, mà bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản, thiết yếu. Trong đời sống nguyên thủy săn bắn hái lượm của mình, cá thể giống cái phải chọn một cá thể giống đực vì bản năng sinh tồn, vì thức ăn, vì chỗ sưởi ấm bên bếp lửa, vì bảo vệ con cái của mình. Lịch sử nhân loại chứng kiến hàng triệu cuộc hôn nhân vì tài sản, vì củng cố sức mạnh gia tộc, vì liên minh chính trị…

Hôn nhân vì tình yêu là một giai đoạn muộn màng trong sự phát triển nhân loại. Hoàn toàn có lý do để tin rằng sở dĩ hôn nhân mang màu sắc lãng mạn của tình yêu là bởi các nhà văn, nhà thơ ngợi ca, tô điểm cho nó; và phụ nữ là độc giả đông đảo của những thiên diễm tình ấy. Chuyện tình cảm có từ thời đó, lan tỏa tới tận bây giờ, mà có lẽ độc giả đông đảo nhất, nồng nhiệt nhất là phụ nữ, cho tới khi nhân loại phải công nhận rằng tình yêu là nền tảng cơ bản của mọi cuộc hôn nhân.

Phụ nữ yêu bằng tai, phụ nữ rất thích nói chuyện tình cảm, và rất thích người đàn ông nói chuyện tình cảm. Cho dù anh ta có cộc cằn đi nữa, phụ nữ cũng thích tưởng tượng ra đằng sau sự cộc cằn thô ráp ấy là những tình cảm mà chỉ một mình mình thấy, mình cảm nhận được. Và thế là yêu, là đám cưới. Hôn nhân là câu chuyện ngôn tình hấp dẫn nhất với nàng.

Trong bao nhiêu lá thư đổ vỡ, phản bội, ghen tuông cay đắng mà Hạnh Dung nhận được, thường có chung một điều: người đàn bà trong cuộc đã không còn nói chuyện tình cảm với chồng nữa. Chị ấy chỉ còn im lặng, quát, hét, khóc lóc ỉ ôi, gào lên hoặc đay nghiến. Chị ấy tức tối thù hận đến nỗi không thèm mở miệng, nói chi đến chuyện trò tình cảm với chồng. Thật dễ hiểu vì sao hôn nhân đành đổ vỡ: nó đã chẳng còn chút “ngôn tình” nào nữa rồi.

Nhưng phụ nữ vốn không logic như đàn ông để nhận ra mình có phần can dự rất lớn trong sự nguội lạnh ấy. Phụ nữ thường bị cảm xúc chi phối. Cứ nhìn việc các nàng mua sắm thì thấy: họ chỉ thực sự suy nghĩ sau khi đã mua món đồ đó. Vậy nên những trách móc kiểu như: từ khi lấy nhau, anh ấy không còn quan tâm, không còn lời nói tình cảm, không còn hiểu vợ mình… cứ được phụ nữ tuôn ra vô tội vạ. 

Khi chiếc lưới ngôn tình không còn được dệt, cuộc hôn nhân trước sau gì cũng lòi ra những góc cạnh trần trụi. Người có thiên bẩm dệt lưới ngôn tình là phụ nữ. Trách nhiệm với con cái, vai trò trụ cột gia đình, lòng chung thủy, sự hào hiệp, tính hài hước… tất cả những điều tốt đẹp có trong người đàn ông đều chỉ có thể bộc lộ bằng cách nói chuyện tình cảm với họ. Đừng bao giờ để đứt quãng những câu chuyện ấy. Khi không thể nói chuyện tình cảm với nhau được nữa, ấy là lúc hôn nhân đang gặp vấn đề…

Đừng ngại ngần nói lên tiếng lòng... - Ảnh minh họa
Đừng ngại ngần nói lên tiếng lòng... - Ảnh minh họa

Ngôn tình ly hôn

Cứ tưởng ly hôn là chuyện đổ vỡ, là đạp trên đống tro tàn, là tan hoang “lành làm gáo vỡ làm muôi”; nhưng thật ra không hẳn vậy. Càng bình thường hóa những cuộc ly hôn, càng thấy ly hôn cũng cần “ngôn tình” - cần nói chuyện tình cảm. Để ly hôn không trở thành một tai nạn chết người, một tai nạn khiến người sống sót trở thành tàn tật, cần rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Thôi thì mình là phụ nữ, mình nỗ lực theo kiểu của mình. Nói chuyện tình cảm là một thế mạnh, sao mình không dùng lấy nó?

Đừng coi ly hôn là một lần thua thiệt. Những gì từng được coi là tài sản, là sự đảm bảo an toàn cho phụ nữ như một (hay nhiều) ngôi nhà đẹp, quyền thế, sự giàu có, danh vọng, sự kính trọng xã hội, con cái để ràng buộc người chồng và ràng buộc hôn nhân… bây giờ trở nên chưa đủ. Phụ nữ còn muốn nhiều hơn nữa (dù họ hay bảo rằng họ chỉ cần ít thôi!). Ly hôn không phải là bàn thua nếu người phụ nữ chuẩn bị cho mình sẵn sàng bước vào cuộc sống mới, đón nhận tự do của mình. 

Vậy nên, sẽ chẳng có lợi gì nếu phụ nữ gây nên một đống đổ vỡ tan hoang rồi ra đi với hai bàn tay trắng. Hãy nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện, sử dụng sức mạnh của mình, thu xếp cuộc chia tay của mình, để mình có thể bước ra khỏi đó với ít tổn hại nhất. 

Nhiều chị em vẫn nghĩ rằng chẳng hay ho gì khi đưa chuyện lục đục của vợ chồng mình ra, vạch áo cho người xem lưng. Định kiến của xã hội về việc “bỏ chồng/chồng bỏ” cũng khiến nhiều chị em ngại ngần. Nhưng hãy nghĩ đến chặng đường trước mắt để cầm lên hành lý của mình, cầm lấy tay lái chuyến xe của đời mình. Những cuộc nói chuyện được chuẩn bị kỹ sẽ cho một khởi hành êm thấm và giàu năng lượng hơn rất nhiều. 

Thật khó khi phải giữ bình tĩnh trước những đổ vỡ. Nhưng ghen tuông, đánh ghen ầm ĩ không mang lại được gì. Lớn tiếng trong nhà cũng không mang lại được gì. Hãy chọn cách nói chuyện. Hãy làm chủ câu chuyện. Phụ nữ cần những người bạn thân, cần người tâm tình như Hạnh Dung là bởi vậy. Họ cần nói chuyện và nói chuyện tình cảm cũng là một kỹ năng cần rèn luyện thường xuyên. Hạnh Dung luôn mong chị em mạnh mẽ hơn, “mạnh” không có nghĩa là biến mình thành một người đàn ông. Phụ nữ mạnh mẽ khi họ sở hữu và ý thức được sức mạnh của mình. 

“Ngôn tình” có thể là một từ quá non để diễn tả sức mạnh của vũ khí mang tên “nói chuyện tình cảm” của phụ nữ, nhưng cứ mượn cái từ rất “ô mai xí muội” ấy để hiểu thêm, để quý hơn những cuộc chuyện trò nhỏ to tâm sự vẫn rầm rì không dứt suốt 46 năm nay của tờ báo dành cho phụ nữ…

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI