Đọc bài Dù Âu hay Á, cơm nhà là ngon, tôi thấy dáng dấp của mẹ chồng mình trong đó.
Mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon và cầu kỳ, bà lại rất kỹ tính. Mỗi ngày bà nấu ăn 3 bữa sáng, trưa, tối, thực đơn không bữa nào trùng bữa nào. Thức ăn buổi trưa dư, tối bà không dùng lại. Các món gia vị như hành, tiêu, tỏi, ớt... không được thiếu. Bà không thích cả nhà ăn ngoài vì sợ không an toàn. Ai cũng thích ăn món bà nấu, không chỉ ngon về khẩu vị, dinh dưỡng mà còn vệ sinh và đẹp mắt.
|
Phụ nữ là người ảnh hưởng đến thói quen ăn uống trong gia đình nhiều nhất (ảnh minh hoạ) |
Bà rất tự hào vì chồng con chỉ khen cơm bà nấu và ít ăn ngoài. Nhưng cũng chính sự cầu toàn của bà đã tạo cho bố chồng và các anh chị em chồng thói quen ăn uống cũng khó khăn, cầu kỳ không kém.
Không như mẹ chồng chỉ ở nhà nội trợ, ba mẹ tôi đều là dân công sở bận rộn suốt nên việc ăn uống trong nhà theo tiêu chí gọn gàng, đơn giản. Gia đình tôi cũng thường ăn nhà hàng hay đặt món qua dịch vụ vì không muốn mẹ mình đã mệt mỏi ở ngoài còn tất bật trong bếp khi về nhà.
Với quan niệm "ăn để sống chứ không sống để ăn", chúng tôi đơn giản hóa việc bếp núc để mẹ có thời gian nghỉ ngơi thay vì cứ phục vụ cả nhà. Tôi tin rằng chỉ khi người mẹ, người vợ khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái thì cả nhà mới thoải mái, vui vẻ.
Lúc mới cưới, dù không phải làm dâu nhưng tôi cũng khổ sở không ít vì những khác biệt trong sinh hoạt, nhất là khoản ăn uống. Anh người gốc Bắc, tôi người Nam nên khẩu vị cũng khác. Nhà anh hay ăn các món thịt, nhà tôi chuộng rau củ, gỏi, cá, mắm...
Tôi thích cuối tuần hay những dịp đặc biệt cả nhà ra ngoài ăn cho vui, để tưởng thưởng cho mình sau một tuần làm việc cực nhọc, còn anh chỉ thích ăn ở nhà. Dù anh không biết nấu ăn nhưng cái điệp khúc "cơm mẹ nấu" với hàm ý so sánh được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lúc khiến tôi muốn nổi đóa vì ý nghĩ anh gia trưởng, chỉ muốn "nhốt" vợ trong nhà và không nhìn nhận nỗ lực gìn giữ những bữa cơm gia đình của tôi.
Chúng tôi đã dung hòa bằng cách: tôi thay đổi cách nấu cho bớt "chỏi" khẩu vị của cả hai. Bù lại, thỉnh thoảng cả nhà ăn ngoài để thư giãn hoặc khi bận rộn, mệt quá thì đặt dịch vụ để "chữa cháy" chứ không như mẹ anh, bị ốm vẫn phải dậy nấu vì không ai chịu ăn ngoài.
|
Trai hay gái cũng nên tập nấu ăn để chia sẻ việc bếp núc, tránh xung đột khi bữa ăn gia đình không được như ý (ảnh minh họa) |
Gia đình cậu em chồng thì không được suôn sẻ như chúng tôi. Cô vợ 9X của cậu không biết và cũng không muốn tập nấu ăn, dù là những món đơn giản. Cô thích tụ tập bạn bè và rất sành địa chỉ các quán ăn. Vợ chồng mới cưới chưa có điều kiện thuê giúp việc nên hôm nào không ăn ngoài thì vợ chồng xoay tua bữa về nội, hôm về ngoại... ăn ké. 2 bà mẹ thường nấu dư để cô đem về cho bữa sau.
Lần mẹ chồng đi nuôi cô út ở cữ 3 tháng, vợ chồng cậu em cãi nhau dữ dội chuyện ăn uống vì ăn ngoài mãi cũng ngán, lại tốn kém. Cậu em không thích về nhà mẹ vợ ăn vì không giống "cơm mẹ nấu". Nói mãi cô em dâu cũng không chịu vào bếp. Đỉnh điểm là khi cô vợ đòi ly hôn vì cậu em phải lòng cô đồng nghiệp nào đó thường chia sẻ đồ ăn trưa ngon lành cho cậu. Với lý lẽ vợ chồng đều đi làm bận rộn như nhau, sao vợ phải chợ búa, nấu ăn, cô không chấp nhận việc chồng "ăn vụng" chỉ vì vợ không tự nấu.
Tôi không bênh vực cô em bạn dâu, dù không phải cô ấy không có lý. Nhưng tôi cũng không đồng tình với thái độ cực đoan trong chuyện ăn uống của cậu em. Có lẽ không sai khi cho rằng mẹ chồng tôi cũng góp phần tạo nên sự bảo thủ của con mình.
Nhiều bà mẹ thích chăm chồng, con bằng những món ngon tự nấu cho an toàn, bổ dưỡng với niềm tin sự tận tụy của họ sẽ thắt chặt tình cảm gia đình và không ai thay thế được vị trí của họ. Tuy nhiên, khi con cái trưởng thành, chúng phải gắn kết với người bạn đời của mình với ít nhiều khác biệt về lối sống, sinh hoạt. Sự thiếu linh hoạt, khả năng thích nghi kém với những thay đổi dễ khiến những đứa con bất hạnh trong cuộc sống riêng.
Nếu cứ bó gọn gia đình trong những khái niệm như "cơm mẹ nấu" và cho rằng như thế là tốt, là hay đồng thời phê phán "cơm hàng cháo chợ", những đứa con sẽ có một tuổi thơ đẹp đẽ nhưng cũng lớn lên với những cái chuẩn bất di bất dịch. Không khéo, người phối ngẫu của họ sẽ khó chấp nhận, thậm chí tổn thương.
Khái niệm "cơm mẹ nấu" phản ánh thói quen và ít nhiều thiên vị vì bà mẹ này nấu ngon với con mình, nhưng chưa hẳn hợp khẩu vị với con nhà khác. Những bà mẹ muốn cho con tuổi thơ đẹp đẽ với ký ức về những bữa cơm gia đình nếu không thể dạy con (dù trai hay gái) nấu ăn khéo như mình, thì chí ít cũng tập cho con sự linh hoạt, giỏi thích nghi nếu không muốn cuộc sống của con sau này bị ảnh hưởng chỉ vì đi đâu cũng đòi "cơm mẹ nấu".
Nguyễn Yến Nhi