"Khoảng thở" trong hôn nhân

Hôn nhân rất cần… thở

13/05/2021 - 10:25

PNO - Sửa chữa một cuộc hôn nhân không phải là chọc chỗ này, ngoáy chỗ nọ mà đôi khi chỉ cần căn chỉnh lại bản thân.

Theo Kaley Klemp, nữ tác giả cuốn sách tâm lý học nổi tiếng The 80/80 Marriage, đối với tình yêu - hôn nhân, việc “giúp nhau gìn giữ không gian cá nhân sẽ khiến tình cảm, sự nối kết thêm bền chặt”. Ngược lại, những cặp đôi thiếu đi “khoảng thở” thường trải qua xung đột, stress và áp lực dai dẳng. 

1.

Trong vô vàn vấn đề bạn đọc mang đến “Tiệm sửa chữa hôn nhân” của tôi mỗi ngày, cảm giác bức bối, ngạt thở với cuộc hôn nhân của mình luôn là thứ nhiều người gặp phải nhất.

Đó có thể là một cuộc hôn nhân ngạt thở vì người chồng gia trưởng hay người vợ quá đòi hỏi, kỳ vọng vào chồng. 

Đó cũng có thể là sự nhàm chán, vòng lặp của những cuộc hôn nhân bao năm rồi chẳng nói được với nhau điều gì mới mẻ.

Cũng có khi đó lại là một khoảng thời gian bức bối mà người vợ, người chồng đang phải trải qua mà không sao chia sẻ được với bạn đời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôn nhân trở nên ngộp thở luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn chứ không phải bởi có người thứ ba như chúng ta hằng nghĩ.

Hôn nhân ngộp thở không phải chỉ đến từ những người chồng vô tâm mà còn đến từ cả những người vợ yêu chồng mà kỳ vọng, đòi hỏi người đàn ông của mình phải thế này, thế kia.

Tôi đã đọc được nhiều bức thư của những ông chồng như thế. Những ông chồng bị vợ gọi là nhạt nhẽo, vô tích sự, vô dụng, không bằng chồng nhà người ta. Là yêu nên mới đòi hỏi. Là yêu nên mới muốn chồng mình trở nên tốt hơn.

Trong khi nhiều ông chồng cưới vợ xong là xong, không muốn thay đổi gì nữa. Theo thời gian, những thất vọng tạm thời trở thành thất vọng dai dẳng, bào mòn hạnh phúc và khiến cuộc hôn nhân đó căng như dây đàn.

Ở chiều ngược lại, chuyện người chồng gia trưởng, vô tâm cũng khiến người vợ gặp tình cảnh tương tự. Người phụ nữ, người vợ trong mỗi cuộc hôn nhân đều có nhu cầu được chồng lắng nghe, được nói với chồng, được bày tỏ, được ghi nhận… nói chung là sự phản hồi.

Thế nhưng trong cuộc hôn nhân ấy, với người chồng ấy, họ không nhận được “sự phản hồi”. Điều đó khiến cho cuộc hôn nhân ngày một trở nên nặng nề, khó thở. Chưa kể nhiều ông chồng gia trưởng, vô tâm, thay vì đáp lại vợ bằng sự lắng nghe, đã hồi đáp bằng những thứ khiến người vợ tổn thương ngày càng trầm trọng.

Nhiều bạn đọc hỏi tôi về việc phải làm gì với những cuộc hôn nhân ngộp thở. Liệu có cách nào để sửa chữa những ông chồng - bà vợ “hỏng hóc” như vậy không? Chúng ta sẽ làm gì để hôn nhân có khoảng thở, cho nó cơ hội hồi sinh?

2.

Tôi biết một cách đã thành công với nhiều người, dù nó thật… bá đạo và cũng gây nguy hiểm vô cùng. Kiểu người ta giảm đau bằng morphine (một loại thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện) vậy. Tất nhiên cách này chỉ có thể áp dụng với những cuộc hôn nhân “lấy nhau vì tình” bởi… có yêu mới có ghen.

Khi tình yêu phai nhạt, nhiều người đã tìm đến “máy trợ thở” - người thứ ba. Rõ ràng đó là việc vô cùng đáng lên án vì nó vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn áp dụng vì quả thật nó khiến người ta dễ thở hơn nhiều.

Họ tìm người thứ ba chỉ để giải tỏa, để thở được một phút chốc, rồi lại trở về với “mái nhà thân yêu”. Nhiều người cho rằng bằng phương pháp đó, họ đã bớt đau khổ đi nhiều. Thậm chí với nhiều người, khi bạn đời của mình phân tán tình cảm, sự quan tâm như vậy, vợ họ, chồng họ lại yêu họ nhiều hơn. 

Ban đầu tôi cũng cho đó là điều phi lý và phản đối. Song, tôi đã chứng kiến, đã gặp những cặp đôi như thế. Họ quả là yêu nhau hơn thật.

Người chồng có một mối quan tâm khác ngoài kia nên anh ta trở nên “dè chừng” với vợ hơn, sợ bị vợ phát hiện hơn. Anh ta quan tâm đến sắc mặt của vợ, cố gắng làm điều tốt nhất cho vợ để vợ không sinh nghi. Mà vô tình thành đúng điều vợ mong đợi. Thế nên vợ thấy yêu hơn.

Người vợ khi phân tán sự quan tâm đến một ai đó khác cũng vậy. Họ không còn xoay quanh chồng, không còn khắt khe với chồng nữa. Mà khi có “ai đó”, người vợ cũng trở nên hấp dẫn hơn, khiến chồng nhìn thôi cũng đã rung động.

Và như một linh cảm, người chồng chăm sóc vợ nhiều hơn vì… sợ mất vợ. Trong cuộc đời này, câu “Đến khi mất rồi mới tiếc” là có thật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3.

Nhưng từ từ đã nào, tôi cũng lại phải cảnh báo cho những ông chồng, bà vợ đang có ý định tòm tem bên ngoài vì thấy những điều tôi viết ra cũng… hợp lý.

Bởi số người thành công nhờ dùng “morphine hôn nhân” đều phải trải qua quá trình cai nghiện vất vả lắm. Chưa kể hầu hết trường hợp sốc thuốc dẫn đến tử vong. Hôn nhân đổ vỡ vì người thứ ba nhiều là vì thế. Không ai dám chắc loại máy trợ thở này có thể trở thành máy tắt thở lúc nào khi bị vợ hoặc chồng phát hiện.

Sử dụng máy trợ thở nguy hiểm thế, nhưng nguyên tắc của trợ thở vẫn có thể áp dụng cho cuộc sống hôn nhân kia mà.

Những người vợ, người chồng có thể sử dụng chính những kết quả kia để điều chỉnh lại bản thân. Thay vì có người thứ ba, tại sao không là chính bản thân mình, bước ra khỏi con người hiện tại của mình, trở thành người thứ ba trong chính cuộc hôn nhân của mình. Như cuốn sách có tựa: Làm thế nào để ngoại tình với chồng. 

Tạo ra một khoảng thở trong hôn nhân chi bằng tạo ra nhiều nguồn thở mới cho chính mình trước nhất. Vợ đòi hỏi quá, kỳ vọng quá, khiến mình ngạt thở thì tại sao không trở nên tốt hơn với chính phiên bản của mình? Để dù không bằng chồng nhà người ta nhưng sẽ không có ông chồng nào yêu vợ như mình. Không cần phải tranh thắng với vợ nữa, hãy cứ tốt đẹp lên trước đã.

Sửa chữa một cuộc hôn nhân không phải là chọc chỗ này, ngoáy chỗ nọ mà đôi khi chỉ cần căn chỉnh lại bản thân.

Còn những người vợ, nếu chồng gia trưởng và vô tâm, sao phải vật vã đòi hỏi chồng thay đổi? Sao không nâng tầm giá trị của mình lên, khiến cho mình trở nên tuyệt vời hơn nữa? Hòn đá có thể bị coi rẻ nhưng vàng mười thì ai dám bỏ quên. 

Cuối cùng, để hôn nhân hết ngột ngạt, tôi vẫn nghĩ đến việc chính mình chứ không phải chồng hay vợ cần sửa chữa. Là mình trở nên tốt đẹp hơn. Là đổ đầy cho bản thân hạnh phúc. Là em làm điều này không phải cho anh mà là để em cũng hạnh phúc. Là anh làm điều này cho em là để chính anh cũng hạnh phúc.

Chúng ta đừng nói về việc hy sinh hạnh phúc bản thân để đem đến hạnh phúc cho người khác nữa. Hạnh phúc vốn không phải sự đánh đổi. Hãy hạnh phúc vì mình làm điều đó chứ đừng làm điều đó để người ta hạnh phúc. 

Tôi cũng biết sẽ nhiều người nói rằng: nói thì dễ - làm thậm khó. Là bởi chúng ta không thật sự muốn làm mà thôi. Chúng ta chỉ muốn người khác phải làm cho mình nên khi họ không làm, chúng ta cảm thấy khó chịu, cảm thấy không hạnh phúc. Sao chúng ta không sửa đổi bản thân mà chỉ muốn người khác phải sửa đổi để phục vụ mình, để được như mình muốn? Nghe thật kỳ khôi nhưng quả thật nhiều người vợ, người chồng đang hành xử như vậy đấy.

Một lần nữa, tôi vẫn thiết tha với mọi người rằng: hãy đổ đầy bản thân mình bằng những hạnh phúc nho nhỏ đi. Bạn hạnh phúc rồi, chồng bạn, vợ bạn cũng sẽ được lây lan. Có hạnh phúc tự thân, bạn sẽ dễ thở hơn trong cuộc hôn nhân của chính bạn. 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI