‘Hôn nhân như biển cả, ai không bơi sẽ chìm’

13/03/2017 - 15:07

PNO - Đó là câu thoại: “Cuộc đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm” trong một vở kịch vợ chồng diễn viên Công Hậu-Bích Ngọc đã diễn gần 20 năm trước.

Câu thoại này đã được anh chị ‘chế biến’ và xem như châm ngôn sống của mình trong quan hệ vợ chồng.  

‘Hon nhan nhu bien ca, ai khong boi se chim’
Gia đình Công Hậu - Bích Ngọc

Những khúc quanh chìm nổi

Công Hậu và vợ - diễn viên Bích Ngọc vốn là bạn học cùng lớp ở trường Nghệ thuật sân khấu 2 (khóa 5, chung lớp với Thanh Hoàng, Phương Dung, Ái Như, Quốc Tuấn…). Thời mới vào trường, tuy là con nhà nghèo, học hành cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng Công Hậu lại ‘chảnh’ và ‘rất khó gần’; trong khi Bích Ngọc lại nổi lên trong lớp như một ‘ngôi sao sáng’ vì xinh đẹp và học giỏi. Vì thế, anh càng… tránh xa người đẹp. ‘Có lẽ nhờ chiếc xe đạp mà chúng tôi nên duyên chồng vợ’ - Công Hậu cười, nhớ lại.

Đó là chuyện hồi năm thứ nhất, Công Hậu được mẹ sắm cho một chiếc xe đạp để đi học nhưng chỉ mới đi được vài ngày đã bị mất. Bích Ngọc biết chuyện nên an ủi và định cho anh quá giang về nhà. Không cám ơn thì chớ, anh còn sừng sộ: ‘Mất thì đi bộ thôi, việc gì phải buồn!’. Vậy là nàng giận luôn. Nhưng, từ sau lần đó, chiếc xe đạp của Bích Ngọc trở thành nhịp cầu gắn kết tình bạn của hai người khi anh liên tục ‘quá giang’ cả đi lẫn về.

Là bạn thanh mai trúc mã, lại cùng tuổi (1964) nhưng suốt thời sinh viên, anh chị chỉ xem nhau là bạn thân. Thậm chí, khi Công Hậu để ý cô này cô kia còn tâm sự với Bích Ngọc nhờ chị góp ý. Mãi đến khi tốt nghiệp, cùng được phân công về Đoàn ca múa nhạc tỉnh Long An thực tập, tình yêu mới đến với họ. Anh kể, nhờ đi diễn ở vùng sâu nên cả hai mới có điều kiện gần gũi và tìm hiểu nhau; lại có cùng hoàn cảnh con nhà nghèo nên dễ cảm thông và quý mến nhau. Nhưng, cũng phải đến vài năm sau họ mới ‘gom’ đủ tiền để chính thức ‘về một nhà’. 

Từ năm 1992 Công Hậu ‘bén duyên’ với điện ảnh, liên tục nhận được vai diễn. Đó cũng là thời điểm vàng của anh, khi tên tuổi của anh (cùng với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Hoàng Phúc…) liên tục xuất hiện trên các pa-nô quảng cáo phim Việt. Nhưng, cũng từ lúc đó, sóng gió bắt đầu nổi lên trong gia đình, khi anh cứ mãi xuôi Nam ngược Bắc theo các đoàn làm phim. Tình cảm vợ chồng chông chênh, rạn nứt, hôn nhân dần đứng bên bờ vực thẳm. Thời gian này, có hai cột mốc lớn, mà chỉ cần bước chân ra cửa là vĩnh viễn chia lìa, đến giờ Công Hậu vẫn không thể quên.

Mốc đầu tiên xuất phát từ chính việc anh quá lo cho gia đình. Vì nghĩ thời còn nghèo khổ, ba mẹ anh em trong nhà (nhà anh có đến 11 người con) có gì cũng ưu tiên cho thằng Sáu (là anh), nên khi có chút tiếng tăm và tiền bạc, anh đã ưu tiên lo cho ba mẹ và các anh chị em mình. Ban đầu chị cũng ủng hộ anh, thậm chí còn nhắc anh đem tiền biếu cha mẹ, giúp anh chị em... Nhưng, có lẽ do anh cứ mãi lo cho gia đình lớn của mình, bỏ bê gia đình nhỏ, nên chị phản ứng, cho là anh ‘bên trọng bên khinh, chuyện gì cũng là gia đình trước tiên rồi mới tới vợ con và nhà vợ’.

Lúc đó, anh chỉ thấy mình đúng, vợ sai nên mâu thuẫn triền miên. Vợ chồng cùng một nghề, lại cùng tuổi nên tranh cãi là chẳng ai nhường ai. ‘Thật ra, đó là lỗi của tôi nhưng lúc đó tôi không thấy mình sai, chỉ thấy vợ ích kỷ, không hiểu và thông cảm cho chồng. Sau này bình tâm nghĩ lại, thấy mình không đúng nên tôi đã tự điều chỉnh, tìm cách bù đắp cho vợ con’.

Cột mốc thứ hai, theo anh, là những ‘cám dỗ và cạm bẫy nghề nghiệp’ mà nếu không tỉnh táo thì khó lòng thoát ra. Cám dỗ đến từ những vai diễn ‘nồng nàn say đắm’ khi hóa thân vào nhân vật và có lẽ do ‘nhập vai’ quá nên nhiều diễn viên không tránh được chuyện ‘phim giả tình thật’. Biết vậy nhưng anh vẫn không cưỡng nổi, bị ‘say nắng’ một thời gian, xong phim mới bừng tỉnh. Anh thú nhận: ‘Tôi có thể thắng được cám dỗ nhưng không thể thắng nổi cạm bẫy.

Cám dỗ tình cảm có thể buông bỏ nhưng cám dỗ về vật chất và danh lợi thì cứ bám riết lấy tôi. Người đàn bà kia lại đang nắm trong tay danh vọng của mình, chỉ cần mình gật đầu là tiền tài và danh vọng cùng ‘đổ về’, khiến tôi mụ mị lý trí, đã có ý định từ bỏ gia đình… Khi tôi về nhà định nói lời cuối với vợ, chợt nghe tiếng con khóc mới bừng tỉnh. Tỉnh là tỉnh vậy thôi, chứ trong tôi vẫn còn ‘mông lung’ lắm, nên nhiều lúc tôi phải trốn vào chùa ngồi, không phải để cầu nguyện mà là để tịnh tâm trước tác động của những suy nghĩ lệch lạc’.

‘Chuyện này vợ tôi cũng biết, tôi cũng chẳng thanh minh gì vì mình đã sai lè lè. May mà Bích Ngọc cũng là diễn viên nên hiểu và thông cảm cho những phút giây ‘lạc lòng’ của chồng’ - Công Hậu chia sẻ. 

 Kỷ niệm như…rễ cây

Gia đình nào mà chẳng có sóng gió, nhưng khi đã vượt qua rồi vợ chồng mới  biết  yêu quý, gắn bó với nhau hơn. Công Hậu ví von, kỷ niệm như những rễ cây, bám chặt, ăn sâu, len lỏi vào tâm can mình từng ngày, để rồi mỗi lần ‘có biến’ là nó lại vặn mình thức giấc, kéo mình khỏi những cám dỗ, cạm bẫy, trở về với thực tại.

Vì thế, có những ký ức mà theo anh, là đến chết anh cũng không bao giờ quên. ‘Vợ chồng cùng là diễn viên, cái tôi của mỗi người rất lớn, tự ái cũng lớn vì ai cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ… Nhưng may mắn là do cả hai cùng nghề, dễ cảm thông nên mới hàn gắn được. Giờ nghĩ lại, kể lại thì thấy bình thường, nhưng thời điểm đó tôi chông chênh kinh khủng lắm, phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm’.

‘Hon nhan nhu bien ca, ai khong boi se chim’
 

Anh kể, điều anh cảm kích nhất là việc chị quyết định dừng sự nghiệp để toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp: ‘Thực tế, lúc tôi vẫn long đong tìm vai diễn ở đoàn kịch Bông Hồng thì Bích Ngọc đã bắt đầu tỏa sáng ở đoàn kịch Kim Cương với các vai chính ‘đúp-lê’ cho cô Kim Cương trong ê kíp 2 (ê-kíp 1: Kim Cương - Huỳnh Thanh Trà; ê-kíp 2: Bích Ngọc - Thương Tín, trong các vở diễn đình đám như Trà HoaNữ, Con gái người chăn cừu, Vực thẳm chiều cao, Lá sầu riêng…). Mình đã nghèo, sự nghiệp lại chưa có gì mà cô ấy vẫn yêu, vẫn quyết tâm lấy mình, sao mình có thể phụ cô ấy được chứ?’.

Chị cũng chia sẻ, chính những kỷ niệm xưa đã kéo chị lại gần anh hơn, chấp nhận tha thứ cho những lầm lạc của anh. ‘Vợ chồng đồng cam cộng khổ từ những ngày còn nghèo khó, cái tình dẫu có phôi phai theo thời gian thì cái nghĩa vẫn sâu nặng lắm’. Nói là nói vậy nhưng anh hiểu, cái tình của chị đối với anh vẫn nguyên vẹn như thuở nào hai người còn chung nhau một chiếc xe đạp cũ.

Sau khi cánh màn nhung của đoàn Kim Cương khép lại, chị luôn lau vội phấn son, đạp xe trong đêm đến điểm diễn của đoàn Bông Hồng để đón anh, dù khi hai điểm diễn cách nhau đến mấy chục cây số. Cũng chính chị, lãnh tiền cát-sê là dồn hết mua tặng anh một cái áo thun thật xịn mà chẳng dám mua sắm gì cho mình. ‘Cái áo đó giờ cũ lắm rồi, mấy lần dọn nhà tôi đã vứt bỏ, nhưng anh ấy cứ lượm lại, lâu lâu lôi ra mặc’ - chị cười, mắt lúng liếng hạnh phúc.

Chị tâm sự, mình cũng nhớ nghề lắm. May mà thời điểm đó phim bộ Hồng Kông xuất hiện, các hãng rầm rộ tuyển diễn viên lồng tiếng. Chị thấy thời gian làm việc phù hợp với ‘bà mẹ có con nhỏ như mình’ nên đăng ký dự tuyển và được chọn. Lúc đầu  chị nghĩ chỉ làm cho vui, nhưng công việc khá thú vị nên chị dần thích thú rồi say mê.

Sẵn đài từ sân khấu tốt, lại có khả năng diễn xuất, nên chị nhanh chóng  trở thành ngôi sao trong lĩnh vực này, nổi tiếng cũng không kém chồng trong lĩnh vực phim ảnh. ‘Cái được đầu tiên của nghề lồng tiếng là tôi vẫn có cảm giác mình được sống cùng nhân vật cho đỡ nhớ nghề. Thứ nhì là làm việc này tôi có thể thu xếp thời gian chăm sóc gia đình, con cái’ - chị nói.

Giờ thì con trai lớn của anh chị - Nhất Duy, đã 25 tuổi, đang theo học ngành đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.  Trước đó, Nhất Duy đã thi đậu và học hai năm ngành quản trị kinh doanh ở trường ĐHKT TP.HCM, nhưng đổi ý muốn được làm nghệ thuật như ba mẹ. Tôn trọng con, anh chị đã đồng ý cho con học lại. Con gái nhỏ Duy Đông của anh chị mới 15 tuổi nhưng cũng có những biểu hiện muốn theo nghiệp diễn. Quan điểm của anh chị là ‘chỉ khơi gợi cho con chứ không bắt ép con phải theo ý mình’.

Một khi các con đã muốn làm nghệ thuật, anh chị sẵn sàng truyền lại mọi kinh nghiệm bao nhiêu năm lăn lộn với nghề của mình; đồng thời chỉ ra cho các con hiểu toàn bộ thế giới phía sau ánh hào quang của người nghệ sĩ. Thành công cũng học, thất bại cũng phải học. May mắn là con anh, đặc biệt là Nhất Duy, đã hiểu nhiều ngóc ngách của nghề và quyết tâm theo đuổi. Để con có nền tảng thật sự, anh chị luôn hướng các con phải học giỏi văn hóa và cả những kỹ năng sống cần thiết. 

Nhìn lại hơn 20 năm làm nghề, anh bảo, thành công anh có được hôm nay là nhờ công sức rất lớn của vợ. Nhờ có chị hy sinh, lùi lại, sự nghiệp của anh mới phát triển được như hôm nay. Bản thân anh sau bao nhiêu năm theo nghiệp diễn vẫn thấy cần phải bổ sung thêm kiến thức nghề nghiệp, nên năm 2011 anh lại ôn luyện và thi vào ngành đạo diễn, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh.

Tốt nghiệp, anh tham gia làm đạo diễn một số phim, trong đó có phim Con đường giác ngộ (2014) dự thi liên hoan phim quốc tế VESAK đoạt giải nhất. Tháng Ba này anh sẽ bấm máy một phim điện ảnh về đề tài du lịch phượt, là phim phối hợp thực hiện với Hồng Kông, mà anh được mời làm đạo diễn phía Việt Nam. Đồng thời, anh cũng đang chuẩn bị cho một phim khác (cũng màn ảnh rộng) về đề tài tâm lý xã hội…

Thiên Nga 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI